Thứ Hai, 27/08/2012 09:11

HAG hủy niêm yết trên TTCK quốc tế, vì đâu?

HAG vừa quyết định hủy niêm yết trái phiếu quốc tế trên Sở GDCK Singapore (SGX). Đây có phải là cuộc trở về êm ả?

Bỏ “ao ngoại”

Ngày 20/8/2012, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) công bố thông tin về việc hủy niêm yết 90 triệu USD trái phiếu quốc tế trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX). Đây là số trái phiếu HAG phát hành từ giữa tháng 5 năm ngoái, có kỳ hạn 5 năm (2011 - 2016), lãi suất 9,875%/năm, niêm yết trên SGX cùng thời điểm và là trái phiếu do duy nhất tổ chức tài chính Credit Suisse đứng ra bảo lãnh. Thời gian chính thức rời sàn là ngày 15/8/2012.

Như vậy, sau hơn 1 năm tiên phong niêm yết trên sàn ngoại, HAG quyết định dừng cuộc chơi. Việc rời bỏ “ao ngoại” được HAG lý giải là do số lượng trái chủ nắm giữ trái phiếu quốc tế của HAG không nhiều và có ít giao dịch được thực hiện. Theo tính toán của HAG, việc hủy niêm yết trái phiếu quốc tế ở SGX sẽ giúp HAG tiết kiệm được thời gian và chi phí.

Trao đổi với ĐTCK, ông Võ Trường Sơn, Phó tổng giám đốc HAG cho biết, trước khi quyết định hủy niêm yết 90 triệu USD trái phiếu quốc tế, HAG đã bàn bạc với Credit Suisse. Credit Suisse, tổ chức nhận ủy thác từ các trái chủ đã đồng ý với kế hoạch rời sàn này. Cụ thể, trái chủ chấp nhận tình trạng trái phiếu có thể bị mất thanh khoản mà không đòi hỏi những chi phí bù đắp.

Tuy nhiên, đổi lại sự chấp thuận của trái chủ, HAG đã chi 15 triệu USD để mua lại trái phiếu từ Credit Suisse, trong khi theo kế hoạch ban đầu, phải sau 3 năm các trái chủ mới bán dần trái phiếu quốc tế này cho HAG. Tuần tự là rút 18 triệu USD vào năm 2014, 18 triệu USD trong năm 2015 và đến năm 2016 thì rút hết 54 triệu USD còn lại.

Mặc dù HAG khẳng định, việc chi tiền mua lại trái phiếu Credit Suisse là cần thiết để HAG giảm dư nợ trái phiếu, tránh rủi ro tỷ giá và HAG sẽ tiếp tục mua lại trái phiếu quốc tế, nhưng điều này đồng nghĩa với việc dòng tiền của HAG sẽ thêm căng trước áp lực thanh toán trước hạn cho trái chủ.

Ảnh hưởng vô hình

Như những gì HAG chia sẻ thì cuộc rút lui của HAG ở SGX này đã được dàn xếp êm thấm, không có bất kỳ vướng mắc nào cho trái chủ hay HAG. Thậm chí, ông Võ Trường Sơn còn khẳng định, ngay từ đầu, nhiều trái chủ đã dự đoán là thanh khoản của trái phiếu sẽ không cao và họ có ý định nắm giữ lâu dài trái phiếu HAG. Tuy nhiên, HAG vẫn niêm yết 90 triệu USD trái phiếu quốc tế trên SGX vì đây là một trong những điều kiện để đảm bảo kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế thành công.

Tuy nhiên, do tuyên bố hủy niêm yết trái phiếu quốc tế ở SGX của HAG trùng với thời điểm các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đều hạ bậc xếp hạng khi đánh giá về HAG nên nhiều người đã nghĩ đến khả năng HAG hủy niêm yết trái phiếu quốc tế ở sàn ngoại vì bị “mất điểm”. Mới đây, Fitch Ratings và Standard & Poor's (S&P) đều hạ bậc tín nhiệm HAG xuống mức “tiêu cực”. Theo các tổ chức này, chỉ khi nào HAG giảm được lượng hàng tồn và hoạt động kinh doanh quặng sắt, thủy điện hỗ trợ tốt cho tình hình tài chính của Công ty thì xếp hạng tín nhiệm mới hy vọng tăng trở lại.

Phía HAG đã tìm cách phản đối các đánh giá này bằng cách đưa ra một bức tranh sáng sủa hơn về tình hình tài chính. Theo HAG, Công ty đang có 313 tỷ đồng từ phát hành 10 triệu cổ phiếu ngành thủy điện; có khoản thu 560 tỷ đồng trong quý III/2012 từ chuyển nhượng dự án Minh Tuấn. Ngoài ra, HAG sẽ có thêm nguồn thu từ khách hàng trả góp căn hộ An Tiến, Phú Hoàng Anh, Hoàng Anh River View…; từ Nhà máy Thủy điện Bá Thước 2 (dự kiến phát điện vào cuối tháng 8), nhà máy đường có công suất 7.000 tấn/ngày (dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 10 - 11) và từ đợt khai thác mủ cao su đầu tiên tại Lào. Với các nguồn thu mới kể trên, cộng thêm số dư tiền hơn 2.200 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2012, HAG tin tưởng Công ty sẽ không chịu áp lực về thanh khoản.

Có thể các thông tin đưa ra từ HAG thuyết phục được nhiều nhà đầu tư. Nhưng nếu cân nhắc với rủi ro từ thị trường bất động sản, chính sách trong cấp phép đầu tư và khai thác khoáng sản đã siết chặt hơn và các rủi ro kinh tế và pháp luật tiềm ẩn từ thị trường Campuchia, Lào và Việt Nam gia tăng, trái phiếu của HAG đã ít nhiều giảm bớt sức hấp dẫn.

Giới chuyên gia e ngại, việc hủy niêm yết trái phiếu quốc tế lần này của HAG sẽ khiến nhà đầu tư quốc tế e dè hơn. Họ cần tính đến khả năng đầu tư dài hạn, chứ không giao dịch thường xuyên do trái phiếu quá kém thanh khoản. Như vậy, cửa cho các DN trong nước tìm kiếm vốn trung dài hạn từ phát hành trái phiếu quốc tế sẽ hẹp lại.

Ngọc Thủy

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   UNI thanh toán trái tức và chuyển đổi 50,000 trái phiếu (24/08/2012)

>   HAG: Chào bán thành công 850 tỷ đồng trái phiếu (20/08/2012)

>   GMD phát hành 40 triệu USD nợ chuyển đổi cho VI Fund II (16/08/2012)

>   LSS: 22/08 GDKHQ mua 1.5 triệu trái phiếu chuyển đổi (15/08/2012)

>   Trái phiếu: Mê và chê (15/08/2012)

>   LSS sắp chào bán 2 triệu trái phiếu chuyển đổi (08/08/2012)

>   BIDV đã phát hành 2,030 tỷ đồng trái phiếu đợt 1/2012 (06/08/2012)

>   Vietinbank: Fitch xếp hạng tín nhiệm 250 triệu USD trái phiếu quốc tế (03/08/2012)

>   Thấy gì từ việc ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu? (30/07/2012)

>   DLG thừa nhận chậm công bố thông tin chuyển đổi trái phiếu (23/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật