Thứ Tư, 12/09/2012 18:43

Các nước ngoài Eurozone "sợ" liên minh ngân hàng

Chỉ vài tiếng đồng hồ nữa kế hoạch liên minh ngân hàng gây nhiều tranh cãi sẽ được Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Manuen Barroso công bố tại Brussels.

Các kế hoạch giám sát chặt chẽ hơn đối với ngành ngân hàng trong khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) này đang đặt các nước thành viên không sử dụng đồng tiền chung vào một tình thế khó xử: họ muốn cuộc khủng hoảng của Eurozone kết thúc, nhưng họ không muốn xác nhận một Châu Âu hai tốc độ.

Trang tin Euobsever ngày 11/9 cho biết các đại sứ trong Liên minh châu Âu (EU) đến từ Bulgaria, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Hungary, Latvia, Litva, Ba Lan, Romania, Thụy Điển và Anh đã nhóm họp tại Brussels để chia sẻ những lo ngại liên quan các kế hoạch thành lập liên minh ngân hàng của Ủy ban châu Âu sẽ được tiết lộ vào ngày 12/9.

Trao cho Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tiếng nói quyết định về việc ngân hàng nào cần tăng vốn hoặc cần bán tài sản để tránh phá sản là điều kiện của Đức để họ chấp nhận việc trong tương lai các ngân hàng yếu kém trong khu vực Eurozone được tiếp cận trực tiếp quỹ cứu trợ thường trực (ESM).

Mười nước nằm ngoài khu vực sử dụng euro đều có quyền phủ quyết kế hoạch liên minh ngân hàng, vì các kế hoạch này đòi hỏi phải có sự nhất trí của các bộ trưởng trong Hội đồng EU để được thông qua. Một số nhà ngoại giao cho biết không nước nào thực sự muốn sử dụng tới quyền phủ quyết này, vì họ không muốn phá hỏng các biện pháp có thể giúp bình ổn khu vục sử dụng đồng tiền chung. Song, những lo ngại chủ yếu về vấn đề thể chế vẫn tồn tại và sẽ phải được đưa ra cân nhắc vào phút chót.

Sự khác biệt về phạm vi tham gia giữa các ngân hàng bên trong và bên ngoài Eurozone hiện là vấn đề gai góc chính.

Đối với các nước trung và đông Âu – nơi 65% khu vực ngân hàng nằm dưới sự điều hành của các ngân hàng Áo, Đức, Pháp và Italy – mối lo ngại chính là động thái này sẽ tạo sự cạnh tranh không cân bằng giữa các ngân hàng lớn và các ngân hàng địa phương.

Một vấn đề nữa là các nước ngoài Eurozone có thể lựa chọn tham gia liên minh ngân hàng này, nhưng sẽ không có tiếng nói trong hội đồng điều hành của ECB – vốn chỉ bao gồm các thành viên Eurozone. Các quyết định của hội đồng nhằm bình ổn giá trị đồng euro – chẳng hạn như rút vốn từ các công ty con ở đông Âu để tăng cường cho ngân khố trong nước – có thể sẽ tác động tiêu cực tới các nước nằm ngoài Eurozone.

Một nguồn tin ngoại giao giấu tên nói: “Ít nhất chúng ta nên có vai trò quan sát viên trong hội đồng này, nếu chúng ta tình nguyện nhất trí với tất cả những hạn chế của liên minh ngân hàng."

Những câu hỏi về cái đích của tất cả những động thái hợp nhất chặt chẽ hơn của Eurozone cũng được nêu ra. Cuộc tranh luận về việc có một nghị viện – hoặc một ủy ban đặc biệt trong Nghị viện châu Âu – chỉ dành riêng cho Eurozone đang được theo dõi với sự lo ngại sâu sắc của những nước nằm ngoài khu vực này, vì điều đó sẽ củng cố cho một châu Âu hai tốc độ vốn đang trên đường hình thành.

Đối với Anh, việc có một Eurozone mạnh và hợp nhất hơn cũng là một vấn đề khi đề cập đến nguyên tắc ngân hàng hoặc cán cân quyền lực trong Cơ quan Ngân hàng châu Âu – có trụ sở tại London và tập hợp 27 chuyên gia giám sát ngân hàng của tất cả 27 nước thành viên EU.

Estonia – thành viên Eurozone – lại là một trường hợp đặc biệt, vì toàn bộ khu vực ngân hàng của nước này “nằm trong tay” Thụy Điển. Nhưng do Thụy Điển không phải thành viên Eurozone, nên khi Estonia gia nhập liên minh ngân hàng thì các ngân hàng của họ sẽ vẫn chịu sự giám sát của Thụy Điển .

Nhà ngoại giao trên nhấn mạnh: “Toàn bộ những điều đó cho thấy tất cả chúng ta (những nước nằm ngoài Eurozone) gắn kết với nhau như thế nào. Và, nó cũng cho thấy việc tạo được sự cân bằng khi từ bỏ sự kiểm soát của quốc gia và trách nhiệm pháp lý để nhận lại được một cái gì đó khó đến thế nào, đặc biệt là khi các nước không dùng đồng euro không có sự hỗ trợ như sự hỗ trợ từ ESM"./.

Thái Vân/Brussels

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Tòa án Hiến pháp Đức đồng ý thông qua quỹ giải cứu vĩnh viễn châu Âu (12/09/2012)

>   Bồ Đào Nha đã được nới lỏng thâm hụt ngân sách (12/09/2012)

>   Bộ trưởng Nhật Bản tự sát vì bê bối tình cảm? (12/09/2012)

>   Phó Thủ tướng Nga: Sẽ siết chặt kỷ luật ngân sách (12/09/2012)

>   Trái phiếu Mỹ vẫn “đắt như tôm tươi” dù bị Moody’s hù (12/09/2012)

>   Trung Quốc kêu gọi quốc tế chung tay phục hồi kinh tế (12/09/2012)

>   Moody's cảnh báo hạ xếp hạng tín nhiệm Mỹ (12/09/2012)

>   Hy Lạp gặp khó trong đàm phán với chủ nợ quốc tế (11/09/2012)

>   Mỹ: Vay tiêu dùng giảm (11/09/2012)

>   Khủng hoảng việc làm tiếp tục "hoành hành" tại EU (11/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật