Đa dạng hóa nhà đầu tư: Tăng thanh khoản cho TTTP Việt Nam
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2008, thị trường trái phiếu (TTTP) Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực với sự quan tâm và hỗ trợ từ Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Sở GDCK Hà Nội (HNX), Trung tâm Lưu ký chứng khoán và Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA).
Ông Ngô Đăng Khoa, Trưởng phòng Kinh doanh trái phiếu - Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam)
|
Được sự chấp thuận từ Bộ Tài chính, HNX đã tiến hành hoán đổi trái phiếu chính phủ (TPCP) nhằm giảm bớt số lượng trái phiếu hiện có; đồng thời phát hành trái phiếu lô lớn nhằm mục đích tăng thanh khoản cho mã trái phiếu đó nói riêng và TTTP nói chung. Cũng với mục đích phát triển TTTP Việt Nam và được sự ủng hộ của Bộ Tài chính, VBMA đã tổ chức và thành lập nhóm các nhà tạo lập thị trường TPCP với việc các thành viên phải chào giá mua và giá bán chắc chắn cho các kỳ hạn của TPCP nhằm mục đích tăng thanh khoản cho thị trường TPCP.
Tuy nhiên, các thành viên tham gia tích cực trên TTTP vẫn chủ yếu đến từ các ngân hàng thương mại, các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước, các công ty chứng khoán và các công ty bảo hiểm. Với mục đích đa dạng hóa các nhà đầu tư trên TTTP, tăng thanh khoản và phát triển thị trường lên một tầm cao mới, chúng ta có thể xem xét giới thiệu TPCP như một kênh đầu tư tài chính mới cho các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp trong nước, đồng thời phát triển hệ thống bán lẻ TPCP trên thị trường thứ cấp cho nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp trong thời gian tới.
TPCP là một kênh đầu tư an toàn và khá hấp dẫn khi nhà đầu có một nguồn thu nhập ổn định hàng năm và có cơ hội kiếm được lợi nhuận tài chính khi TPCP tăng giá. Hơn nữa, khi đầu tư vào trái phiếu, nhà đầu tư có thể bán TPCP bất cứ lúc nào khi có nhu cầu tiền mặt, nhưng vẫn được hưởng lãi suất cố định ngay từ ngày đầu tiên mua trái phiếu cho đến ngày bán trái phiếu (tuy nhiên, giá trái phiếu có thể tăng hoặc giảm vào ngày bán) hoặc bán trái phiếu với mục tiêu lợi nhuận. Do đó, TPCP là một kênh đầu tư hấp dẫn không chỉ đối với các ngân hàng, các định chế tài chính, mà còn là một kênh đầu tư mới và hấp dẫn đối với những nhà đầu tư cá nhân hay các doanh nghiệp có lượng vốn nhàn rỗi đang gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, kênh đầu tư trái phiếu vẫn chưa thật sự được các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp biết đến và thật sự quan tâm do hai yếu tố cơ bản là: (1) cơ chế để các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp tiếp cận kênh đầu tư trái phiếu chưa thuận tiện; (2) có sự chênh lệch khá lớn giữa lãi suất huy động và lãi suất TPCP trong những năm gần đây.
Với lãi suất tiết kiệm trần cho kỳ hạn một tháng đến 12 tháng ở mức 9%/năm và lãi suất không kỳ hạn ở mức 2%/năm, trong khi TPCP kỳ hạn 2 năm hiện đang có lãi suất ở mức trên 9%/năm, TPCP thật sự là một kênh đầu tư hấp dẫn đối với các cá nhân hoặc doanh nghiệp có tiền nhàn rỗi tạm thời gửi tiết kiệm có kỳ hạn (nhưng có thể có nhu cầu rút tiền đột xuất), hoặc không kỳ hạn. Ngay cả khi TPCP có lãi suất thấp hơn lãi suất huy động, nhưng không quá nhiều, thì TPCP vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn do tính thanh khoản và mức độ an toàn tín nhiệm cao. Vì vậy, đây là thời điểm thuận lợi để chúng ta có thể đưa kênh đầu tư trái phiếu, đặc biệt là kênh đầu tư TPCP đến với các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp.
Về mặt cơ chế, hiện nay, hầu hết các giao dịch TPCP là giữa các ngân hàng và các định chế tài chính với nhau do đặc thù khối lượng và giá trị giao dịch của TPCP khá lớn, việc đầu tư vào TPCP đòi hỏi những kiến thức chuyên môn và chiến lược đầu tư của các ngân hàng và các định chế tài chính… Các cá nhân và công ty cần phải có tài khoản giao dịch chứng khoán và mã số giao dịch chứng khoán nếu muốn tham gia mua TPCP. Ngoài ra, các ngân hàng thường sẽ không mặn mà mua bán trái phiếu từ các cá nhân hoặc doanh nghiệp nếu khối lượng giao dịch nhỏ, thường dưới 10 tỷ đồng (nhưng đây lại là số tiền không nhỏ với doanh nghiệp và đặc biệt là cá nhân), vì sẽ tốn chi phí giao dịch và vẫn phải đi theo quy trình đặt lệnh trên sàn giao dịch chứng khoán.
Cũng có các nhà đầu tư muốn tiết kiệm chi phí giao dịch nên không muốn thực hiện giao dịch qua sàn giao dịch chứng khoán (HNX). Đây có thể là những nhà đầu tư đang gửi tiền tại các ngân hàng và có nhu cầu mua TPCP để có lãi suất tốt và tính thanh khoản cao hơn. Cũng có thể do nhu cầu nắm giữ ngắn hạn, hoặc sự tiện lợi giao dịch ngay tại ngân hàng, những nhà đầu tư này không muốn thực hiện giao dịch qua sàn giao dịch (do không thực hiện giao dịch qua sàn nên những nhà đầu tư này sẽ không đứng tên chính thức sở hữu TPCP đối với Kho bạc Nhà nước và HNX) mà chỉ muốn ngân hàng xác nhận họ đã mua một số lượng TPCP của ngân hàng và ngân hàng ghi có lượng trái phiếu này vào tài khoản của khách hàng tại ngân hàng. Khi có nhu cầu bán, họ chỉ cần bán lại trái phiếu cho chính ngân hàng đó.
Để có thể giúp các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp tham gia vào TTTP, chúng ta cần phải tạo điều kiện để họ có thể hiểu được sản phẩm, hiểu được nhu cầu đầu tư của chính mình, có thể tiếp cận vào kênh đầu tư trái phiếu. Ngoài ra, chúng ta cần phải thành lập một thị trường có thanh khoản cao và giá mua bán thật minh bạch thì mới có thể thu hút được các nhà đầu tư này. Với mục tiêu đó, tại thời điểm hiện nay, chỉ có các ngân hàng mới đủ khả năng và năng lực đảm bảo nguồn cung trái phiếu và khả năng mua vào khi các nhà đầu tư cá nhân hoặc doanh nghiệp cần bán. VBMA có thể dựa vào giá giao dịch hoặc tham khảo của các nhà tạo lập thị trường đang giao dịch trên hệ thống chatroom của VBMA để có thể cung cấp đường cong lãi suất cho thị trường, cho các nhà đầu tư tham khảo, hoặc các nhà đầu tư có thể tham khảo thêm đường cong lãi suất trên HNX hoặc Bloomberg. Các ngân hàng và công ty chứng khoán có thể thu thập thông tin từ VMBA, HNX hoặc Bloomberg và cung cấp các đường cong lãi suất trên website của mình cho các nhà đầu tư trái phiếu của mình.
Đây là những ý tưởng và đề xuất cơ bản ban đầu của chúng tôi nhằm mục đích đa dạng hóa và thu hút thêm các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp vào TPCP, đồng thời cung cấp thêm một sản phẩm đầu tư mới cho các nhà đầu tư tài chính cá nhân ở Việt Nam. Để thực hiện được ý tưởng, chúng ta cần phải được sự chấp thuận và hỗ trợ từ các cấp và cơ quan có thẩm quyền, sự ủng hộ của VBMA và các thành viên VBMA để có thể đưa TTTP Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới.
Ngô Đăng Khoa
ĐTCK
|