Nhiều ngân hàng chưa trích lập dự phòng đầy đủ
Chênh lệch lớn giữa lãi suất cho vay và huy động đã giúp cho nhiều ngân hàng có lãi cao trong năm 2011, nhưng nếu trích lập dự phòng đầy đủ thì mức lãi thực không lớn như con số trong báo cáo tài chính của các ngân hàng. Đó là nhận định trong báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2012 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa được công bố ngày 4-9.
Theo báo cáo này, trong năm 2011, các ngân hàng đều vượt trần lãi suất huy động 14%/năm, đẩy lãi suất cho vay tăng cao. Cụ thể có những khoản vay dành cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chịu lãi suất đến hơn 20%, tiêu dùng cá nhân từ 22- 24%.
Chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay kéo dãn từ 4- 5 điểm phần trăm thay vì chỉ dừng ở mức hợp lý khoảng 3 điểm phần trăm. Nhờ vậy, lợi nhuận các ngân hàng lớn đều cao hơn năm 2010 bất chấp tăng trưởng tín dụng thấp hơn mọi năm. ROE (lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) trung bình của 8 ngân hàng niêm yết đã tăng từ mức 18,8% năm 2010 lên 19,68% năm 2011.
Những người lập báo cáo cho rằng ở nhiều ngân hàng tỷ lệ nợ xấu tăng, nhưng tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu lại giảm. Cụ thể số dư dự phòng rủi ro tín dụng cuối 2011 bằng 62,8% tổng nợ xấu, giảm 17,15% so với 2010. Báo cáo đưa ra ví dụ cụ thể tại Habubank (HBB). Ngân hàng này báo cáo nợ xấu 4,69% và vẫn lãi vào cuối 2011, khác hẳn với số liệu trong đề án sáp nhập với SHB, nợ xấu lên tới 16%, và nếu trích lập dự phòng đầy đủ thì Habubank lỗ trên 4.000 tỉ đồng.
Con số nợ xấu (nhóm 3, 4, 5) gia tăng mạnh vào cuối 2011, lên 3,72% so với 2,29% của năm 2010. Nợ quá hạn (nhóm 2) cũng tăng mạnh vào cuối 2011, chiếm 11,09% tổng dư nợ và tăng 3,32% so với 2010. Trong đó Habubank và Vietcombank (VCB) có nợ quá hạn tăng nhanh nhất. Và theo báo cáo, một phần nợ quá hạn năm 2011 sẽ có thể thành nợ xấu trong 2012.
Trong khi đó các ngân hàng có thể tự quyết định phân loại nợ dựa trên đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, vì vậy có nhiều tổ chức tín dụng áp dụng chuyển các khoản nợ từ nhóm cao sang nhóm thấp để giảm trích lập dự phòng. Vì vậy, nếu thực hiện phân loại nợ và trích lập đủ dự phòng rủi ro theo quy định thì kết quả kinh doanh nhiều ngân hàng sẽ giảm mạnh và sẽ có không ít ngân hàng bị thua lỗ, thậm chí thua lỗ nặng.
Ngoài ra, một vấn đề khá nghiêm trọng trong hoạt động ngân hàng năm 2011 là đến hết năm, nợ quá hạn tăng mạnh trên thị trường liên ngân hàng, tăng đến 94,24% so với 2010 và chiếm 10,8% tổng dư nợ cho vay. Tuy vậy, nếu loại trừ trường hợp một ngân hàng nước ngoài có nợ quá hạn chiếm đến 82% nợ quá hạn của toàn ngành thì nợ quá hạn của tổ chức tín dụng trong nước tăng 17,07% so với cùng kỳ.
Thanh Thương
TBKTSG
|