Nhân trường hợp “Thông tư thịt”!
Cũng như dự thảo ngực lép thì không ra đường, ngành chứng khoán cũng phải có phụ lục với điều khoản “mắt kém thì cấm lên sàn”.
Mình đảm bảo là hơn 80 triệu người Việt Nam, ai bắt đầu mọc răng sữa đều đã từng có (nhiều) lần xơi thịt lợn. Thế nên cái “Thông tư thịt 8 tiếng” do Bộ Nông nghiệp - nông thôn soạn thảo mấy tuần trước mới có tiếng vang sâu rộng làm vậy.
Quy định ấy, kể ra có thể nói ngắn gọn thế này: từ ngày 3/9 năm nay, ai ngả lợn ra muốn bán thế nào là tùy, cứ 8 tiếng phải xong. Theo các nhà soạn thảo, đây hoàn toàn không phải là phút cao hứng nhất thời mà… “dựa trên cơ sở khoa học dịch tễ của thịt” đàng hoàng. Thừa thắng xốc tới, sau “Thông tư thịt”, các nhà soạn thảo còn có cả “Thông tư trứng” có hiệu lực cùng ngày cho đồng bộ!
Chả biết anh đồ tể, chị tiểu thương nào phản đối, riêng gấu mẹ nhà mình mừng ra mặt. Giữa giờ cơm tối tuần trước, nghe đài thông báo mà cười không khép được miệng. Có nhẽ thị đang nghĩ đến những phản thịt ngồn ngộn ế sưng ế sỉa của mấy bà hàng cân điêu đầu ngõ… Nhưng cười một lúc, vợ mình quay sang thắc mắc: Ô, thế làm sao để biết lợn đã giết được 8 tiếng nhỉ?
Mình ừ hữ: đã nghĩ ra được quy định ấy thì cái máy đo thịt là chuyện nhỏ.
- Nhỡ họ bán ở chợ cóc thì sao, nhỡ 8 tiếng không bán hết có phải đổ đi không, nhỡ…
- Ôi dào, sốt ruột. Nhỡ cũng phải làm. Dấu đỏ, mực đen rồi, chứ phải chuyện mặc cả ngoài chợ nhà các bà đâu…
Ấy thế mà nhỡ nhàng thật. Mấy hôm trước lại nghe có quyết định dừng thực hiện cả “Thông tư thịt” lẫn “Thông tư trứng”. Mình cũng tiếc hùi hụi, nhưng chẳng phải vì muốn trả thù mấy bà bán thịt cân điêu, mà vì nếu cái thông tư thú vị kia sống được thì có khi ngành chứng khoán cũng học được khối điều. Bởi nếu cứ chiểu “Thông tư thịt 8 tiếng” mà theo thì có lẽ giờ mình không phải ôm hận vì mớ cổ phiếu OTC cất dưới đáy hòm. Nói chẳng đâu xa, nhiều đại gia DN khi đem hàng ra IPO thì năm tao bảy tuyết hò hẹn. Rằng chỉ dăm bảy tháng nữa là được lên sàn mua mua bán bán. Bây giờ hóa ra toàn hứa lèo rồi đổ “tại thằng khách quan nên làm ông... khó lên”.
Hay là các bác ở ngành chứng khoán mượn luôn cái thông tư bất thành này rồi thay “thịt” thành “chứng”, xem lời hứa có dám để ôi thiu thế không?
Thiên hạ vốn hay bàn ra tán vào nên cái quy định chống ôi thiu kia đã hủy. Nhưng ai hiếu sự cũng chả lo thiếu chuyện để bàn. Vì ngày cuối tuần rồi, ngành giao thông lại có một sáng kiến cực hay. Đó là buộc các hãng taxi cả nước phải sơn cùng một màu. Lý do thì nghe thấy bảo là nhằm chống xe dù, xe nhái, nhưng chắc là các bác quản lý cũng thích hoành tráng. Đồng phục nhìn vào bao giờ chả đồng bộ, chính quy…
Cái nguyên cớ… nhân văn là thế mà mấy chủ hãng taxi lại tố đó là “việc ngược đời”. Rằng, bọn xe cóc, xe nhái sẽ tung hoành như “bắt bỏ đĩa”, vì trước nhái hãng nào thì hãng ấy xử. Bây giờ “màu chung” không ai quản thì sao… vân vân và vân vân… Nhưng còn lý do nữa mình đồ rằng, giữa thời gạo châu củi quế, mất tiền tỷ để sơn sửa, tút tát lại xe thì các bác chủ hãng cũng xót ruột nên kêu.
Nhưng kêu thì kêu, những ý tưởng mới đều đáng nghiên cứu. Nếu tính từ dự thảo quyết định cấm ngực lép ra đường của ngành y tế thì sẽ thấy khối chuyện hay ho. Từ chuyện nho nhỏ như cấm vận chuyển gia súc, gia cầm bằng xe máy vào nội thành; cấm chơi game online quá 180 phút trong một ngày… Đến chuyện lớn, tỷ như cấm nghe, nói bằng điện thoại di động ở gần trạm xăng hay phải điền tên bố mẹ vào chứng minh thư cho nó... đồng bộ. Chưa kể một số bác chả mấy liên quan nhưng cũng thích tạo tiếng vang bằng cách đêm ngày nghiên cứu, đề xuất. Kiểu như cấm xây mới biệt thự trên 300 m2 hay là thu phí quyền mua ô tô xe máy với giá gấp khoảng 4 - 10 lần giá trị xe chẳng hạn.
Mà nói chuyện đồng bộ mới nhớ, vừa rồi, Sở Kế hoạch&Đầu tư Hà Nội chắc là cũng bởi cái ý muốn chuẩn hóa DN nên “sốt sắng” làm quá cả luật. Cổ đông sáng lập DN đã hết thời hạn chế chuyển nhượng cổ phần, nhưng cứ mua bán cổ phiếu là phải đăng ký thay đổi giấy phép kinh doanh. DN thì méo mặt, bởi cổ đông sáng lập nhiều bác vui tính mua bán hàng ngày. Chả lẽ lại phải nuôi vài nhân sự để chuyên đi làm cái việc đăng ký lại DN theo sở thích vào ra sàn xới của người sáng lập.
DN bức xúc thì các bác bảo, tôi cũng linh hoạt thôi, chứ nếu làm nghiêm thì 10 ông có đến 9 ông bị phạt. Nhưng lại bỗng lo lo vì cái sự linh hoạt này. Giả dụ một ngày đẹp trời mà tay đại diện DN không vừa mắt bác, nếu bỗng dưng bác thấy người khó ở, nếu hôm ấy có bão từ, nếu…, bác bức bối rồi bác không linh hoạt thì sao?
Mình chỉ nghĩ, cổ đông sáng lập là những người đẻ ra DN. Cũng như cha mẹ, còn đăng ký kinh doanh là tờ giấy hôn thú. Dẫu bố mẹ có ly thân thì con cái vẫn là con họ. Mấy ông bà đến sau quá lắm cũng chỉ là cha dượng, mẹ kế là cùng. Sao phải đăng ký lại?
Nhưng thôi, dẫu gọt chân cho vừa giày thì cũng là chuyện biết rồi khổ lắm nói mãi. Bây giờ phát huy tính ưu việt của sáng kiến sơn taxi đồng màu, cũng mạo muội đề xuất cơ quan quản lý cho đồng nhất bảng điện chứng khoán thành toàn một màu xanh. Lý do là dẫu thị trường xuống thì cái cảm giác mất mát nó cũng… nhuốm màu xanh hy vọng!
Chỉ có điều, cũng như dự thảo ngực lép thì không ra đường, ngành chứng khoán cũng phải có phụ lục với điều khoản “mắt kém thì cấm lên sàn”. Bảng điện cứ xanh lè cả mảng, mắt bồ câu con đậu con bay mà lỡ tay mua giá trần con giá sàn, bán giá sàn con giá trần thì khổ… Khác gì ra ngõ gặp xe dù, các bác nhỉ!
Phí Trọng Hiếu
đầu tư chứng khoán
|