Thứ Tư, 05/09/2012 11:22

Tự do hóa lãi suất: Cần thêm điều kiện đủ

TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, tự do hóa lãi suất trong năm nay là rất khó, mà có thể vào một thời điểm thích hợp trong năm tới, nhưng phải tính toán rất kỹ lưỡng về những rủi ro và những điều kiện khác có cho phép hay chưa.

Hiện thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đã được cải thiện nhiều, thậm chí nhiều ngân hàng còn dư thanh khoản. Trong khi đó lạm phát và lãi suất cũng giảm mạnh so với năm ngoái. Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, NHNN nên bỏ trần lãi suất. Tuy nhiên, trao đổi với Thời báo Ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, như vậy chưa đủ. Mặc dù các điều kiện về vĩ mô như lạm phát, lãi suất hay thanh khoản trong hệ thống đã tạm ổn nhưng những điều kiện khác, đặc biệt về tâm lý thì vẫn chưa tốt, như trong tháng 8 vừa qua đã có một số xáo trộn liên quan đến một số ngân hàng.

Bên cạnh đó, hiện chúng ta đang tập trung duy trì những thành quả đạt được về chính sách tiền tệ trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định tâm lý người dân, thì việc phải lo thêm câu chuyện tự do hóa lãi suất lúc này e rằng cùng lúc phải giải quyết quá nhiều việc.

Nhìn chung, xét trong bối cảnh hiện nay, theo tôi chưa thể thực hiện tự do hóa lãi suất được.

Nhưng một số ý kiến cho rằng, việc tự do hóa lãi suất sẽ kéo giảm mặt bằng lãi suất, qua đó cải thiện khả năng tiếp cận vốn của DN?

Không hẳn vậy, vì hiện nay nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất, nới lỏng điều kiện tín dụng vì họ cũng muốn cho vay ra. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, tăng trưởng tín dụng đến nay rất thấp, chủ yếu do khả năng hấp thụ vốn của DN rất yếu. Có một thực tế là những DN yếu thì hấp thụ vốn dĩ nhiên là yếu rồi, nhưng ngay cả những DN “khỏe” cũng đang ngần ngại vay vốn bởi điều mà các DN quan tâm hàng đầu hiện nay là giải phóng hàng tồn kho.

Một điểm nữa cần đề cập là muốn giảm lãi suất nhanh, mạnh nữa cũng phải có cơ sở, đặc biệt là tín hiệu về lạm phát. Lạm phát năm nay dự kiến ở mức 7%, như vậy lãi suất tiền gửi muốn thực dương phải vào khoảng là 8-9%. Như vậy dư địa để giảm nữa cũng không còn nhiều.

Vậy theo ông, điều kiện cần và đủ để tự do hóa lãi suất là gì?

Theo tôi, ngoài các điều kiện như đã đề cập còn cần thêm một số điều kiện như: Thứ nhất, phải có thêm thời gian để ổn định hơn về mặt tâm lý, đặc biệt là sau một vài xáo trộn vừa qua. Thứ hai, phải gần như hoàn thiện quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vì chừng nào vẫn còn ngân hàng yếu thì hoạt động cạnh tranh không lành mạnh, huy động vốn giá cao vẫn còn diễn ra. Và như thế nó có thể làm mặt bằng giá thị trường bị phá vỡ. Thứ ba, nên để cho người dân, DN, ngân hàng quen hơn với cung cách làm ăn theo thị trường, văn hóa thị trường, “thuận mua, vừa bán” và phải tuân thủ nguyên tắc thị trường.

NHNN đã cho các NHTM được áp lãi suất thỏa thuận với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, theo ông đây có phải là bước đi cần thiết để tiến tới tự do hóa hoàn toàn?

Đúng, đây là một bước đệm tốt.

Có cần thêm bước đệm nào nữa không, trước khi tự do hóa lãi suất hoàn toàn?

Có thể. Trên cơ sở xem xét tình hình cụ thể chúng ta có thể hoặc bỏ đi trần huy động ngắn hạn, hoặc bỏ đi trần lãi suất cho vay, sau đó mới bỏ đi hoàn toàn.

Vậy theo ông, thời điểm nào thích hợp để tự do hóa lãi suất?

Vì năm nay hệ thống có một số biến động ngoài mong đợi nên khiến cho quá trình tái cơ cấu có thể lâu hơn, phức tạp hơn. Theo dự kiến ban đầu của tôi, vào cuối năm nay có thể thực hiện tự do hóa lãi suất. Tuy nhiên, do những yếu tố chưa thuận lợi xảy ra nên thời điểm cần lùi lại. Nên tôi nghĩ câu chuyện tự do hóa lãi suất trong năm nay là rất khó, mà có thể vào một thời điểm thích hợp trong năm tới. Nhưng phải tính toán rất kỹ lưỡng về những rủi ro và những điều kiện khác có cho phép hay chưa.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Lê thực hiện

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   NHNN yêu cầu chấn chỉnh công tác thanh tra, giám sát ngân hàng (05/09/2012)

>   Ngân hàng: 3 nhóm sở hữu chéo tiềm ẩn nguy cơ (05/09/2012)

>   Gửi tiết kiệm vẫn là kênh an toàn và hiệu quả (04/09/2012)

>   Có “cương quyết” tăng phòng ngừa rủi ro tín dụng? (04/09/2012)

>   Nhiều ngân hàng dễ vỡ ba chỉ tiêu lớn (04/09/2012)

>   Lãi suất cho vay cá nhân lùi về dưới trần huy động (04/09/2012)

>   TS. Trần Du Lịch: Tăng trưởng tín dụng 4 tháng cuối năm khó đạt 2% (04/09/2012)

>   TPHCM: Mở rộng Quỹ Bảo lãnh tín dụng (04/09/2012)

>   Tín dụng mong manh: Nới chỉ tiêu, giữ chất lượng (03/09/2012)

>   VietinBank cho vay trên 807 tỷ đồng với hầm Đèo Cả (02/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật