"Kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng 2,3% trong năm 2012"
Trong Báo cáo về thương mại và phát triển năm 2012, Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) ngày 12/9 dự báo, kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng 2,3% trong năm 2012 và sẽ chững lại, nếu lương tại các nước công nghiệp không tăng và nếu chính phủ các nước không bác bỏ chủ trương cắt giảm ngân sách.
Theo UNCTAD, một số nước phát triển đang hành động quá sớm với việc chuyển từ các biện pháp kích thích kinh tế sang biện pháp cắt giảm ngân sách.
Phát biểu trước báo giới, Heiner Flassbeck, cựu Bộ trưởng tài chính Đức và là Giám đốc Bộ phận toàn cầu hóa và chiến lược phát triển thuộc UNCTAD, đã chỉ trích các thị trường về việc phát đi "tín hiệu sai" cho chính phủ các nước rằng nên tiếp tục giảm lương.
Ông Flassbeck cho rằng việc chính phủ các nước ngừng các biện pháp kích thích kinh tế vào thời điểm kinh tế nhìn chung vẫn suy thoái sẽ chỉ làm cho thâm hụt ngân sách của chính phủ các nước này gia tăng trong dài hạn. Đồng thời, nếu chính phủ các nước tiếp tục giảm lương, thị trường sẽ trở nên bất ổn hơn và các nước này sẽ chìm sâu hơn nữa vào suy thoái.
Theo ông Flassbeck, tình hình kinh tế hiện nay giống như giai đoạn tăng trưởng thấp của Nhật Bản hồi thập niên 1990, một trong những vấn đề chủ chốt là việc thiếu đầu tư của chính phủ - vốn đang lo ngại về tình trạng nợ nần.
Các nước châu Âu đang bước vào kỷ nguyên của các biện pháp khắc khổ, trong đó dẫn đầu là Đức và tiếp đến là các nước Eurozone. Hệ quả của xu hướng này là sự bế tắc tài chính.
Trong khi đó, chính phủ các nước tỏ ra khá "ì ạch" trong việc thực thi các chính sách tiền tệ như chính sách nới lỏng định lượng (QE), tức là các ngân hàng trung ương sẽ bơm tiền mặt vào nền kinh tế.
UNCTAD nhận định trong tình thế kinh tế khó khăn hiện nay, kinh tế thế giới sẽ chững lại từ thời điểm này, và tăng trưởng ở mức 1,5% trong năm 2013./.
Như Mai
Vietnam +
|