Tái cấu trúc SBS: Cổ đông “được” hay “mất”?
Các đề xuất này trong Đề án Tái cấu trúc của SBS đang làm nổi lên hai vấn đề đáng quan tâm. Đó là quyền lợi của trái chủ (ở đây là Ngân hàng Sacombank) và quyền lợi của các cổ đông đang nắm giữ và sẽ nắm giữ cổ phiếu của SBS sau khi thực hiện gộp cổ phiếu.
* SBS: Đề án tái cấu trúc có khả thi?
Ngày 4/9/2012, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (HOSE: SBS) đã công bố thông tin về việc chốt danh sách cổ đông để xin ý kiến bằng văn bản đối với Đề án Tái cấu trúc toàn diện, bao gồm các nội dung cả về tái cấu trúc nguồn vốn tự có, tổ chức và hoạt động kinh doanh.
Nội dung chính và đặc biệt nhất của Đề án này là việc chuyển đổi Trái phiếu chuyển đổi và gộp cổ phiếu. Có thể thấy, việc gộp cổ phiếu tuy không quá phức tạp về mặt kỹ thuật, nhưng cần phải nhận được sự đồng ý của cổ đông và sự phê duyệt của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Còn việc chuyển đổi trái phiếu là hoạt động bình thường của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, các đề xuất trong Đề án Tái cấu trúc mà SBS đưa ra đang làm nổi lên hai vấn đề đáng quan tâm. Đó là: (1) Quyền lợi của trái chủ (ở đây là Ngân hàng Sacombank - STB) và (2) Quyền lợi của các cổ đông hiện hữu, đang nắm giữ và sẽ nắm giữ cổ phiếu của SBS sau khi thực hiện gộp cổ phiếu.
Hiện trạng tài chính của SBS cũng đã được công bố. Cụ thể, vốn chủ sở hữu đã là con số âm (-256 tỷ đồng), tương đương với âm 2,022 đồng/cp (làm tròn số). Hay nói một cách khác, để khôi phục hoạt động của SBS (nếu như không thực hiện Tái cấu trúc) thì các cổ đông sẽ phải “góp vốn cổ phần” lần thứ hai với giá trị là 12,022 đồng/cổ phiếu. Có nghĩa là các cổ đông sẽ phải góp 10,000 đồng (ban đầu), cộng thêm 12,022 đồng (để khôi phục) là 22,022 đồng. Còn đối với nhà đầu tư, thì.... có thể tự tính được bằng cách lấy giá mua cổ phiếu SBS cộng với 12,022 đồng.
Có thể dễ dàng thấy rằng, chẳng có cổ đông hoặc nhà đầu tư nào lại đồng thuận theo phương án này, khi mà phải bỏ ra tới tận 12,022 đồng “tiền tươi” chỉ để duy trì cho một loại tài sản đang được “bán” trên thị trường với giá chưa đến 4,000 đồng. Và, nếu không thực hiện phương án tái cấu trúc, thì kết cục duy nhất của SBS có thể có là thực hiện thủ tục phá sản.
Vậy, trong trường hợp thực hiện biện pháp phá sản thì sao?
Tính đến ngày 30/6/2012, SBS đang có tài sản trị giá 1,480 tỷ đồng, trong đó, tiền mặt là 878 tỷ, các khoản đầu tư và phải thu là 547 tỷ đồng, và tài sản cố định là 55 tỷ đồng.
SBS đang có nợ phải trả là 1,736 tỷ, trong đó: (1) Tiền của nhà đầu tư gửi tại SBS là 208 tỷ đồng; (2) Phải trả thuế 81 tỷ đồng; (3) Phải trả người lao động 18 tỷ đồng; (4) Nợ ngắn hạn và phải trả ngắn hạn khác 629 tỷ đồng; (5) Nợ dài hạn (trái phiếu chuyển đổi) 800 tỷ đồng.
Khi thực hiện phá sản, 878 tỷ đồng tiền mặt của SBS sẽ được thanh toán cho các nghĩa vụ nợ đúng theo thứ tự ưu tiên nêu trên (đấy còn chưa kể chi phí tòa án, phí thủ tục phá sản và hỗ trợ người lao động mất việc làm). Như vậy, SBS có thể thanh toán ngay tiền cho nhà đầu tư, thuế, người lao động và một phần cho các chủ nợ ngắn hạn. Phần còn lại của chủ nợ ngắn hạn và trái chủ sẽ phải “đợi” cho đến khi thanh lý xong các khoản đầu tư và tài sản cố định (trị giá khoảng 600 tỷ đồng, chưa kể bị “ép giá” do bán thanh lý!).
Theo cách tính trên thì trái chủ tối đa sẽ thu lại được 544 tỷ đồng. Còn cổ đông sẽ “mất trắng” khoản đầu tư của mình vào cổ phiếu SBS. Đối với Ngân hàng STB, vừa là trái chủ, vừa là cổ đông nắm giữ 11% vốn cổ phần tại SBS, thì tổng thiệt hại ước tính vào khoảng 395 tỷ (trong thực tế có thể sẽ cao hơn do không thể thu hết được 544 tỷ đồng tài sản còn lại như tính toán và không biết đến bao giờ mới thu được!).
Còn khi thực hiện biện pháp Tái cấu trúc?
Theo đề án tái cấu trúc vốn mà SBS đã công bố, thì có 3 nội dung cơ bản: (1) Đề nghị trái chủ thực hiện việc chuyển đổi 800 tỷ đồng trái phiếu thành vốn cổ phần với tỷ lệ 1:1 theo hợp đồng phát hành trái phiếu chuyển đổi; (2) Xin ý kiến của cổ đông về việc gộp cổ phiếu theo một tỷ lệ thích hợp (dự kiến là 3.8:1); và (3) Phát hành 257 tỷ đồng cổ phiếu mới để đưa vốn điều lệ thực có về 800 tỷ đồng.
Thực hiện phương án này, cổ đông vừa “được” và vừa “mất”.
Cái “được” lớn nhất là khoản đầu tư của cổ đông vẫn còn có giá trị (chứ không phải là “mất trắng” như phương án thực hiện phá sản). Giả sử, một cổ đông sở hữu 38 cổ phiếu SBS, với giá vốn là 380,000 đồng. Sau khi thực hiện tái cấu trúc vốn, cổ đông này còn sở hữu 10 cổ phiếu, với giá trị thực (giá trị sổ sách) là 100,000 đồng và thị giá là khoảng 133,000 đồng (nếu lấy thị giá tại thời điểm hiện tại là 3,500 đồng và giá sau khi gộp là 13,300 đồng/cp). Nếu SBS làm ăn có lãi và kết quả kinh doanh đạt được như trong phương án tái cấu trúc hoạt động, thì cổ đông này có khả năng khôi phục lại được giá trị đầu tư khi thực hiện xong giai đoạn tái cấu trúc (2012-2014).
Cái “mất” của cổ đông, có chăng nữa là số lượng cổ phiếu nắm giữ, từ 38 cổ phiếu (mà thực tế là không còn giá trị) xuống còn nắm giữ 10 cổ phiếu (nhưng vẫn còn giá trị).
Đối với Ngân hàng STB, dưới góc độ là trái chủ, sau khi thực hiện chuyển đổi và thực hiện phương án tái cấu trúc vốn, thì tổng số lượng cổ phiếu mà STB sẽ nắm giữ trực tiếp là 24,720,000 cổ phiếu SBS mới. Nếu thực hiện thành công chương trình tái cấu trúc toàn diện (giai đoạn 2012 – 2014), STB hoàn toàn có thể khôi phục được khoản đầu tư ban đầu tại SBS.
Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, SBS cần sự đồng thuận và ủng hộ của cổ đông, nhà đầu tư và trái chủ. Một sự lựa chọn được xem là tốt nhất, mang tính quyết định tới sự tồn tại của SBS.
Tường Vy (Vietstock)
ffn
|