Chủ Nhật, 02/09/2012 09:06

Triều Tiên dọ dẫm bước vào kinh tế thị trường

Thời điểm mở cửa kinh tế của CHDCND Triều Tiên đã báo hiệu ở Bình Nhưỡng? Các nhân vật chủ trương cải cách thận trọng đã trở lại vị trí cầm lái và tập hợp quanh nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un?

Một số biện pháp, có thể là khúc dạo đầu báo hiệu việc từ bỏ nền kinh tế tập trung đã được đề xuất. CHDCND Triều Tiên sẽ bước vào một cuộc cải cách kinh tế thị trường từng bước dựa trên một đề nghị do chính ông Kim Jong Un đưa ra vào ngày 28-6 vừa qua mang tựa đề “Về việc thiết lập một hệ thống quản lý kinh tế mới theo cách của chúng ta”.

Yêu cầu tự thân

Ý tưởng then chốt của đề nghị này là làm sao để nhà sản xuất được tự do hơn đối với việc sản xuất của mình. Nhà nước sẽ không áp đặt hạn ngạch cho các doanh nghiệp mà để họ được tự do tổ chức sản xuất theo cách họ muốn, tự quyết định giá cả sản phẩm và hệ thống phân phối của mình. Người nông dân sẽ chỉ phải giao nộp cho nhà nước 70% sản lượng của họ, khác với hiện nay là phải giao nộp toàn bộ.

Rõ ràng các biện pháp này là của kinh tế thị trường, chứ không còn là của kinh tế tập trung bao cấp, ở đó các chỉ tiêu đều do nhà nước ấn định. Theo một nguồn tin của Hàn Quốc, các biện pháp xuất phát từ “sự thay đổi diễn ra trong việc điều hành nền kinh tế từ sau cuộc cải cách 1-7-2002. Bởi vậy, đây chính là việc điều chỉnh các quy định vốn tồn tại trước đó”.

Rõ ràng cuộc cải cách này là để thống nhất giá thị trường và giá chỉ đạo thường là thấp hơn, và trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các cá thể và các doanh nghiệp trong hoạt động kinh tế, nghĩa là vai trò của thị trường đang trở nên quan trọng hơn và giá thị trường cũng trở thành một tiêu chí đáng kể hơn.

Một số nhà phân tích cho rằng đây chỉ là bước mở đầu cho cuộc cải cách thật sự đang được chờ đợi vào mùa thu này. Một nguồn tin từ Chính phủ Hàn Quốc cho biết “Triều Tiên đang tìm hiểu tình hình và suy nghĩ về hướng đi cho nền kinh tế của họ”.

Dù sao thông tin này cũng đang thu hút sự chú ý, bởi nó được đưa ra chỉ vài tháng sau khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền. Nhà lãnh đạo trẻ này đang cần củng cố hình ảnh của mình trước mắt người dân. Từ năm ngoái, vào dịp năm mới, khi báo chí CHDCND Triều Tiên nhấn mạnh đến việc cần cải thiện cuộc sống cho người dân, ông Kim Jong Un đã luôn nhắc lại ý muốn hành động theo hướng này. Cuộc cải cách này đang cho thấy ông đã nhận ra tầm quan trọng ngày càng lớn của thị trường và hành động theo những đòi hỏi của nhân dân mình.

Jang Yong Suk, nhà phân tích thuộc Trung tâm nghiên cứu về hòa bình của Đại học Quốc gia Seoul, đã nhận định: “Đối với ông Kim Jong Un, người mới lên nắm quyền chưa bao lâu, thì việc cấp thiết là giải quyết những khó khăn mà người dân đang phải đối mặt. Về tính hiệu quả của cuộc cải cách này, thì cần phải đợi xem nó có được tiếp nối bằng những thay đổi khác trong lĩnh vực ngân hàng và hệ thống phân phối hay không”.

Yêu cầu từ bên ngoài

Nhiều nhà phân tích khác cho rằng Bình Nhưỡng không thể không lưu ý đến những sức ép của Trung Quốc. Là nước hỗ trợ và là đối tác kinh tế của Bình Nhưỡng trong bối cảnh quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đang xấu đi, Bắc Kinh đang thúc đẩy Bình Nhưỡng mở cửa hơn nữa, nhất là từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền. Sự hỗ trợ của Trung Quốc là cần thiết để duy trì ổn định cho CHDCND Triều Tiên và Bình Nhưỡng không thể không đáp lại.

Cuộc cải cách này đang có nhiều cơ may thành công bởi được sự hỗ trợ rất lớn của ông Jang Song Taek, chú của Kim Jong Un. Ông Jang là thành viên trong phái đoàn kinh tế Triều Tiên từng đến Hàn Quốc năm 2002, với nhận thức về sự cần thiết phải cải cách và mở cửa, ông là một trong số những người ủng hộ nhiệt tình việc thành lập đặc khu kinh tế chung ở Sinuji với Trung Quốc. Từ năm ngoái, ông Jang là đại diện cho CHDCND Triều Tiên trong ban lãnh đạo chung cùng với Trung Quốc điều hành các đặc khu kinh tế ở Hwanggumpyong và ở Rason hiện đang hoạt động mạnh kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền. Ông lại còn được hỗ trợ tích cực của người vợ là bà Kim Kyong Hui, em ruột cố lãnh đạo Kim Jong Il và là thư ký của Đảng Lao động Triều Tiên chịu trách nhiệm về ngành công nghiệp nhẹ.

Và còn của nhiều nhân vật khác nữa. Như ông Pak Pong Ju (thủ tướng từ năm 2003-2007, tác giả của những cải cách kinh tế đầu tiên, hiện là nhân vật số 2 trong Ủy ban công nghiệp nhẹ của Đảng Lao động Triều Tiên) và ông Ro Tu Chol (phó thủ tướng, chủ tịch Hội đồng kế hoạch nhà nước). Đáng chú ý là ông Pak Pong Ju, một trong số những tác giả cuộc cải cách ngày 1-7-2002, bị cách chức năm 2007 sau thất bại của cuộc cải cách này nhưng đã được phục hồi năm 2010.

HÀ AN (Theo OhmyNews)

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Mafia và ngân hàng: mối quan hệ nguy hiểm (01/09/2012)

>   9 sự kiện quyết định số phận Eurozone trong tháng 9 (01/09/2012)

>   Ben Bernanke tái khẳng định áp dụng QE nếu cần thiết (31/08/2012)

>   Pháp, TBN thúc Eurozone giúp kiềm chế chi phí vay (31/08/2012)

>   Trung Quốc và Đài Loan ký kết về giao dịch tiền tệ (31/08/2012)

>   Kinh tế Italy dự kiến sụt giảm 2% trong năm 2012 (31/08/2012)

>   IMF sẽ tiếp tục trợ giúp Hy Lạp vượt khủng hoảng (31/08/2012)

>   Chỉ số niềm tin kinh tế Eurozone xuống thấp kỷ lục (31/08/2012)

>   4 nguyên tắc vượt khủng hoảng của CEO DuPont (31/08/2012)

>   Hy Lạp duyệt phác thảo gói tiết kiệm 11,5 tỷ euro (31/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật