Trung Quốc cảm, thế giới sổ mũi
Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục cho thấy những dấu hiệu suy giảm đáng lo ngại. Liệu khi Trung Quốc bị cảm cúm, thế giới và khu vực sẽ bị sổ mũi?
Theo Tân Hoa xã, ngày 10-9 Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo xuất khẩu tháng 8 tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo 3% và là mức tăng yếu hơn nhiều so với các năm gần đây. Trong khi đó, nhập khẩu bất ngờ giảm 2,6% trong khi các nhà quan sát kỳ vọng sẽ tăng 3,5%. Riêng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc giảm tới 12% so với cùng kỳ, rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10-2010.
Trong tháng 8, tỉ lệ lạm phát của Trung Quốc tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là do giá thực phẩm tăng 3,4% so với cùng kỳ. Giới chuyên gia kinh tế quốc tế dự báo lạm phát của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới do giá thực phẩm thế giới gia tăng. “Lạm phát sẽ không ngăn cản chính quyền Trung Quốc kích thích kinh tế nếu tăng trưởng sụt giảm, nhưng các biện pháp kích thích sẽ không mạnh mẽ” - Hãng nghiên cứu Capital Economics dự báo.
Khó tăng trưởng 7,5%
Đe dọa tăng trưởng châu Á
Theo khảo sát của Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC), việc nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc là mối đe dọa lớn nhất đối với sự tăng trưởng của châu Á. PECC cho biết các nhà lãnh đạo thế giới lo sợ kinh tế Trung Quốc sụt giảm còn hơn là sợ kinh tế EU và Mỹ giảm.
Cách nay 10 năm, châu Á đóng góp khoảng 20% sản lượng kinh tế toàn cầu, còn hiện nay khoảng 35%. Đây là khu vực có mức tăng trưởng nhanh nhất và được thúc đẩy nhờ Trung Quốc. Cho dù hàng hóa xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ có chậm lại đáng kể sau cuộc khủng hoảng năm 2008, nhưng nhu cầu hàng hóa và nguyên liệu từ Trung Quốc đã là yếu tố giúp các nhà máy khác ở châu Á vẫn hoạt động ổn định. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN.
PECC dự báo kinh tế Trung Quốc còn tăng trưởng thấp hơn trong 12 tháng tới.
|
Theo báo Wall Street Journal, các số liệu trên là một tin xấu với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nơi xuất khẩu tạo ra 25% GDP và nuôi dưỡng 200 triệu việc làm. Hai khách hàng lớn nhất của Trung Quốc là Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ hiện đang chìm đắm trong khủng hoảng nợ hay đang hồi phục chậm chạp. Do đó xuất khẩu Trung Quốc bị suy yếu. Còn nhập khẩu sụt giảm là do tiêu dùng trong nước chậm lại vì người dân thắt chặt chi tiêu.
Tại Hội nghị APEC ở Nga cuối tuần qua, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thừa nhận tăng trưởng Trung Quốc đang phải đối mặt với “những thách thức nghiêm trọng”. Theo Bloomberg, giới chuyên gia quốc tế dự báo tăng trưởng Trung Quốc năm 2012 khó đạt mục tiêu 7,5% nếu chính phủ không tung ra một gói kích thích kinh tế quy mô lớn.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, Trung Quốc chưa bao giờ trượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Trên thực tế, từ năm 2004 đến nay Bắc Kinh luôn đặt mục tiêu tăng GDP 7-8%/năm và đạt mức trung bình 10%. Mức 7,5% sẽ là tỉ lệ tăng trưởng yếu nhất trong vòng 13 năm qua. Đối với các nước phương Tây, con số tăng GDP 7,5% là niềm mơ ước, nhưng với một đất nước 1,3 tỉ dân, việc GDP sụt giảm vài phần trăm tương đương việc hàng chục triệu người lao động mất việc làm.
Năm 2008, khi nổ ra khủng hoảng tài chính thế giới, thương mại quốc tế bị gián đoạn, ít nhất đã có 20 triệu công nhân Trung Quốc mất việc làm chỉ trong vài tháng. Tình trạng thất nghiệp hàng loạt giờ đang là mối nguy cơ lớn đối với Trung Quốc, đặc biệt trong thời điểm chuyển giao quyền lực như hiện nay.
Sẽ kích thích kinh tế?
Các nhà phân tích dự báo trước nguy cơ đó, Trung Quốc sẽ tung ra một gói kích thích kinh tế nếu các số liệu thương mại tiếp tục xấu đi. Reuters dẫn lời chuyên gia Connie Tse thuộc Hãng Forecast ở Singapore cho rằng Bắc Kinh sẽ giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng và hạ lãi suất cơ bản trong những tháng cuối năm. Chính quyền cũng sẽ tăng cường chi tiêu công.
Tuần trước, Ủy ban phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc đã thông qua một loạt dự án hạ tầng lớn như đường cao tốc và tàu điện ngầm trị giá tổng cộng 150 tỉ USD. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế khẳng định Trung Quốc sẽ không kích thích kinh tế ồ ạt như thời điểm năm 2008. Khi đó, Bắc Kinh đã tung ra một gói kích thích quy mô lên đến 635 tỉ USD, và lập tức các địa phương Trung Quốc vay tiền đầu tư vô tội vạ vào các công trình hạ tầng và dân cư. Hậu quả là các địa phương và ngân hàng đã lâm vào tình trạng nợ đầm đìa, trong khi bong bóng bất động sản phình to.
Giới chuyên gia cho rằng tăng trưởng hai chữ số của Trung Quốc chỉ còn là “dĩ vãng xa xôi”.
Sơn Hà
Tuổi trẻ
|