Thứ Tư, 15/08/2012 14:02

Trái phiếu: Mê và chê

Trong khi trái phiếu chính phủ Việt Nam được các nhà đầu tư săn đón thì trái phiếu doanh nghiệp lại bị ế hàng.

Theo thông báo của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, việt nam đã huy động được khoảng 87.000 tỉ đồng từ phát hành trái phiếu chính phủ. Khối lượng này đã vượt qua khối lượng huy động của năm 2011 và đạt gần 55% so với kế hoạch huy động vốn năm nay của Chính phủ.

Trái phiếu chính phủ sáng giá

Lãi suất hấp dẫn của trái phiếu Chính phủ là lời giải thích cho sự quan tâm của giới đầu tư. Đơn cử, lãi suất trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn 5 năm là khoảng 10% (theo Bloomberg), một mức được xem là khá cao trong bối cảnh lãi suất thị trường được dự báo sẽ tiếp tục giảm. “Lợi suất trái phiếu Việt Nam thật hấp dẫn, là một trong những loại trái phiếu có sức hấp dẫn trội hơn ở châu Á và các thị trường mới nổi”, ông Nicolas Ferres, Giám đốc phân bổ nguồn vốn của Quỹ Eastspring Investments, nhận xét.

Trao đổi với NCĐT, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, cho biết lãi suất 10% kỳ hạn 5 năm của trái phiếu Chính phủ Việt Nam là khá cao nếu so với trái phiếu cùng loại ở các nước lân cận như Philippines (4,6%), Malaysia (3,2%), Indonesia (5,3%) và Thái Lan (3,35%). Chênh lệch giữa mức lãi suất này với lạm phát kỳ vọng của Việt Nam là khoảng 2-3 điểm phần trăm, cũng cao hơn hẳn so với các quốc gia khác, vốn dao động trong khoảng 0,3-1,5 điểm phần trăm. Tuy nhiên, do lạm phát kỳ vọng của Việt Nam cao hơn các quốc gia khác nên cũng góp phần làm cho lãi suất cao hơn hẳn.

Trên một khía cạnh khác, việc phát hành trái phiếu Chính phủ thành công cũng phản ánh khả năng ổn định vĩ mô của Việt Nam. Trái phiếu Chính phủ được kỳ vọng sẽ bù đắp lại khoản thâm hụt ngân sách của Chính phủ cũng như đẩy mạnh đầu tư công, hỗ trợ tăng trưởng. Dù vậy, hiệu quả của việc sử dụng đồng vốn vẫn là thách thức chưa có lời giải đối với các nhà quản lý, trong khi tác động ngược của nó đối với nền kinh tế trong những năm qua đã được phản ánh rất rõ. Đó là đầu tư tràn lan, lạm phát và những vụ thua lỗ khủng của các tập đoàn kinh tế Nhà nước, do đó thật sự chúng ta có lý do để lo ngại. “Động lực chính để giải ngân vốn đầu tư công là nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tuy nhiên đó chỉ là lý thuyết và mong muốn”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét.

Ảm đạm trái phiếu doanh nghiệp

Trái với bức tranh tươi sáng của trái phiếu Chính phủ, tình trạng huy động vốn của khối doanh nghiệp lại vô cùng ảm đạm.

Nợ xấu tăng cao, ngân hàng không dám cho vay mạnh tay, doanh nghiệp đành trông chờ vào các kênh khác như cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp nhưng các kênh này hiện cũng không khá gì hơn.

Sau một thời tăng trưởng quá nhanh từ đầu năm, có vẻ như thị trường chứng khoán Việt Nam đang quay đầu giảm điểm với mức sụt giảm gần 15% so với mức đỉnh. Điều này khiến phương án phát hành thêm cổ phiếu trên thị trường của các doanh nghiệp gặp khó. Hơn nữa với Nghị định số 58/2012/NĐ-CP vừa mới ban hành, chuẩn để được niêm yết trên sàn của các doanh nghiệp sẽ được nâng cao hơn, gây thêm khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nếu muốn lên sàn huy động vốn.

Kênh huy động còn lại là phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng không sáng sủa. Ngoài một số doanh nghiệp đã có tên tuổi như VinGroup, Massan có thể phát hành trái phiếu thành công thì cơ may cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ là không đáng kể. Thất bại của Quốc Cường Gia Lai trong vụ chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu gần đây là một ví dụ. Một số công ty đã tìm đường phát hành trái phiếu ra thị trường nước ngoài như Hoàng Anh Gia Lai nhưng phải chịu lãi suất cao.

Có nhiều nguyên nhân khiến trái phiếu doanh nghiệp không được giới tài chính quan tâm như sức khỏe hiện tại của các doanh nghiệp kém, thông tin chưa minh bạch. Tuy nhiên, có một vấn đề lớn vẫn chưa được giải quyết dù đã đề cập cách đây khá lâu là Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một thị trường giao dịch trái phiếu hiệu quả. Ông Phong Nguyễn, chuyên gia kinh tế vĩ mô của Công ty Chứng khoán Bản Việt, cho biết, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Việt Nam cần phải xây dựng các tổ chức đánh giá tín nhiệm như Fitch, Moody’s hay Standard & Poor.

Ngoài ra, theo ông Quỳnh, còn có thêm những rủi ro từ bất cập của khung pháp lý đối với hoạt động phát hành trái phiếu. Hầu hết các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian qua đều được thực hiện theo hình thức phát hành riêng lẻ theo Nghị định 90/2011/NĐ-CP. Cho đến nay, các cơ quan quản lý vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc thi hành nghị định này, gây khó khăn cho các tổ chức phát hành.

Như vậy với bối cảnh hiện nay, dường như các cửa huy động vốn trọng yếu là ngân hàng, cổ phiếu, trái phiếu đều đóng khá chặt đối với doanh nghiệp. Và cơn khát vốn của họ vẫn chưa chấm dứt nếu Chính phủ không có những giải pháp hỗ trợ và cải cách mạnh mẽ.

Sơn Nguyễn

Nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   LSS sắp chào bán 2 triệu trái phiếu chuyển đổi (08/08/2012)

>   BIDV đã phát hành 2,030 tỷ đồng trái phiếu đợt 1/2012 (06/08/2012)

>   Vietinbank: Fitch xếp hạng tín nhiệm 250 triệu USD trái phiếu quốc tế (03/08/2012)

>   Thấy gì từ việc ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu? (30/07/2012)

>   DLG thừa nhận chậm công bố thông tin chuyển đổi trái phiếu (23/07/2012)

>   MSN tăng vốn lên 6,873 tỷ đồng sau khi phát hành và chuyển đổi trái phiếu (20/07/2012)

>   Trái phiếu ế: Cạn tiền hay cạn niềm tin? (20/07/2012)

>   BIDV sắp phát hành trái phiếu quốc tế (17/07/2012)

>   QCG: Chuyển đổi 30% trái phiếu thành 5.5 triệu cổ phiếu (11/07/2012)

>   VIC: Niêm yết thành công thêm 115 triệu USD trái phiếu chuyển đổi tại Singapore (11/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật