Vay tiền bá tánh ở ta - có khó chi!
Một trong những lỗ hổng trong bộ khung pháp lý liên quan đến hoạt động doanh nghiệp là việc phát hành trái phiếu còn quá dễ dãi, dẫn đến hiện tượng các cá nhân thành lập công ty chỉ để vay tiền thông qua con đường phát hành trái phiếu.
Ở ta, việc vay tiền trên diện rộng, tức là doanh nghiệp vay tiền nhiều người, hay phát hành trái phiếu doanh nghiệp, được bắt đầu với Nghị định 52/2006 ngày 19-5-2006. Đến năm 2011, nghị định trên được thay thế bằng Nghị định 90/2011 ngày 14-10-2011.
Theo báo cáo chính thức thì đến cuối tháng 12-2011, tổng dư nợ trái phiếu khoảng 500.000 tỉ đồng, trong đó trái phiếu chính phủ chiếm 69% và doanh nghiệp chiếm 31%. Trái phiếu doanh nghiệp phần lớn được phát hành riêng lẻ cho người mua, thường là các ngân hàng và công ty tài chính, chưa được niêm yết và rất ít giao dịch trên thị trường vì người mua trái phiếu thường công ty nắm giữ đến khi đáo hạn.
Điều làm cho chúng ta quan tâm đến trái phiếu doanh nghiệp là vì qua báo chí, có ba công ty của ông Nguyễn Đức Kiên (Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại B&B lập năm 2008; Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu năm 2008; và Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội, 2006) đã phát hành trái phiếu. Theo mô tả, họ bán trái phiếu, thí dụ, cho ngân hàng A; rồi lấy tiền vay được đi mua cổ phần của vài ngân hàng như B, C, D; tiếp theo đó họ thế chấp cổ phiếu mới mua cho ngân hàng A để bảo đảm trả nợ và số còn lại đem chi dùng cá nhân. Số tiền vay mượn kiểu ấy lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Ở đây ta chỉ tập trung vào việc làm đầu tiên của các công ty vì các việc sau là hệ quả. Chúng ta tìm xem luật pháp về phát hành trái phiếu quy định thế nào, bảo đảm trả nợ ra sao mà ba công ty kia làm được vậy? Việc trả nợ rất quan trọng, vì khi doanh nghiệp không trả nợ được, mà chủ nợ là cá nhân thì người ấy sẽ bị khổ thấy ngay; nếu chủ nợ là ngân hàng thì xã hội sẽ chịu khổ sở vô hình, vì nó đến từ từ và trên nhiều người.
Luật về phát hành trái phiếu ở ta
Theo Nghị định 52/2006, doanh nghiệp - như ba công ty trên đã làm - muốn phát hành trái phiếu phải hội đủ các điều kiện sau:
- Có thời gian hoạt động tối thiểu là một năm kể từ ngày doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động;
- Có báo cáo tài chính của năm liền kề trước năm phát hành được kiểm toán;
- Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm liền kề năm phát hành phải có lãi; và
- Có phương án phát hành trái phiếu được tổ chức có thẩm quyền thông qua.
Cách thức phát hành là doanh nghiệp lập một phương án để thông báo cho các nhà đầu tư biết về: mục đích phát hành; chi tiết về mình; cách phát hành và các tổ chức tham gia bảo lãnh phát hành, bảo lãnh thanh toán, đại lý phát hành, đại lý thanh toán trái phiếu; địa điểm bán trái phiếu và thanh toán tiền gốc và lãi. Thứ nữa, doanh nghiệp phải tìm được tổ chức bảo lãnh phát hành để nơi này đứng ra bán trái phiếu cho mình theo hai cách một là mua hết hai là cố gắng bán.
Quy định như thế là khó hay dễ đối với doanh nghiệp phát hành? Chúng ta sẽ xem luật của Mỹ để trả lời.
Luật về phát hành trái phiếu ở Mỹ
Các bang ở Mỹ đều có luật về vay và trả nợ nằm trong thông luật, trong luật về các tập tục đòi nợ công bằng hay luật phá sản của liên bang. Doanh nghiệp, tùy trường hợp, phải tuân thủ một luật nhất định trong các luật trên khi phát hành trái phiếu.
Họ cũng phải nộp hồ sơ có nội dung chính giống như ở ta, nhưng phải làm thêm một việc theo Luật Trust Indenture Act ban hành năm 1939. Doanh nghiệp phát hành (không cần là phải lên thị trường chứng khoán) phải ký một hợp đồng gọi là “indenture” với một ngân hàng được chọn lựa trước khi phát hành. Ngân hàng này được gọi là người ủy thác (NUT - trustee). Công việc của người này là thay mặt cho các chủ nợ đứng ra theo dõi, kiểm soát và cưỡng chế công ty con nợ thực hiện các cam kết đã đưa ra cho các chủ nợ trong hợp đồng indenture.
Trong hợp đồng ngoài các điều khoản về loại trái phiếu; tổng số phiếu phát hành; nó sẽ mô tả các tài sản được thế chấp; việc trả lãi và gốc; việc mua lại trái phiếu để bảo đảm trả nợ. Xin nêu vài cam kết chính.
- Không làm vốn suy suyển: vốn được coi là “gối đệm” (buffer), nó làm chủ nợ an tâm giống như số tiền lần đầu tiên mà người mua nhà trả chậm trả cho ngân hàng cho vay tiền mua nhà, càng nhiều càng tốt;
- Hạn chế việc chia cổ tức: việc chia phải nằm trong một mức nào đó. Cổ tức có thể được định nghĩa khá rộng bao gồm các sự di chuyển tài sản ra khỏi công ty, như công ty mua cổ phần chẳng hạn;
- Không được vay thêm nợ mới: khi công ty vay thêm nợ thì cái gối đệm bảo đảm trả nợ bị xẹp đi; nếu công ty có bán tài sản đi để trả nợ, thì sẽ phải chia số tiền bán được cho nhiều chủ nợ hơn;
- Cấm hay hạn chế sáp nhập công ty;
- Công ty phải thu hồi trái phiếu khi giá trị trái phiếu bị đánh giá tín nhiệm thấp đi hay sau khi sáp nhập, sau khi có một người nào đó mua một số cổ phần lớn của công ty;
- Duy trì tình trạng tài chính và gối đệm trả nợ: công ty có thể bị buộc phải duy trì một số lượng vốn nhất định nào đó hay một số lượng tiền mặt ở một tỷ lệ nào đó so với tiền lãi phải trả, hay một một tỷ lệ nợ vay/vốn có nào đó.
- Giữ gìn tài sản…: con nợ phải giữ gìn trông nom tài sản, sửa chữa, mua bảo hiểm, lập và giữ sổ sách cẩn thận, đóng thuế đầy đủ; có khi công ty bị ràng buộc không được sắm sửa vượt quá một số tiền nào đó;
- Lập quỹ tích lũy để thanh toán nợ: để bảo đảm công ty sẽ thu hồi một số trái phiếu trước thời hạn, theo lịch trình định trước; công ty phải lập một quỹ tiền bất động (sinking fund) và giao cho công ty ủy thác quản lý. Tùy theo hợp đồng “indenture”, mỗi năm công ty phải dành ra một số tiền nào đó để công ty ủy thác lấy ra thu hồi trái phiếu về.
Muốn phát hành trên một triệu đô la Mỹ, công ty phải đăng ký với Ủy ban Giao dịch chứng khoán, phải nộp một bản tờ khai có đủ điều kiện để phát hành (indenture qualification statement) trong đó có hợp đồng indenture. Ủy ban trên không can thiệp vào việc thi hành hợp đồng hay trả nợ. Có gì các bên thưa nhau ở tòa án.
Để dễ bán trái phiếu, công ty thường thuê các công ty thẩm định rủi ro của trái phiếu (ratings agencies) để họ đánh giá khả năng không trả được nợ (default).
Nhận xét
So sánh các điểm trên ta thấy luật của Mỹ quan tâm đến việc trả nợ; còn của ta là đặt ra thể lệ để con nợ đi vay. Họ ưu ái chủ nợ, ta con nợ. Họ cử ra một người thứ ba để “quản lý” con nợ, ta để cho con nợ tự do. Nhà làm luật ở ta đã tạo cơ hội khi doanh nghiệp còn đang thiếu tiền để kinh doanh - như dạo năm 2006 - thì cứ để cho họ đi vay đã, chuyện trả nợ tính sau.
Tất nhiên luật của Mỹ đã rút kinh nghiệm về những sự lạm dụng đã xảy ra trước năm 1934 nên họ “trị” con nợ để bảo vệ chủ nợ. Thế nhưng cách làm ấy đáp ứng tâm lý của người có tiền muốn cho vay kiếm lời. Nhờ vậy thị trường trái phiếu của Mỹ to gấp vài lần thị trường chứng khoán. Chính nhờ thị trường này mà nền công nghiệp của Mỹ mới dẫn đầu thế giới như đã thấy.
Nếu quy định muốn đi vay thêm 70 đô la thì phải có trong tay 30 đô la là tỷ lệ nợ/vốn thì ta sẽ thấy các công ty của Mỹ đi vay rất nhiều. Theo tài liệu (budgetingthe nest.com) tỷ lệ nợ/vốn ở các công ty trong các ngành kỹ nghệ như sau: sản xuất hàng hóa, tỷ lệ là 190/66; dịch vụ 158/14; tiện ích công cộng 140/86 và tài chính là 257/45. Trong kỹ nghệ sản xuất có hàng không, vũ trụ và quốc phòng. Rõ ràng, các ngành công nghiệp của họ được thị trường trái phiếu tài trợ. Ở bên họ vay nợ là đi mượn tiền của những người đã có tiền, tức là dựa trên sự giàu có của quá khứ, hay người già giúp người trẻ. Muốn vậy các con nợ phải bảo đảm trả nợ, và trả nợ khi đến hạn; còn các chủ nợ thấy an tâm là lấy được nợ về. Chưa hết, thị trường bất động sản của Mỹ cũng do thị trường này tài trợ cho người mua nhà, giúp họ trả góp cho ngân hàng được. Nhờ đó thị trường bất động sản không lúc nóng lúc lạnh như ở ta.
Ở ta trái phiếu doanh nghiệp của nhiều công ty chưa gây ra vỡ nợ vì chưa đáo hạn. Nó chưa tạo ra vỡ nợ, nhưng đã giúp nảy sinh vụ ông Kiên. Khi luật pháp cho con nợ tự khai, chẳng có tài sản bảo đảm khi đi vay công chúng thì đúng là cho con nợ được “tay không bắt giặc”. Cho phép con nợ đi vay kiểu đó, khi không trả nợ được mà chủ nợ là một ngân hàng, thì sẽ có khi Ngân hàng Nhà nước phải cứu chủ nợ bằng cách tái cấp vốn. Khi ấy thì hoặc (i) là lấy tiền của người ngay cấp cho kẻ gian; hoặc (ii) bắt cả xã hội trả nợ thay cho một người, hay là (iii) bắt người trẻ - (thế hệ sau) trả nợ cho người già (thế hệ hiện nay).
Nghị định 90/2011, hầu như không thay đổi các điều kiện đi vay của doanh nghiệp phát hành. Nó có thêm yêu cầu về hồ sơ phát hành trái phiếu. Thí dụ như phương án phát hành trái phiếu và quyết định phê duyệt; kết quả xếp loại của tổ chức định mức tín nhiệm đối với tổ chức phát hành trái phiếu và loại trái phiếu phát hành (nếu có); các hợp đồng bảo lãnh phát hành, bảo lãnh thanh toán, hợp đồng đại lý và các tài liệu liên quan khác (nếu có). Xem thông tư hướng dẫn nghị định trên thì thấy luật mới phần lớn là áp dụng cho việc phát hành trái phiếu chính phủ của các cơ quan công quyền và doanh nghiệp nhà nước.
Nghị định nêu trên cho thấy Bộ Tài chính chú trọng đến việc khắc phục hậu quả vay nợ của Vinashin nhiều hơn là ngăn chặn hiện tượng các cá nhân thành lập công ty chỉ để vay tiền thông qua con đường phát hành trái phiếu.
Nguyễn Ngọc Bích
tbktsg
|