Bộ trưởng Vũ Đức Đam: “Chính phủ đang gỡ khó cho TTCK”
Động lực để phát triển TTCK bền vững đã được khẳng định đó là sự ổn định kinh tế vĩ mô, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành thời gian tới.
“Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan, đặc biệt là Bộ Tài chính tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho TTCK…”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho hay, khi trả lời câu hỏi của ĐTCK tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa diễn ra.
Tăng tính hấp dẫn cho TTCK
Ông Đam đánh giá, TTCK từ đầu năm 2012 đến nay gặp khá nhiều khó khăn. Mới đây, khi ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt, do công tác truyền thông của cơ quan quản lý thiếu kịp thời, nên đã gây ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến tâm lý thị trường, NĐT. Tuy nhiên, sau khi các cấp quản lý cung cấp thông tin đầy đủ, thị trường đã sớm ổn định trở lại. Dẫu vậy, TTCK vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn. Chính phủ nhận thấy rằng, để hỗ trợ TTCK vượt qua tình trạng này, sớm trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực cho nền kinh tế, cần triển khai đồng thời nhiều giải pháp ở các cấp độ khác nhau.
Theo đó, ông Đam cho biết, cần tập trung tăng tính hấp dẫn cho TTCK. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính quyết liệt triển khai Đề án tái cơ cấu DNNN, trong đó trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty. Chính phủ đang xem xét để giảm từ 11 tập đoàn kinh tế nhà nước hiện tại, xuống còn 5 - 7 tập đoàn; tập trung đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, nhằm gia tăng nguồn hàng có chất lượng cao cho TTCK. Cùng với đó, để tạo động lực thu hút thêm NĐT tham gia thị trường, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính triển khai các giải pháp đồng bộ. Trong đó, ưu tiên sửa đổi, bổ sung chính sách thuế, cũng như các giải pháp kỹ thuật nhằm thu hút NĐT, nhất là NĐT nước ngoài tham gia TTCK nhiều hơn.
“Sau khi cho ý kiến vào Đề án tái cơ cấu TTCK, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính với tư cách là cơ quan chủ trì xây dựng, sớm hoàn chỉnh Đề án để phê duyệt và tổ chức triển khai. Tinh thần chỉ đạo quan trọng của Chính phủ trong quá trình xây dựng, cũng như triển khai đề án này là yêu cầu sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành liên quan, chứ không chỉ riêng Bộ Tài chính. Đây là điều kiện then chốt để triển khai có hiệu quả các nội dung tái cơ cấu TTCK…”, ông Đam nói.
Để hỗ trợ TTCK căn cơ, dài hạn và bền vững hơn, ông Đam cho hay, Chính phủ đang kiên trì theo đuổi mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô ổn định không chỉ trong năm nay, mà cả trong những năm tới. Theo đó, năm 2012 nỗ lực đưa GDP tăng trên 5%, lạm phát khoảng 7%. Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Chính phủ bước đầu thảo luận định hướng điều hành nền kinh tế năm 2013 theo hướng tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Phấn đấu GDP tăng 6%, lạm phát dưới 7%, năm 2015 đưa lạm phát về 5%.
“Quá trình thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô dài hạn luôn có tác động hai mặt đến nền kinh tế. Nhưng đó là cái giá tất yếu phải đánh đổi cho nỗ lực ổn định vĩ mô dài hạn. Bởi vậy, Chính phủ mong nhận được sự chia sẻ, chung sức, chung lòng của người dân và cộng đồng DN, để đặt nền kinh tế vào đường ray phát triển ổn định, bền vững. Qua đó, hỗ trợ vững chắc cho sự phát triển lành mạnh của DN, cũng như TTCK”, ông Đam nhấn mạnh.
Giám sát chặt hoạt động của CTCK
Trả lời câu hỏi của ĐTCK tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho hay, nỗ lực tái cơ cấu TTCK, nhất là CTCK đang được Bộ Tài chính triển khai quyết liệt, đồng bộ. Việc tái cơ cấu CTCK được triển khai theo hướng củng cố năng lực hoạt động, nhằm giảm thiểu rủi ro cho NĐT, thị trường. Hoạt động của các CTCK đang được cơ quan quản lý tập trung giám sát chặt chẽ.
Để góp phần tăng thanh khoản cho thị trường, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Ngoài rút ngắn thời gian thanh toán, qua đó cho phép NĐT được bán chứng khoán sớm 1 ngày so với trước đây, Bộ đang chỉ đạo xem xét triển khai một số sản phẩm mới khi điều kiện thị trường cho phép. Việc phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ đang được tiếp tục tăng cường theo hướng chặt chẽ, linh hoạt và hiệu quả hơn. Qua đó, hỗ trợ cho sự phát triển lành mạnh của thị trường.
“Để đảm bảo cho TTCK vận hành minh bạch, công bằng, mang lại môi trường đầu tư hấp dẫn, công tác thanh tra, giám sát thị trường đang được tăng cường theo hướng chuyên nghiệp và bài bản hơn”, bà Mai nói.
Hữu Hòe
Đầu tư chứng khoán
|