Khẩn cấp sửa luật cứu doanh nghiệp
Một thực tế đáng buồn của nền kinh tế, nhiều DN phải “sống dở, chết dở” chỉ vì… luật. Trao đổi với PLVN, TS. Nguyễn Văn Cương - Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) - cho rằng, nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật cũng như công tác thực thi pháp luật về giải thể, phá sản DN, để những DN không còn đủ sức tiếp tục kinh doanh nữa có thể được “giải thoát” một cách nhanh chóng, thuận tiện hơn nữa.
• Ngoài những hệ quả xã hội và kinh tế, hiện tượng DN “rút khỏi thị trường” gây ra những hệ quả pháp lý như thế nào, thưa ông?
- Khi DN kinh doanh thua lỗ, kết cục cuối cùng có thể là vượt qua được thời kỳ gian khó nếu DN tái cơ cấu chính mình và tìm ra hướng phát triển mới, nhưng cũng có thể rơi vào kết cục buộc phải giải thể hoặc mở thủ tục phá sản để rồi chính thức bị tuyên bố phá sản.
“Sống dở, chết dở"... vì luật
Trong lúc kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp (DN) làm ăn bết bát, có những DN không có tiền trả lương công nhân, những thông tin như Hải Phòng 1/3 DN đóng cửa, Vĩnh Phúc 41% DN ngừng kinh doanh ... dồn dập dội về, đóng góp vào con số DN ngừng hoạt động gia tăng. Vậy, cách nào để các DN có khả năng phục hồi, được bơm thêm “thuốc tăng lực” khỏe lại, còn những DN “yếu quá” thì sẽ rút lui khỏi thị trường - “chết” nhẹ nhàng và có trật tự....?
|
Khi DN thua lỗ, phải rút khỏi thị trường, dù dưới tên là giải thể hay phá sản thì cũng để lại những hệ quả xã hội và pháp lý quan trọng. Nhìn từ góc độ pháp lý, sự rút khỏi thị trường của DN (khi bị giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản), tất yếu dẫn tới sự chấm dứt hàng loạt mối quan hệ pháp lý trong quan hệ giữa chủ đầu tư và DN (một loại quan hệ đầu tư, góp vốn); quan hệ giữa DN và chủ nợ cho vay vốn (trong đó có cả các chủ nợ phát sinh từ quan hệ thương mại); quan hệ giữa DN và đối tác trong kinh doanh (chấm dứt các hợp đồng: quyền và nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan); quan hệ giữa DN với cơ quan nhà nước (trong đó có cơ quan đăng ký DN, cơ quan thanh tra, kiểm tra, các cơ quan khác…, chấm dứt các quan hệ về con dấu, mã số thuế v.v...); quan hệ giữa DN với người lao động, trong bối cảnh ấy, có thể lại phát sinh mối quan hệ mới, đó là quan hệ trong lĩnh vực bảo hiểm, trợ cấp thất nghiệp giữa người lao động bị thất nghiệp với cơ quan bảo hiểm xã hội và các quan hệ khác như quan hệ tài trợ hoạt động quảng cáo, tài trợ hoạt động từ thiện v.v... cũng sẽ chấm dứt.
• Như vậy, khi DN tạm dừng hay chấm dứt hoạt động sẽ dẫn đến sự “đứt gãy” của nhiều quan hệ pháp lý. Vậy, pháp luật cần làm gì để giải quyết sự “đứt gãy” này, thưa ông?
- Pháp luật hiện hành đã có những quy định làm nền tảng cho việc DN rút lui khỏi thị trường một cách có trật tự, lành mạnh. Đó là các quy định về thủ tục giải thể và phá sản DN thể hiện chủ yếu trong các văn bản pháp luật như: Luật Doanh nghiệp 2005 và Luật Phá sản năm 2004 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tuy nhiên, đối với việc giải quyết hậu quả pháp lý khi DN giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản, theo phản ánh của không ít người đã từng đi làm thủ tục giải thể DN, việc tiến hành giải thể một DN trên thực tế thường không đơn giản như quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã quy định. Việc rút khỏi thị trường bằng thủ tục phá sản DN theo Luật Phá sản năm 2004 cũng rất nhiêu khê. Do đó, đòi hỏi nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật cũng như công tác thực thi pháp luật về giải thể, phá sản DN, để những DN không còn đủ sức tiếp tục kinh doanh nữa có thể được “giải thoát” một cách nhanh chóng, thuận tiện hơn nữa.
• Vậy “điểm nghẽn” của pháp luật hiện hành đang ngăn quyền được “chết” của doanh nghiệp. Theo ông, cần sửa đổi pháp luật như thế nào để DN thoát khỏi cảnh “dở sống, dở chết”?
- Theo tôi, các quy định về giải thể trong Luật DN năm 2005 và các văn bản hướng dẫn nên quy định rõ hơn thời hạn DN phải gửi hồ sơ giải thể đến cơ quan đăng ký kinh doanh (để làm thủ tục xóa tên DN) sau khi đã làm thủ tục đóng mã số thuế tại cơ quan thuế. Pháp luật cũng nên quy định rõ quyền khước từ việc trả nợ của DN nếu như trong thời hạn nhất định (chẳng hạn 4 hoặc 6 tháng) kể từ ngày chủ nợ nhận được quyết định giải thể của DN mà không tiến hành việc xác nhận nợ và thanh quyết toán nợ với DN.
Quy định này sẽ làm cho các chủ nợ có trách nhiệm hơn đối với việc giải thể của DN. Bên cạnh đó, các quy định về xử lý vi phạm pháp luật đối với các chủ thể có liên quan trong lĩnh vực giải thể DN (quy định tại Nghị định số 53/2007/NĐ-CP ngày 4/4/2007 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư) cần sửa đổi theo hướng quy định rõ và cá thể hóa trách nhiệm của chủ DN, đại diện của DN phải đảm bảo tính trung thực trong các thông tin báo cáo với các cơ quan hữu quan về tình hình nợ của DN khi làm thủ tục giải thể DN. Pháp luật cũng cần quy định rõ trách nhiệm của những người này khi không tiến hành thủ tục giải thể với cơ quan đăng ký kinh doanh mặc dù đã làm thủ tục đóng mã số thuế.
Pháp luật phá sản DN cũng cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung mà trước mắt là sửa đổi, bổ sung Luật Phá sản năm 2004, theo hướng làm rõ hơn tiêu chí DN lâm vào tình trạng phá sản, nên cân nhắc để bổ sung quy định cho phép chủ nợ có bảo đảm được quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, tăng cường vai trò chủ động của chủ nợ trong việc áp dụng thủ tục thanh toán hoặc thủ tục tuyên bố DN bị phá sản tại Hội nghị chủ nợ, quy định cụ thể về việc Tòa án quyết định chuyển từ áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh sang áp dụng thủ tục thanh lý tài sản, các khoản nợ hoặc tuyên bố DN phá sản nhằm kết thúc sớm tiến trình giải quyết việc phá sản tại Tòa án v.v…
Bên cạnh đó, nhà nước cũng nên có chính sách khuyến khích các công ty luật, các công ty tư vấn tài chính tham gia tích cực hơn vào quá trình phục hồi DN hoặc làm thủ tục phá sản DN.
• Trân trọng cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)
pháp luật việt nam
|