Nhà đầu tư CK: Nhiều rủi ro, ít bảo vệ
Việc hàng trăm công ty niêm yết đã, đang và sẽ bị đuổi khỏi sàn do thua lỗ kéo dài quá quy định theo giới chuyên gia, không ảnh hưởng nhiều tới thị trường chứng khoán (TTCK). Điều này hoàn toàn đúng và cần thiết nếu nhìn dưới góc độ một cuộc sàng lọc hàng hóa. Nhưng trước thực trạng thiếu minh bạch, công khai trong công bố thông tin hiện nay và thực tế ngày càng có nhiều công ty thua lỗ, nhà đầu tư (NĐT) sẽ phải đối mặt với nguy cơ rủi ro, thiệt hại tài chính bởi các quy định, luật lệ bảo vệ họ còn quá thiếu, quá yếu và chế tài quá nhẹ.
Lãnh đạo nhiều công ty niêm yết "âm thầm" bán cổ phiếu rút vốn trước khi thông tin thua lỗ được công bố; công ty CK tự do sử dụng tiền trong tài khoản của NĐT; môi giới "ém" thông tin, không công bố sự thật về công ty niêm yết... Đây là những câu chuyện "nổi bật" trên TTCK trong thời gian vừa qua và NĐT luôn là người "biết cuối cùng", khi mọi chuyện rơi vào thế "đã rồi". Những hành vi trên, hầu hết chỉ bị phạt hành chính vài chục triệu đồng, rất bé nhỏ so với khoản thu được từ việc vi phạm. Chế tài quá nhẹ so với lợi ích thu được đương nhiên sẽ khuyến khích, tạo đất sống cho những hành vi vi phạm để trục lợi. Người thiệt hại, chính là các NĐT, các cổ đông. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, DN thua lỗ ngày càng nhiều như hiện nay thì những việc tương tự được dự báo, sẽ xảy ra càng nhiều, gây lo ngại cho các NĐT, các cổ đông tham gia thị trường.
Rủi ro thì nhiều nhưng những quy định, luật lệ để bảo vệ NĐT trên thị trường lại quá ít. Theo một chuyên gia tài chính tại TP.HCM, luật Chứng khoán tại VN hiện tại không có điều khoản nào để bảo vệ NĐT trong khi các bộ luật khác không tiến hành điều chỉnh nhiều vi phạm trên TTCK. Đó là chưa kể, những quy định hiện thời lại không thực hiện một cách nghiêm túc.
Đơn cử như quy định về công bố thông tin của các công ty niêm yết. Tình trạng chậm, giấu, thiếu trung thực trong công bố thông tin là khá phổ biến. Nên mới dẫn đến chuyện, công ty bị thâu tóm mà lãnh đạo, cổ đông và NĐT không biết. Hay việc tách bạch tài khoản của NĐT ra khỏi công ty CK để bảo vệ tài sản của NĐT được triển khai nhiều năm nay nhưng rất ít công ty CK thực hiện.
Đây là một trong những lý do khiến CK ngày càng thiếu hấp dẫn. Không chỉ thế, hoạt động bảo vệ NĐT yếu kém cũng là nguyên nhân khiến năng lực cạnh tranh của VN bị tụt hạng trong mắt các tổ chức tài chính trên thế giới. Theo các báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chỉ tiêu bảo vệ nhà đầu tư của VN liên tục nằm ở nhóm cuối. Cụ thể, năm 2009, VN đứng thứ 171/183 và tới năm 2010 đứng thứ 172/183. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn kéo dài, DN thua lỗ ngày càng nhiều hiện nay, NĐT càng cảm thấy lo lắng trước nguy cơ bị dắt mũi, bị xử ép và thiếu sòng phẳng từ các đối tượng trên.
Được kỳ vọng là kênh huy động vốn dài hạn cho DN và nền kinh tế, chia sẻ gánh nặng dẫn vốn với các ngân hàng, kênh chủ đạo cung cấp vốn đã bộc lộ quá nhiều bất cập trong thời gian qua. Nhưng với việc bỏ lơ quyền lợi của NĐT thế này, CK rất khó để đạt được mục tiêu trên.
Nguyên Khanh
Thanh niên
|