Chủ Nhật, 02/09/2012 10:26

“Cần cân nhắc kỹ việc hạ thuế nhập khẩu xăng, dầu”

Những lần tăng giá liên tục đang đẩy giá xăng, dầu trong nước ngấp nghé mức cao nhất trong lịch sử. Dư luận đang nóng hơn bao giờ hết với những câu hỏi về hiệu quả điều hành giá khi sức ép dồn lên vai người tiêu dùng ngày một nặng nề.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, Phó giáo sư-Tiến sỹ Ngô Trí Long để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

- Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, theo ông vì sao giá xăng dầu tại Việt Nam thời gian qua liên tục tăng?

Ông Ngô Trí Long: Xăng dầu là mặt hàng nguyên nhiên liệu chiến lược, có vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế. Nó tác động đến rất nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.

Đặc biệt với Việt Nam, chúng ta phải nhập khẩu trên 70% xăng dầu cho nhu cầu tiêu thụ trong nước cho nên giá xăng dầu nội địa phụ thuộc rất lớn vào thị trường xăng dầu thế giới.

Bên cạnh đó, việc hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới khiến sự hòa đồng giữa thị trường trong nước và thế giới là điều tất yếu. Đặc biệt, xăng dầu là mặt hàng hết sức nhạy cảm, yếu tố chính trị có tác động rất lớn đến sự tăng giảm. Trong khi đó, tình hình chính trị trên thế giới thời gian qua có những diễn biến phức tạp, nhất là tại các nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nên đã tác động đến nguồn cung dầu, đẩy giá xăng dầu thế giới tăng lên. Bởi vậy, sự biến động theo chiều hướng tăng của giá xăng trong nước trong thời gian gần đây là khá dễ hiểu và hoàn toàn theo quy luật thị trường...

- Trong diễn biến giá xăng liên tục tăng trong thời gian qua, ông đánh giá như thế nào về vai trò điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước?

Ông Ngô Trí Long: Nghị định số 84/2009/NĐ - CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đã xác định nguyên tắc cơ bản là: “Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước” nói rõ Nhà nước thực hiện giám sát, kiểm soát và điều tiết giá xăng dầu thông qua việc quy định công thức tính giá cơ sở theo bình quân giá xăng dầu thế giới 30 ngày để các doanh nghiệp có căn cứ tính toán và đăng ký với cơ quan Nhà nước. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được tự quyết định giá bán xăng dầu trong biên độ về giá từ 0 đến 7%...

Tôi cho rằng, chúng ta cần nhấn mạnh rằng Nhà nước trao quyền định giá xăng dầu cho doanh nghiệp nhưng không có nghĩa là Nhà nước hoàn toàn thả nổi, buông lỏng quản lý để mặc cho doanh nghiệp tự định giá. Chúng tôi được biết, trong quá trình biên độ tăng từ 0 đến 7%, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đề nghị lên các cơ quan chức năng và trên cơ sở đề nghị trên, các cơ quan chức năng có quyết định tăng hay không, tăng bao nhiêu là quyền thuộc về các cơ quan quản lý.

Như vậy, mặc dù để cho doanh nghiệp tự định giá bán nhưng thực tế vẫn luôn phải chịu sự giám sát, kiểm tra rất chặt chẽ của các cơ quan chức năng, đặc biệt là của Bộ Tài chính.

- Qua những lần tăng giá vừa qua, dư luận lại dấy lên câu hỏi nghi ngờ các doanh nghiệp xăng dầu thiếu minh bạch, không chia sẻ khó khăn với người dân, chỉ biết tăng giá để tăng lợi nhuận. Ông đánh giá như thế nào những nghi ngờ trên, thưa ông?

Ông Ngô Trí Long: Thực tế trong thời gian qua, mỗi khi xăng dầu tăng, không ít người dân lại cho rằng lĩnh vực kinh doanh xăng dầu còn độc quyền nên doanh nghiệp thích tăng thì tăng. Điều này hoàn toàn sai lầm. Sự công khai, minh bạch của giá xăng dầu đã được thể hiện rất rõ qua giá cơ sở cộng với các yếu tố khác cũng rất rõ ràng, cụ thể nếu ai quan tâm đều có thể biết tường tận.

Trong những lần tăng xăng dầu gần đây, các doanh nghiệp đã phải hy sinh lợi nhuận của mình, thậm chí chấp nhận lỗ khoảng 300 đồng/lít để bán với mức giá như trên thị trường, đó chính là sự chia sẻ cho người tiêu dùng và xã hội.

Hơn thế, Liên bộ Tài chính – Công thương đã thực hiện giám sát, kiểm tra rất chặt chẽ các doanh nghiệp xăng dầu. Bộ Tài chính cuối năm 2011 đã thành lập 3 tổ kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu tại 4 doanh nghiệp đầu mối và kết quả kiểm tra đã được công bố công khai. Rồi mới đây chỉ trong 2 tháng từ tháng 5 đến tháng 7/2012, Bộ Tài chính lại tiếp tục thanh tra tại 6 doanh nghiệp đầu mối. Tôi được biết, hiện nay, Bộ Tài chính đang tổng hợp kết quả thanh tra, nếu có phát hiện sai phạm chắc chắn các cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định.

- Thưa ông, trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục tăng như vậy tại sao không giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để giảm áp lực giá lên người tiêu dùng?

Ông Ngô Trí Long: Như chúng ta đã biết, giá xăng dầu bán trên thị trường được hình thành trên giá cơ sở bao gồm thuế, phí và một số khoản khác đã được công khai, minh bạch. Riêng trong thuế có ba loại là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng. Trong ba loại thuế này, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng điều chỉnh như thế nào là quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ; còn với thuế nhập khẩu thì Chính phủ và Bộ Tài chính có quyền quyết định.

Thời gian qua Bộ Tài chính đã rất linh hoạt trong việc tăng giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để đảm bảo hài hòa lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Điển hình như trong một thời gian dài Bộ Tài chính đã giảm mức thuế này xuống 0%; đồng thời không trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm kiềm chế giá xăng dầu tăng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang tiến đến thực hiện theo cơ chế thị trường đối với mặt hàng xăng dầu, mặt khác nguồn thu trong nước đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế nên việc hạ thuế nhập khẩu xăng dầu cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Thực tế, trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính đã phải giảm thuế, giãn thuế với một khoản tiền rất lớn để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Mặt khác, chúng ta cũng biết, thuế là tiền đóng góp của dân và thu thuế cũng là để phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, do đó việc chưa hạ thuế cũng đã được các cơ quan chức năng tính toán kỹ, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích Nhà nước và nhân dân cũng như hài hoà giữa các nguồn thu trong bối cảnh hiện nay. Do đó, người tiêu dùng cũng nên thông cảm và chia sẻ với Nhà nước.

- Xin cảm ơn ông!

Xuân Dũng

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Giá dầu nhảy vọt 2% sau bài phát biểu của Chủ tịch Ben Bernanke (01/09/2012)

>   Giảm thuế xăng không ảnh hưởng tới ngân sách (01/09/2012)

>   Sự thật đằng sau giá dầu tăng (31/08/2012)

>   Dầu xuống dưới 95 USD/thùng trước khi Chủ tịch Fed phát biểu (31/08/2012)

>   Giá gas tăng 51.000 đồng/bình (31/08/2012)

>   Chia nhỏ Petrolimex để phá thế chi phối giá? (31/08/2012)

>   Xăng dầu: Giá tăng nhanh, bất ổn xử lý chậm (31/08/2012)

>   Xăng bị đóng loại thuế như rượu!? (31/08/2012)

>   Chân dung “đầu nậu” xăng dỏm (30/08/2012)

>   Nguồn cung đột ngột tăng gần 4 triệu thùng, giá dầu hạ nhiệt (30/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật