Thứ Bảy, 08/09/2012 20:44

Thay đổi sở hữu tại Sacombank: Một góc nhìn khác

Dưới góc nhìn tích cực, cuộc chuyển giao quyền lực tại Ngân hàng Sacombank được xem như là một hoạt động bình thường, như chính câu nói của Chủ tịch Đặng Văn Thành: “Doanh nhân có tuổi nhưng doanh nghiệp thì không có tuổi".

Có lẽ câu chuyện về việc ai nắm quyền điều hành tại nhà băng này sẽ tạm lắng dịu, để nhường bước cho câu hỏi mới: Tương tai của Sacombank, quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư sẽ như thế nào dưới sự điều hành của những người cầm cương mới.

Khi nhắc đến “thâu tóm”, tâm lý thường thấy của mỗi chúng ta xem nó như một hiện tượng có vấn đề, một cụm từ nhạy cảm. Chẳng vì thế mà rất nhiều thương vụ tại nước ta, cụm từ nào là “hợp nhất”, “tự nguyện”…được nhiều lần nhắc đến mà tuyệt nhiên né tránh sử dụng “thâu tóm” hay “thôn tính”.

Xã hội thường dành cho họ, những đơn vị bị thâu tóm cái nhìn cảm thông hay thương hại, coi người đi thâu tóm như “kẻ giành giật” với ánh mắt đầy khắc nghiệt. Tuy nhiên, xét về bản chất, thâu tóm nó không chỉ là hành động tiêu cực, đây là một hoạt động bình thường trong nền kinh tế thị trường. Khi có tiền và minh bạch được nguồn tiền, bất cứ ai cũng đều có quyền mua bán, giao dịch, đặc biệt là với cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Hiện các văn bản pháp lý cũng đang được hoàn thiện nhằm tạo cơ sở cho các thương vụ mua bán, sáp nhập được thành công. Quyết định 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 thể hiện rõ chủ trương khuyến khích sáp nhập, hợp nhất, mua lại các tổ chức tín dụng theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các bên liên quan theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã từng khẳng định việc các ngân hàng tăng vốn, sở hữu chéo, mua bán, sáp nhập... là bình thường trong quá trình tái cơ cấu. Tuy nhiên, những việc làm này phải được thực hiện đúng quy trình, đúng pháp luật.

Trở lại sự việc của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (HOSE: STB). Vấn đề quản trị và văn hóa luôn là câu hỏi dư luận quan tâm nhất đối với bất kỳ thương vụ thâu tóm nào. Ba tháng sau khi cuộc chuyển giao quyền lực kết thúc, có thể thấy dường như Sacombank đến nay vẫn chưa có bất kỳ biến động tiêu cực nào. Cơ cấu tổ chức, kết quả kinh doanh, tâm lý thị trường và thanh khoản của ngân hàng này vẫn duy trì được tính ổn định.

Còn nhớ ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch Eximbank, đại diện cho nhóm cổ đông mới đã từng phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên của Sacombank, việc quản trị của một ngân hàng không chỉ nằm trong HĐQT mà cả bộ máy giúp việc và BKS. Và khi quyết định gia nhập vào Sacombank, tất yếu nhóm cổ đông mới đã có tính toán kỹ lưỡng dựa trên cơ sở kế thừa những giá trị tốt đẹp của Sacombank hiện tại, tiếp thu và phát triển những nền tảng mới.

Về phía người trong cuộc, cá nhân ông Đặng Văn Thành từng khẳng định rằng Eximbank tham gia HĐQT Sacombank là bình thường, tương tự như ANZ trước đây.

Ông Thành cho rằng “nếu có nhà đầu tư mua vào và nắm giữ khối lượng lớn cổ phần STB thì chứng tỏ họ tin tưởng vào hoạt động kinh doanh của ngân hàng”. Theo ông Thành, điều này sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi cạnh tranh giữa hai ngân hàng, và STB sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp của họ nếu xét thấy hợp lý.

Tại buổi Đại hội đồng cổ đông thường niên 2012 của Sacombank – Kỳ Đại hội được xem như là thời điểm chuyển giao quyền lực qua nhóm cổ đông mới. Trao đổi với báo chí trong giờ giải lao, ông Thành khẳng định, khi đã tham gia vào thị trường chứng khoán thì cần phải chấp nhận cuộc chơi đẳng cấp – sự đối vốn. Niêm yết và tham gia sâu rộng vào kinh tế thế giới tức là đã chấp nhận ra biển lớn, mà đã ra biển lớn thì chuyện người đến kẻ đi là hết sức bình thường, không có gì phải lo.

Và ông Thành cũng cho rằng cổ đông nên coi sự việc này là bình thường, chúng ta phải nhìn về phía trước. Ngày nay, quan điểm doanh nghiệp là sự nghiệp duy nhất của chính mình có lẽ không còn phù hợp trong bối cảnh mới, bởi lẽ “Doanh nhân có tuổi nhưng doanh nghiệp thì không có tuổi”.

Trong nền kinh tế thị trường, mục đích cuối cùng của bất kỳ nhà băng nào vẫn là không ngừng lớn mạnh và phát triển. Hiện nay, trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhu cầu thu hút vốn đầu tư, năng lực quản trị và tái cấu trúc thường xuyên tại mỗi ngân hàng càng trở nên cấp thiết. Bối cảnh mới đòi hỏi bất kỳ nhà băng nào cũng phải thay đổi cả về chiến lược quản trị, quy mô và chất lượng để đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Từ trước đến nay, bản thân không ít ngân hàng vốn dĩ đã có chủ trương tìm kiếm, mời gọi các đối tác có tiềm lực thực sự để làm cổ đông chiến lược. Việc tận dụng những cơ hội mới từ quá trình hợp tác với các ngân hàng khác để củng cố sức mạnh tài chính, năng lực điều hành, gia tăng thị phần được xem là một trong những xu hướng phù hợp.

Xét về quy mô hoạt động, so với Sacombank, Eximbank cũng là một trong những ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam. Điều hành một ngân hàng với quy mô 12,355 tỷ đồng vốn điều lệ và là một trong những ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất khối ngân hàng TMCP Việt Nam với 15,275 tỷ đồng, đây là một lợi thế không nhỏ của nhóm cổ đông mới khi gia nhập vào hàng ngũ Sacombank. Chúng ta có quyền kỳ vọng với sự hỗ trợ đắc lực của cổ đông lớn, Sacombank có thể tận dụng lợi thế để mở rộng thêm quy mô hoạt động, phát triển mạng lưới kinh doanh, gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường tài chính.

Nỗi ám ảnh bị thôn tính và những câu hỏi về quyền lợi sau mỗi thương vụ luôn là những băn khoăn lớn. Có lẽ chúng ta nên chấp nhận những xáo trộn nhỏ trong ngắn hạn để hướng tới những ích lợi dài hạn. Và cũng đã đến lúc chúng ta thay đổi tư duy, cần xem xét các thương vụ thâu tóm doanh nghiệp nói chung và ngân hàng nói riêng là xu hướng tất yếu của quá trình cải tổ.

Với Sacombank, sau bao thăng trầm, cuối cùng quá trình chuyển giao quyền lực tại ngân hàng này đã kết thúc. Có lẽ câu chuyện về việc ai nắm quyền điều hành tại nhà băng này sẽ tạm lắng dịu, để nhường bước cho câu hỏi mới: Tương tai của Sacombank, quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư sẽ như thế nào dưới sự điều hành của những người cầm cương mới.

Hiện gia đình họ Đặng vẫn còn nắm giữ 79,842,790 cp STB, tương đương 7.43% vốn của ngân hàng. Nếu tính theo thị giá ngày 8/9 thì số cổ phiếu này có giá trị đến gần 1,597 tỷ đồng. Đầu tư vào cổ phiếu là kỳ vọng vào tương tai của doanh nghiệp mà mình bỏ đồng vốn vào. Với gia đình họ Đặng, họ vẫn dành một lượng tài sản “khủng” vào cổ phiếu STB cho đến thời điểm này, chứng tỏ đã có một niềm tin lớn vào tương lai của Ngân hàng Sacombank với sự tiếp sức từ những thành viên mới.

Như Ý (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   Nhọc nhằn thoái vốn trên sàn (08/09/2012)

>   BBC: SSIAM tăng tỷ lệ nắm giữ lên 9.59% (07/09/2012)

>   BHS: Chủ tịch Thái Văn Chuyện muốn mua thêm 50,000 cp (07/09/2012)

>   KDC: Phó TGĐ Bùi Thanh Tùng đã bán hơn 87,500 cp (07/09/2012)

>   NDN: Chủ tịch HĐQT Nguyễn Quang Trung mua 50,000 cp (07/09/2012)

>   KHL: Thành viên BKS Nguyễn Thị Lan Anh đăng ký bán 5,000 cp (07/09/2012)

>   MCC: Ủy viên HĐQT Phạm Ngũ Cơ mua 3,800 cp (07/09/2012)

>   TCL dự kiến chuyển nhượng hết 2.55 triệu cp Vận tải Tân Cảng Số Hai (07/09/2012)

>   VFC: VI Fund I không lướt sóng 1 triệu cp như đăng ký (07/09/2012)

>   VFC: VI Fund I đăng ký mua 500,000 cp (07/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật