Trái chủ cần biết việc sử dụng vốn
Đó là một trong những yêu cầu đối với thị trường trái phiếu (TTTP) mà ông Dominic Scriven, Tổng Giám đốc Dragon Capital chia sẻ với ĐTCK trong cuộc phỏng vấn về hiện trạng của TTTP Việt Nam.
Đánh giá của Dragon Capital về hiện trạng thị trường trái phiếu Việt Nam thế nào, thưa ông?
Gần đây, TTTP đã có những bước phát triển tốt từ cố gắng của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA).
Cụ thể, đối với thị trường sơ cấp: trước kia, phải mất 14 ngày (T+14) sau khi đấu giá, các NĐT mới được giao dịch. Từ tháng 4/2012, chỉ còn T+4 và sắp tới có thể ngắn hơn nữa. Đây là một cố gắng đáng được trân trọng của nhà làm chính sách. Đặc biệt, từ tháng 8/2012, lần đầu tiên, phương pháp đấu thầu điện tử được áp dụng. Trước kia, để đấu thầu tại HNX, cần phải nộp hồ sơ, rồi sau đó phải có mặt để bỏ phiếu lệnh. Giờ thì các thành viên chỉ cần ngồi trên máy tính và đặt lệnh trực tiếp. Bên cạnh đó, đã hình thành rõ một thị trường đấu thầu trái phiếu chính phủ có xu hướng cạnh tranh, minh bạch hơn. Lãi suất trần gần đây bắt đầu mang tính định hướng cho thị trường thứ cấp hơn, thay vì cách khá xa so với lãi suất thị trường như trước kia.
Với thị trường thứ cấp: hình thành hành lang pháp lý cơ bản để TTTP có thể tiệm cận các tiêu chuẩn giao dịch quốc tế như thông tin, thanh toán bù trừ… HNX đã đưa vào sử dụng hệ thống giao dịch trái phiếu chuyên biệt, giao dịch điện tử. Việc thành lập hệ thống thành viên cũng tạo tiền đề xây dựng mô hình nhà tạo lập thị trường. Tuy nhiên, TTTP vẫn còn những hạn chế cần được giải quyết.
Cụ thể là gì, thưa ông?
Hoạt động repo là một hoạt động rất quan trọng trong TTTP. Tuy nhiên, hiện tại, hoạt động repo của NĐT nước ngoài bị đánh thuế 0,1% trên tổng giá trị giao dịch, một con số không nhỏ đối với đầu tư trái phiếu. Đặc biệt, các hoạt động repo thường có khoảng thời gian rất ngắn, do đó, mức phí 0,1% đã làm chi phí tăng lên rất cao và làm cho thị trường không được hiệu quả như mong muốn. Nếu cả hai bên giao dịch đều là NĐT nước ngoài thì tổng thuế cho cả hai đầu sẽ lên đến 0,2%. Chính việc này đôi lúc làm giảm sức hấp dẫn của trái phiếu.
Mặc dù đã giảm, song mức thuế 5% trên trái tức vẫn làm giảm sự hấp dẫn của trái phiếu. Điều này vô hình trung tạo cho NĐT nước ngoài một cảm giác không công bằng với NĐT trong nước. NĐT nước ngoài sẽ đưa phần thuế này vào giá, họ sẽ trả giá thấp hơn cho trái phiếu của Việt Nam.
Về cơ cấu kỳ hạn, nếu tiếp tục phát hành và niêm yết với xu hướng tập trung tại các kỳ hạn ngắn trong nhiều năm sẽ tạo áp lực trả nợ trong ngắn hạn rất lớn. Chính phủ có thể tiết kiệm được một ít về chi phí vốn, nhưng lại phải chịu một rủi ro lớn hơn rất nhiều về khả năng thanh toán nợ.
Một điểm quan trọng khác là phải có biện pháp chế tài và quy định nhất quán để đảm bảo sử dụng vốn đúng mục tiêu đề ra khi huy động trái phiếu. Trái chủ có quyền hỏi về việc này. Thêm vào đó, sản phẩm cơ bản trên thị trường phát hành còn đơn điệu, vẫn chỉ hạn chế ở các trái phiếu trả lãi định kỳ, chưa có những sản phẩm phát hành liên kết gắn trách nhiệm, quyền lợi giữa Nhà nước và chủ đầu tư trái phiếu.
Hiện tại, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang triển khai kế hoạch chuyển tất cả các loại tín phiếu do Ngân hàng Nhà nước phát hành về giao dịch tập trung tại Sở GDCK Hà Nội. Quan điểm của Dragon Capital thế nào?
Tín phiếu kho bạc (do Chính phủ phát hành) là công cụ quan trọng đối với hầu hết quốc gia trên thế giới để huy động nguồn bù đắp thiếu hụt ngân sách trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nhược điểm nằm ở bản chất ngắn hạn của tín phiếu, đồng nghĩa với rủi ro đáo hạn/trả nợ cao. Do đó, chính phủ ở một quốc gia không thể phát hành quá nhiều tín phiếu.
Với góc nhìn của một NĐT, chúng tôi luôn xem tín phiếu là một thành tố quan trọng trong việc xây dựng đường cong lãi suất. Bên cạnh đó, tín phiếu cũng là công cụ tiền tệ quan trọng trong việc quản lý tiền mặt. Việc niêm yết và xử lý tín phiếu kho bạc tương tự như trái phiếu, giúp cải thiện thanh khoản của thị trường cho công cụ này. Điều này có ý nghĩa tích cực đối với thị trường cũng như NĐT. Nhìn chung, việc chuyển đổi là một bước tiến tích cực. Chúng tôi hy vọng, việc chuyển đổi này sẽ tạo điều kiện cho mọi NĐT có thể mua và nắm giữ tín phiếu.
Dragon Capital có đề xuất gì để thúc đẩy TTTP phát triển hơn?
Theo tôi, cần tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả NĐT, bao gồm cả NĐT nước ngoài mua tín phiếu/trái phiếu. Đồng thời, cần thiết lập thị trường lãi suất tín phiếu/ trái phiếu hoạt động một cách có định hướng và ít bị can thiệp, nhằm phản ánh được đồng thời chi phí vốn từ phía các ngân hàng thương mại, kỳ vọng lạm phát và chính sách tiền tệ. Đầu tư tín phiếu/trái phiếu, về cơ bản, nên được miễn thuế.
Thu Hương thực hiện
đầu tư chứng khoán
|