HUD phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Méo mó có hơn không?
Trong khi Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) phải tuyên bố hủy niêm yết trái phiếu có thứ tự ưu tiên cao 90 triệu USD trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX-ST) do tính thanh khoản thấp thì mới đây, Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam (HUD, trực thuộc Bộ Xây dựng) lại bắt đầu các thủ tục phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (DN). Điều này liệu có quá mạo hiểm?
Bộ Xây dựng đã có văn bản chấp thuận chủ trương và phương án phát hành trái phiếu DN của HUD. Theo đó, mục đích của việc phát hành trái phiếu trị giá 600 tỷ đồng lần này là để huy động vốn đầu tư cho dự án Khu đô thị mới Tây Nam, Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) và dự án nhà ở để bán, văn phòng cho thuê NO - VP2, NO - VP4 thuộc Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở Hồ Linh Đàm, Phương Liệt (quận Hoàng Mai). Theo thông tin từ HUD, Khu đô thị mới Linh Đàm (với quy mô 49ha) đang thi công hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và bắt đầu triển khai xây dựng các dự án thành phần. Hiện nay, HUD vẫn chưa triển khai kinh doanh nhà ở tại khu vực này.
Để phát hành trái phiếu, DN phải hội đủ các điều kiện như: có báo cáo tài chính của năm liền kề (trước năm phát hành trái phiếu) được kiểm toán, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm liền kề năm phát hành trái phiếu phải có lãi... Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, báo cáo tài chính năm 2011 của công ty mẹ đã được kiểm toán thì kết quả hoạt động kinh doanh có lãi và được Hội đồng thành viên phê duyệt.
Tại buổi gặp gỡ báo chí hồi cuối năm 2011, Đại diện của HUD cho biết, trước tình hình khó khăn của thị trường bất động sản (BĐS), HUD đã điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, giá trị đầu tư giảm gần 5.000 tỷ đồng và giá trị sản xuất, kinh doanh cũng giảm 500 tỷ đồng. Song, điều đáng nói là trước khi phát hành trái phiếu lần này, nợ phải trả của HUD đã trên 6.000 tỷ đồng, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 1,2 lần. Nếu phát hành trái phiếu 600 tỷ đồng, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu sẽ được nâng lên 1,3 lần.
Trên thực tế, “trào lưu” phát hành trái phiếu của DN thuộc lĩnh vực xây dựng - BĐS chỉ thực sự sôi động vào năm 2009, khi thị trường đã bộc lộ nhiều khó khăn và DN khó huy động vốn qua kênh truyền thống là ngân hàng. Nhưng hiện nay, câu chuyện đó đã trở thành “hàng hiếm” bởi nếu xét ở khối DN tư nhân, được mấy DN BĐS đáp ứng đủ điều kiện gọi là có lãi? Hơn nữa, DN cũng không dám mạo hiểm “chạy đua” với lãi suất ngân hàng.
Đó là chưa nói đến những DN có tỷ lệ nợ trên vốn cao, rủi ro lớn nhất là khi nền kinh tế biến động theo chiều hướng không tốt thì công ty khó có khả năng trả lãi bởi doanh thu sụt giảm. Ngoài ra, tổ chức nào dám bảo lãnh cho DN phát hành trái phiếu trong giai đoạn này? Một chuyên gia tư vấn tài chính tại TP.HCM cho biết, việc phát hành trái phiếu DN hiện chỉ khả thi khi có sự bảo lãnh của các cơ quan quản lý nhà nước.
Quay trở lại với HUD, dù tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 1,3 lần sau khi phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu nhưng theo Bộ Xây dựng, Thông tư số 117 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính của công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu có quy định, với hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 1,3 lần thì công ty mẹ HUD vẫn được chủ động huy động vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Thực ra, việc DN huy động vốn để đầu tư, kinh doanh là điều cần thiết, quan trọng là hiệu quả sử dụng đồng vốn ra sao.
Trong điều kiện thị trường BĐS trầm lắng, đây là vấn đề cần phải cân nhắc. Hơn nữa, nguồn cung căn hộ tại thị trường Hà Nội đã vượt cầu. Theo thống kê của Savills Việt Nam, tổng nguồn cung căn hộ trên thị trường Hà Nội hiện nay (kể cả số căn đã bán) ước khoảng 71.000 căn (từ 150 dự án, không tính dự án nhà ở xã hội). Trong đo có gần 30.000 căn hộ trên thị trường hiện nay sẵn sàng chào bán.
Nhìn vào tình hình đầu tư có thể thấy, thời gian qua, với hơn 65 dự án trong danh mục, HUD là một trong những nhà phát triển BĐS sở hữu quỹ đất “khổng lồ” nhất. Tuy nhiên, HUD chỉ thực sự “có tiếng” tại thị trường Hà Nội, trong khi ở phía Nam vẫn chưa thấy dự án nào được phát triển xứng tầm với quy mô của họ. Cụ thể, trong danh mục “dự án đang đầu tư” (khoảng 29 dự án), những dự án lớn, như: Khu đô thị Chánh Mỹ 450ha (Bình Dương), Khu đô thị mới Đông Thăng Long 160ha (quận 9, TP.HCM), Khu dân cư Phước An 135ha (Nhơn Trạch, Đồng Nai), chưa có dự án nào đạt chuẩn “Khu đô thị kiểu mẫu” như HUD đã triển khai ở Hà Nội.
Hải Âu
doanh nhân sài gòn
|