Không giới hạn mục đích thế chấp quyền sử dụng đất
Đây là một trong những kiến nghị mới của Chính phủ về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được quy định trong dự luật Đất đai sửa đổi, được Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang thừa ủy quyền Thủ tướng trình bày tại phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng nay 17.9.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, các quy định của pháp luật chưa làm rõ cơ chế thực hiện các quyền định đoạt của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu đất đai và chưa giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất chưa được quy định đầy đủ, nhất là điều kiện thực hiện các quyền. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất chưa nghiêm.
Để khắc phục, Chính phủ đề xuất bổ sung một số quyền của người sử dụng đất trong dự thảo luật sửa đổi lần này, như bổ sung quy định về quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề, quy định về quyền và nghĩa vụ của nhóm người sử dụng đất mà quyền sử dụng đất là tài sản chung. Hay như quy định về thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của người sử dụng đất tại ngân hàng ở nước ngoài theo quyết định của Thủ tướng trong một số trường hợp cụ thể.
Nội dung đề xuất sửa đổi khác là không giới hạn mục đích thế chấp quyền sử dụng đất chỉ để vay vốn sản xuất kinh doanh như luật hiện hành.
Đồng thời, bổ sung quy định về quyền của tổ chức kinh tế nhận góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất; quy định về quyền tự đầu tư trên đất hoặc cho thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trong trường hợp đất mà họ đang sử dụng thuộc diện thu hồi để đầu tư dự án có mục đích sản xuất, kinh doanh hoặc xây dựng kinh doanh nhà ở.
Đáng chú ý, trong dự thảo lật sửa đổi, Chính phủ cũng đề nghị bổ sung một mục mới quy định về điều kiện thực hiện các quyền của người sử dụng đất, như điều kiện chung để thực hiện giao dịch các quyền của người sử dụng đất; điều kiện được bán tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hằng năm; điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc cho thuê, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê…
10 vấn đề còn có ý kiến khác nhau
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết trong quá trình xây dựng dự án luật, các ý kiến tham gia, ý kiến của Hội đồng thẩm định, ý kiến của thành viên Chính phủ cơ bản nhất trí với các nội dung của dự án luật.
Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến khác nhau xoay quanh 10 nội dung lớn, trong đó có nội dung liên quan đến cơ chế thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng.
Theo Bộ trưởng, dự thảo luật quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố, tổ chức việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tạo quỹ đất “sạch”; sau đó, Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hoặc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với dự án sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhà đầu tư trong nước thực hiện nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án.
“Việc quy định như dự thảo luật sẽ góp phần tăng thu từ đất, đảm bảo tính ổn định của pháp luật, giảm khiếu kiện về đất đai và giảm tải cho các cơ quan nhà nước các cấp trong việc thu hồi đất”, ban soạn thảo nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Quang, có nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước thực hiện thu hồi đất đối với tất cả các trường hợp, bỏ cơ chế nhà đầu tư tự nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, tránh việc tạo ra chênh lệch giá dẫn đến khiếu kiện về đất đai và giảm tải cho các cơ quan nhà nước các cấp trong việc thu hồi đất.
Về cơ chế đền bù, hỗ trợ với trường hợp thu hồi đất do vi phạm, dự thảo luật quy định không bồi thường về đất và tài sản đã đầu tư trên đất thuộc trường hợp bị Nhà nước thu hồi do vi phạm nhằm nâng cao ý thức của người sử dụng đất trong việc sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm hơn; hạn chế tình trạng chạy dự án vì mục đích đầu cơ.
Nhưng, cũng có ý kiến đề nghị tiếp tục thực hiện quy định không bồi thường thiệt hại về đất nhưng được xem xét thanh toán phần tài sản đã đầu tư trên đất đối với các trường hợp Nhà nước thu hồi đất do vi phạm.
Trong sáng nay, Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận xoay quanh 10 nội dung còn ý kiến khác nhau này để chuẩn bị cho việc trình Quốc hội tại kỳ họp tới.
Bảo Cầm
Thanh Niên
|