G-20 thận trọng với đà phục hồi của kinh tế thế giới
Tại hội nghị Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương và Thứ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G-20) đang diễn ra tại thủ đô Mexico City của Mexico, đại diện các nước đã cảnh báo về những rủi ro lớn mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt, nhưng vẫn khẳng định tốc độ tăng trưởng trong năm này có thể đạt từ 3% đến 3,5%.
Phát biểu trước báo giới ngày 24/9, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico, ông Manuel Ramos Francia, cho rằng các biện pháp kích thích kinh tế được Ngân hàng Nhật Bản, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thực hiện gần đây vẫn chưa đủ để loại bỏ những nguy cơ suy thoái từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, chính sách cắt giảm chi tiêu công sắp tới tại Mỹ và đà tăng trưởng chậm lại tại các nền kinh tế mới nổi.
Ông nhấn mạnh những thách thức trên cần phải được giải quyết bằng những chính sách hòan tòan khác, tuy nhiên không thể phủ nhận vai trò của các tổ chức tài chính chính thống tại châu Âu, trong đó có ECB và mối quan hệ mật thiết giữa các cơ chế này với các thị trường liên ngân hàng và nợ công.
Trong khi đó, Thứ trưởng Tài chính Mexico, ông Gerardo Rodríguez Regordosa, nhận định mặc dù những biện pháp mới nhằm thúc đẩy nền kinh tế mà các ngân hàng trên thực hiện đã phần nào giúp bình ổn các thị trường, chính phủ các nước vẫn cần hành động mạnh mẽ hơn nữa bởi vẫn còn nhiều quan ngại về môi trường kinh tế bất ổn cũng như chính sách tiền tệ chưa đủ lực để giúp vực dậy nền kinh tế toàn cầu.
Ngoài các nội dung chính trên, tại hội nghị, giới chức G-20 cũng đã thảo luận về biến động giá hàng hóa và thực phẩm trên thế giới, trong đó các nước nhất trí thành lập một nhóm công tác với nhiệm vụ đánh giá những thách thức mới đặt ra trong lĩnh vực chính sách kinh tế, đánh giá cao sự cần thiết phải cải thiện hoạt động của các thị trường tài chính liên quan đến nguyên liệu và cần có sự minh bạch lớn hơn trong quá trình định giá nguyên liệu.
Trong các ngày từ 22 - 24/9, đại diện G-20 đã tiến hành thảo luận nhiều nội dung liên quan đến 6 điểm chính. Đó là thách thức và cơ hội của kinh tế toàn cầu, xử lý rủi ro từ góc độ tài chính, thời gian hoạt động của Nhóm thanh tra trực thuộc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hoạt động của Nhóm Phát triển cân bằng và bền vững, Nhóm cấp tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và hội nghị toàn thể các Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương và Thứ trưởng Tài chính G-20.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 24/9, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đã để ngỏ khả năng hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh toàn cầu và lên tiếng hối thúc Mỹ cùng châu Âu đẩy nhanh các quyết định chính trị để giúp thúc đẩy đà phục hồi vẫn còn rất yếu hiện nay của kinh tế thế giới.
Phát biểu tại thủ đô Washington, bà Lagarde nhận định cuộc khủng hoảng nợ vẫn diễn biến phức tạp tại châu Âu, các chính sách tài chính bị bế tắc tại chính trường Mỹ trong năm bầu cử 2012 và đà phát triển chững lại của các nền kinh tế ở châu Á đang làm chậm đà phục hồi hết sức mong mạnh của nền kinh tế toàn cầu.
Xác định còn nhiều rủi ro, trong cuộc họp vào tháng tới tại Nhật Bản, bà Lagarde cho biết IMF dự định có thể sẽ phải hạ thấp mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Theo Tổng Giám đốc IMF, kinh tế toàn cầu vẫn đang tiếp tục phục hồi từng bước, song đà phục hồi này có thể yếu hơn so với mức dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 3,5% hồi tháng Bảy vừa qua.
Vào thời điểm đó, IMF giữ nguyên mức dự báo tăng GDP toàn cầu năm nay nhưng hạ thấp mức tăng GDP năm 2013 từ 4,1% xuống 3,9%.
Người đứng đầu IMF đồng thời xác định cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là nguy cơ lớn nhất đe dọa đà phục hồi kinh tế toàn cầu và tình trạng bế tắc trong chính sách tài chính của Mỹ cũng đã trở thành một mối lo thực sự.
Bà hối thúc cần nhanh chóng thành lập một liên minh ngân hàng tại Eurozone, đồng thời khuyến cáo giới chức Washington cân nhắc khi thực hiện chương trình tăng thuế và cắt giảm chi tiêu vào đầu năm 2013 bởi kế hoạch này có thể khiến đà tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm 2% cũng như gia tăng gánh nặng nợ công.
Ngoài ra, bà Lagarde cũng cảnh báo sự phát triển chậm lại của các nền kinh tế đang phát triển, nhất là tại châu Á, bất ổn tại Trung Đông cộng với mối lo ngại tại các nước nghèo về giá thực phẩm leo thang 20% kể từ tháng Sáu vừa qua, cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với kinh tế toàn cầu trong những tháng tới.
vietnam+
|