Khi quyết định hành chính về đất đai “sai đến một nửa”
Sáng 18/9, tiếp tục phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo giám sát kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai.
Nội dung này, theo nhấn mạnh của nhiều ý kiến tại phiên họp, đang chứa đựng không ít bức xúc của công dân và bộc lộ nhiều sai sót, yếu kém trong khâu tổ chức thực hiện.
Vậy nhưng, ngay từ đầu phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi đại diện bộ ngành liên quan không tới, như Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan Thanh tra Chính phủ.
Trở lại báo cáo giám sát, ghi nhận độ rộng song hầu hết các ý kiến đều băn khoăn về độ sâu và độ sát.
Phạm vi giám sát, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu là tập trung chủ yếu việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai từ khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực đến hết năm 2011.
Báo cáo giám sát dẫn số liệu của Thanh tra Chính phủ, theo đó từ năm 2003 đến năm 2010 các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận và xử lý 1.219.625 đơn thư khiếu nại, tố cáo. Trong đó đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai bình quân hàng năm chiếm 69,79%.
Đối với các vụ việc thuộc cơ quan hành chính nhà nước thụ lý giải quyết thì tỷ lệ khiếu nại, tố cáo đúng và khiếu nại, tố cáo có đúng, có sai chiếm 47,8%. Tỷ lệ khởi kiện đúng và đúng một phần tại tòa án nhân dân các cấp chiếm 19,5% các vụ được đưa ra xét xử.
Qua đó có thể thấy việc khiếu nại, tố cáo của công dân là có cơ sở, việc ra quyết định hành chính về đất đai của các cấp chính quyền còn nhiều thiếu sót, báo cáo nêu rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý “phê” báo cáo giám sát còn nhiều số liệu và nhận xét chung chung. Ông cũng không đồng tình với nhận xét có cố gắng tiến bộ trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính về đất đai qua các con số nói trên.
“Gần chục năm nay năm nào cũng nói cố gắng tiến bộ, vậy mà còn đến 70% khiếu nại tố cáo có liên quan đến đất đai”, ông Lý phát biểu.
Nhấn mạnh đất đai là lĩnh vực liên quan đến quyền cơ bản của công dân, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nêu một thực tế là "dù có bị công dân khởi kiện về quyết định của chính mình, thì cũng chưa thấy chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện nào ra tòa, mà hầu như ủy quyền cho giám đốc sở chánh hay văn phòng". Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thi hành pháp luật còn chưa nghiêm chỉnh, thậm chí có nơi thích thì giải quyết, không thích thì thôi.
“Tham nhũng có là nguyên nhân gây ra khiếu nại về đất đai hay không, báo cáo không nói nhưng tôi nghĩ là có, vì đất đai là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, giám sát phải tính đến chuyện này”, ông Hiện lưu ý.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, chỉ riêng tỷ lệ khiếu nại, tố cáo đúng và khiếu nại, tố cáo có đúng, có sai chiếm 47,8% đã chứng tỏ việc giải quyết có vấn đề, dẫn đến khiếu nại tố cáo đông người ngày càng có xu hướng tăng.
Cũng theo phân tích của ông Phúc thì sự bất bình của nhân dân còn nằm ở chỗ giá đất đền bù cho dân và sau khi triển khai dự án chênh lệch quá lớn.
Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhận xét nội dung cần giám sát chưa thể hiện rõ trong báo cáo. Chắc chắn là quyết định hành chính sai mới dẫn đến khiếu nại tố cáo nhiều, nhưng cấp nào sai nhiều, phạm vi nào sai nhiều, trách nhiệm của người ra thẩm quyền đến đâu, rồi bao nhiêu cái sai đã được khắc phục, xử lý cá nhân tổ chức sai thế nào… đều chưa được làm rõ. Nhận xét của ông Sơn nhận được nhiều sự đồng tình tại phiên thảo luận.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa nêu ví dụ ở Phú Thọ có vụ việc qua hai đời Tổng thanh tra Chính phủ vẫn không giải quyết được. Hay điển hình là vụ Lai Vu ở Hải Dương, cứ lấy cớ đã đền bù rồi cho xe ủi hết cả lúa của dân, trong khi chỉ có một tuần nữa là lúa chín, thu hoạch được. Còn gần đây nhất là vụ việc ở Tiên Lãng (Hải Phòng) thì ông Khoa so sánh, vụ cướp tiệm vàng nguy hiểm chỉ sau 24 tiếng hay 48 tiếng là tóm được thủ phạm, đằng này cho xe phá nhà dân rầm rộ thế mà hai tuần ba tuần sau vẫn không biết ai là thủ phạm.
"Rõ ràng là việc này có nguyên nhân của nó, cần phải đặt vấn đề để kiểm điểm trách nhiệm cho rõ", ông Khoa nhấn mạnh.
Vẫn liên quan đến tỷ lệ đúng - sai ở đơn thư của dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, ngay cả ở các vụ việc công dân khiếu nại tố cáo có đúng có sai, thì tức là nhà nước vẫn sai.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu báo cáo giám sát phải đánh giá là tình hình khiếu nại tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai đến nay là rất nghiêm trọng. Về số lượng thì chiếm đến 69%, còn các quyết định hành chính tỷ lệ sai đến một nửa. Còn nếu quyết định đúng mà nhân dân vẫn khiếu kiện thì chính sách pháp luật về đất đai chưa chuẩn, giáo dục pháp luật chưa tốt. "Khiếu nại tố cáo ngày càng nhiều, số vụ đông người ngày càng tăng, ảnh hưởng đến cuộc sống của dân gây bất ổn cho xã hội, nghị quyết sau giám sát phải đưa ra được kết luận đó", Chủ tịch nhấn mạnh.
Điều quan trọng, theo Chủ tịch là sau giám sát cần yêu cầu các cơ quan liên quan rà lại tất cả các quyết định sai để xử lý, với dân thì phải đền bù, với cán bộ thì phải tìm ra địa chỉ sai ở đâu, đã giải quyết thế nào…
Tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai nghiêm trọng như vậy thì phải tập trung làm cấp tập, quyết liệt giải quyết tồn đọng đến nơi đến chốn để giảm cho được tình hình nói trên, Chủ tịch yêu cầu.
Nguyên Sa
tbktvn
|