Hé lộ tổng thiệt hại của khủng hoảng tài chính tại Mỹ
Nghiên cứu của Better Markets cho thấy cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã “ngốn” của nền kinh tế Mỹ ít nhất 12.8 ngàn tỷ USD. Dù vậy, ước tính này vẫn được xem là rất dè dặt.
Được công bố đúng vào thời điểm kỷ niệm 4 năm ngày phá sản của Lehman Brothers, nghiên cứu trên là một lời phản bác trực tiếp đối với các cảnh báo liên tiếp trong lĩnh vực ngân hàng về tổn thất tiềm tàng từ các quy định tài chính mới.
Trên thực tế, thiệt hại từ sự đổ vỡ của các ngân hàng đối với nền kinh tế thậm chí còn cao hơn gấp nhiều lần.
Ước tính về thiệt hại của khủng hoảng tài chính do Better Markets thực hiện chỉ là thước đo về tổn thất thực tế và tiềm ẩn mà cuộc khủng hoảng gây ra cho nền kinh tế. Ước tính này không bao gồm nhiều khoản khác như: chi phí cho các biện pháp bất thường được Chính phủ áp dụng nhằm tránh cuộc Đại suy thoái lần hai. Hơn nữa, ước tính trên cũng không bao gồm các chi phí không thể định lượng được như tổn thất về nhân lực xuất phát từ tình trạng thất nghiệp, tịch biên nhà cửa, tình trạng vô gia cư và những thiệt hại liên quan. Được biết, Better Markets là một tổ chức phi lợi nhuận và ủng hộ các cuộc cải cách tài chính.
Nghiên cứu của Better Markets cũng không tính đến các số liệu liên quan đến bất kỳ tổn thất nào đối với hiệu suất lao động của người Mỹ do tình trạng thất nghiệp kéo dài và lan rộng. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng kiếm tiền của người Mỹ và đe dọa đến tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Nhưng ngoài mức thiệt hại ước tính 12.8 ngàn tỷ USD trên, nghiên cứu cho biết khoảng 11 ngàn tỷ USD dưới dạng tài sản của các hộ gia đình bị bốc hơi bởi khủng hoảng và khoảng 8 ngàn tỷ USD có thể bị thổi bay theo thâm hụt ngân sách trong giai đoạn 2008-2018 dưới tác động của cuộc khủng hoảng này.
Các ngân hàng cũng không thể tránh khỏi ảnh hưởng. Cổ phiếu của 5 ngân hàng lớn nhất Mỹ đã đánh mất hơn 500 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường kể từ khi khủng hoảng bắt đầu. Lĩnh vực ngân hàng cũng đã tiêu tốn hơn 2 ngàn tỷ USD cho các khoản nộp phạt xuất phát từ cuộc khủng hoảng này.
Thời gian qua, các ngân hàng liên tục cảnh báo rằng các quy định mới có thể khiến các thị trường tài chính suy sụp và tăng trưởng kinh tế suy yếu. Nghiên cứu của Better Markets ước tính "Volcker Rule" - đạo luật cải cách tài chính ngăn cản các ngân hàng thực hiện hoạt động tự doanh – có thể tiêu tốn của thị trường trái phiếu 315 tỷ USD để đảm bảo thanh khoản. Hôm thứ Ba, ông Jamie Dimon - Giám đốc điều hành JPMorgan Chase – cũng đã ảnh báo về các rủi ro của việc tiến hành quá nhiều cuộc cải cách.
Phước Phạm (Vietstock)
FFN
|