Thứ Năm, 13/09/2012 11:36

Trung Quốc muốn đưa “mô hình Thâm Quyến” đến Triều Tiên

Các khu kinh tế ở Triều Tiên được vận hành dưới sự hợp tác giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đang kêu gọi các nhà đầu tư bằng lời hứa thuế suất thấp và lợi nhuận cao. Thậm chí, Trung Quốc còn có ý tưởng xây dựng ở Triều Tiên một khu kinh tế theo mô hình của Thâm Quyến, theo hãng tin Bloomberg.

Một khu vực của thành phố Rason sẽ trở thành “Thâm Quyến của Triều Tiên”, ông Li Zichen, Phó giám đốc một ủy ban quản lý khu kinh tế thuộc chương trình hợp tác Trung Quốc-Triều Tiên, phát biểu tại một hội chợ đầu tư do Bộ Thương mại Trung Quốc tổ chức tại thành phố Hạ Môn của nước này cách đây ít hôm.

Với tư cách là đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc, Thâm Quyến được coi là địa phương dẫn đầu công cuộc đưa nước này trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Một quan chức khác là ông Zhang Zhiqian thì cho biết, một khu kinh tế thứ hai nằm ở khu vực sông Yalu giữa biên giới Trung Quốc và Triều Tiên sẽ là “miền đất hứa cho các nhà đầu tư muốn làm giàu”.

Thái độ sôi nổi nói trên của các quan chức phía Trung Quốc trái ngược hẳn với những xung khắc hồi tháng trước, khi công ty khoáng sản Xiyang Group của Trung Quốc lên tiếng cáo buộc phía Triều Tiên vi phạm hợp đồng, khiến một liên doanh quặng sắt giữa hai bên sụp đổ. Phía Triều Tiên cũng ra sức đổ lỗi cho công ty Trung Quốc là làm ăn gian dối.

Theo đánh giá của giới quan sát quốc tế, thì thành công trong việc mở rộng các khu kinh tế hợp tác với Trung Quốc sẽ giúp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đưa nền kinh tế của đất nước 24 triệu dân này phát triển trong bối cảnh Triều Tiên bị cộng đồng quốc tế cô lập vì chương trình hạt nhân.

Tuy nhiên, “bất kỳ nhà đầu tư Trung Quốc thận trọng nào cũng phải nghĩ đi nghĩ lại trước khi đầu tư vào Triều Tiên. Đã có nhiều câu chuyện đăng tải trên các website Trung Quốc về chuyện mất tiền ở Triều Tiên”, ông Da Zhigang, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Học viện Khoa học xã hội Hắc Long Giang ở Cáp Nhĩ Tân, nhận xét.

Hiện Triều Tiên và Trung Quốc đang vận hành hai khu kinh tế hợp tác gần biên giới giữa hai bên, một ở thành phố Rason và một nằm trên các đảo Hwanggumphyong và Wihwa trên sông Yalu. Khu Rason được thành lập hồi thập niên 1990, trong khi khu còn lại mới được thành lập vào tháng 6 năm nay.

Theo Cơ quan Xúc tiến thương mại Hàn Quốc-Triều Tiên có trụ sở ở Seoul, sự phụ thuộc của Triều Tiên vào Trung Quốc về thương mại đã gia tăng trong năm 2011. Trong đó, xuất khẩu than và các khoáng sản khác của Triều Tiên sang Trung Quốc đã tăng mạnh. Trung Quốc hiện chiếm 89% kim ngạch ngoại thương của Triều Tiên.

Trung Quốc đã hứa sẽ tăng cường hỗ trợ thương mại với Triều Tiên sau khi chú của nhà lãnh đạo Kim Jong Un là ông Jang Song Thaek có cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh ở Bắc Kinh vào tháng trước. Một tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc khi đó cho biết, hai bên sẽ “tăng tốc việc xây dựng cơ sở hạ tầng vào các khu kinh tế” để thu hút đầu tư.

“Kể từ khi Bí thư thứ nhất Kim Jong Un nhậm chức, Chính phủ Triều Tiên đã tích cực ủng hộ khu kinh tế Rason và áp dụng thêm những chính sách linh hoạt và thực tế”, ông Li phát biểu tại hội chợ đầu tư. Theo ông Li, Rason sẽ trở thành “một trung tâm logistic quốc tế quan trọng ở khu vực Đông Bắc Á, một trung tâm thương mại, một địa điểm du lịch thu hút, một cơ sở sản xuất công nghiệp cấp cao và một thành phố cảng hiện đại”.

Theo ông Zhang, khu kinh tế ở đảo Hwanggumphyong và Wihwa sẽ tập trung vào các ngành dệt may, nông nghiệp và phát triển phần mềm. Khu kinh tế này sẽ áp dụng các chính sách đầu tư như thuế nhập khẩu bằng 0, thuế suất thuế thu nhập 14%, và không đòi hỏi visa.

Ông Cho Bong Hyun thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế IBK ở Seoul cho biết, Triều Tiên dự kiến đưa khu kinh tế trên đảo Hwanggumphyong và Wihwa trở thành một tổ hợp công nghiệp dành cho các công ty Trung Quốc. Còn theo giáo sư Koh Yu Hwan thuộc Đại học Dongguk ở Seoul, khu Rason sẽ được phát triển thành một trung tâm ngoại thương và cho phép các tỉnh nằm trong nội địa của Trung Quốc tại khu vực được tiếp cận với các cảng biển Hàn Quốc.

An Huy

tbktvn

Các tin tức khác

>   Hé lộ tổng thiệt hại của khủng hoảng tài chính tại Mỹ (13/09/2012)

>   Hy Lạp vẫn chưa đồng thuận "thắt lưng buộc bụng" (13/09/2012)

>   "Kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn hạ cánh mềm" (13/09/2012)

>   Hy Lạp cho thuê 40 đảo hoang để lấy tiền trả nợ (13/09/2012)

>   Trung Quốc đối mặt với nguy cơ lạm phát gia tăng (12/09/2012)

>   Các nước ngoài Eurozone "sợ" liên minh ngân hàng (12/09/2012)

>   Tòa án Hiến pháp Đức đồng ý thông qua quỹ giải cứu vĩnh viễn châu Âu (12/09/2012)

>   Bồ Đào Nha đã được nới lỏng thâm hụt ngân sách (12/09/2012)

>   Bộ trưởng Nhật Bản tự sát vì bê bối tình cảm? (12/09/2012)

>   Phó Thủ tướng Nga: Sẽ siết chặt kỷ luật ngân sách (12/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật