Các nước "bốc thuốc" trị nợ xấu như thế nào?
Nợ xấu là “cục máu đông” mà nhiều nền kinh tế trên thế giới bị “nhiễm” với các mức độ khác nhau. Và các quốc gia có đơn thuốc trị bệnh khác nhau, phụ thuộc vào đặc điểm của mỗi nước.
Hai cường quốc kinh tế Hoa Kỳ, Trung Quốc từng “gánh” khoản nợ xấu cao ngất ngưởng. Hệ thống tài chính ngân hàng rơi vào tình trạng báo động cao nhất và rất nhiều ngân hàng đã phải “trả giá”. Theo ngân hàng Phát triển châu Á – ADB, năm 2003, Trung Quốc có bốn ngân hàng Thương mại (NHTM) quốc doanh lớn nhất với tổng tài sản khoảng 15.200 tỷ Nhân dân tệ (NDT), chiếm khoảng 55% tổng tài sản của hệ thống tài chính.
Điều này không mấy khác so với tình trạng cho “vay dưới chuẩn” (vay với mức độ rủi ro cao) của các ngân hàng ở Hoa Kỳ giai đoạn trước khủng hoảng kinh tế tài chính 2008.
Trước thực trạng nợ xấu tăng đột biến có thể đánh đổ tất cả các ngân hàng, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có những động thái “không hẹn mà gặp” để đến một mục tiêu chung là giải cứu nền kinh tế nước nhà.
Cả hai đều tung chính sách chứng khoán hóa các khoản nợ xấu của các NHTM. Đây được xem là chính sách ưu tiên và trọng tâm trong chuỗi giải pháp của hai nước. Năm 1999, ngân hàng trung ương Trung Quốc PBC đã thành lập 4 công ty quản lý tài sản, có trách nhiệm xử lí nợ xấu cho một số NHTM quốc doanh. Các công ty này chịu sự quản lý và chỉ đạo đồng thời của Bộ Tài chính và liên hệ chặt chẽ với các NHTM. Các công ty này đã mạnh dạn cho chứng khoán hóa các khoản nợ của NHTM và mua lại chúng nhằm thổi vốn vào tình trạng cạn kiệt của các ngân hàng.
Trong khi đó, Bộ Tài chính, Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) và Cục Dự trữ liên bang (FED) của Hoa Kỳ đã cho ra đời ngân quỹ (dưới dạng các gói tiền 200 tỷ USD, 500 tỷ USD hay thậm chí là 700 tỷ USD) nhằm bảo lãnh cho việc chứng khoán hóa các khoản nợ xấu.
Đây là hai động thái giống nhau về bản chất, chính là mua cổ phiếu ưu đãi – mua cổ phiếu với mức lợi tức không phụ thuộc vào lợi nhuận và cũng không được tham gia điều hành ngân hàng – do các NHTM phát hành nhằm tạo vốn cho các NHTM đang lâm nợ có thể tái cấu trúc. Đồng thời, đây là cách tối ưu hóa việc chia nhỏ rủi ro tín dụng của NHTM đến các nhà đầu tư thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, hai cường quốc này còn áp dụng biện pháp mua lại nợ xấu cho các NHTM. Các khoản nợ xấu sẽ được phân loại và được các công ty nợ xấu hoặc các tổ chức tương tự mua lại. Động thái này một mặt tạo vốn cho các NHTM để hoạt động trong thời gian cấp bách, một phần khiến các nhà đầu tư lạc quan hơn, kích thích kênh đầu tư tạo cơ hội cho nền kinh tế tái hoạt động. Để bổ trợ cho giải pháp này, các công ty nợ xấu còn giúp những NHTM yếu kém giải quyết các vấn đề thanh khoản tạm thời nhằm tạo động lực cho việc tái cấu trúc hệ thống.
Cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng xảy ra tại Cộng hòa Ireland vào cuối năm 2008 và đầu năm 2009, đã để lại số lượng lớn các khoản nợ xấu. Để đối phó với cuộc khủng hoảng ngày càng trở nên nghiêm trọng, Chính phủ Ireland đã đưa ra sáng kiến thành lập công ty mua bán nợ quốc gia (NAMA) năm 2009 nhằm lành mạnh hệ thống ngân hàng.
Trong giai đoạn đầu, NAMA đã mua hoặc chuyển nhượng tài sản nợ trị giá 71 tỷ bảng Anh từ 850 con nợ và hơn 11.000 khoản nợ được thế chấp bằng 16.000 công trình bất động sản. Để có được các khoản nợ này, NAMA đã phát hành chứng khoán do chính phủ bảo lãnh cho 5 đơn vị thành viên của mình.
NAMA có nhiệm vụ hoạt động làm sao đem lại kết quả kinh doanh tốt nhất cho nhà nước từ những tài sản mua được. Ở vào thời kỳ đầu, NAMA đã mua được 11.500 khoản vay nợ liên quan đến đất đai và nhà cửa từ 5 định chế nêu trên và tiếp theo sau đó là xây dựng mối quan hệ sâu rộng với các con nợ để hiểu rõ thêm hoạt động kinh doanh của họ và bắt đầu xây dựng một chiến lược trả nợ. Giai đoạn cuối cùng và lâu dài nhất là đề ra một loạt các cột mốc cắt giảm nợ nhằm hoàn tất việc chi trả đầy đủ nghĩa vụ của cả các con nợ và các khoản vay của NAMA vào năm 2019.
Nhiều nước ở châu Á như tại Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc và Thái Lan đã thành lập công ty quản lý tài sản tập trung để xử lý nợ, thu hồi và cơ cấu lại các khoản nợ xấu của ngân hàng. Một đặc điểm chung của các công ty này là tất cả đều được Chính phủ tài trợ vốn, tổ chức tập trung hơn là sử dụng mô hình chỉ dựa vào ngân hàng. Hầu hết các công ty quản lý tài sản ở các nước châu Á chỉ hoạt động trong một số năm nhất định. Các công ty này cũng có quyền hạn đặc biệt để cắt giảm một số thủ tục pháp lý.
Thái Lan thực hiện xử lý nợ xấu bằng 3 giải pháp cơ bản. Các giải pháp này bao gồm bơm vốn trực tiếp, công ty quản lý tài sản AMC (Asset Management Company) và trung gian tái cơ cấu nợ CDRC (Corporate Debt Restructuring Committee), trong đó AMC là một trong những giải pháp mà Thái Lan đã áp dụng khá hiệu quả từ thời kỳ khủng hoảng cho đến nay.
Đối với các khoản vay có thế chấp không còn khả năng trả nợ, AMC thực hiện tịch thu tài sản thế chấp và bán thanh lý để hoàn phần vốn vay dựa trên nguyên tắc chia sẻ lời-lỗ. Đối với các khoản vay mà AMC nhận thấy còn khả năng trả nợ, AMC đã chủ động phối hợp với các cơ quan đại diện cho các khu vực kinh tế để đưa ra các giải pháp khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh của các khu vực đó, tạo nguồn vốn trả nợ. Và chỉ sau vài năm, hết quý 2/2003 số nợ xấu được TAMC giải quyết đạt 73,46% tổng số nợ cần xử lý. Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại Thái Lan giảm rõ rệt xuống từ gần 13% năm 2003 xuống 10% năm 2004 và gần đây nhất đến quý 4/2011 ở mức không quá 4%.
Bên cạnh đó, một giải pháp được các các nước sử dụng là gắn giải quyết nợ xấu với tái cấu trúc ngân hàng và tái cấu trúc kinh tế. Biện pháp này được đánh giá là mang tính cơ bản, vì ngoài vấn đề xử lý nợ xấu nó còn giúp ngăn chặn nợ xấu gia tăng.
Đối với Nhật Bản, họ tập trung nhiều hơn vào việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Không giống với một số nước, toàn bộ số tiền thành lập Tập đoàn Tái thiết công nghiệp Nhật Bản (IRCJ) là của các ngân hàng chứ không phải từ nhà nước.
Cách làm của IRCJ là lựa chọn các tập đoàn, công ty cần phải tái thiết, sau đó sẽ tách đơn vị ấy thành nhiều phòng, ban và đánh giá hiệu quả hoạt động của từng phòng, ban. Nếu một ban không sinh lời, tập đoàn có thể bán ban đó kèm chiết khấu dựa vào giá trị tài sản sau khi định giá. Cuối cùng, nguồn lực sẽ được một cách có chọn lọc vào những phòng, ban làm ăn có lãi hoặc có sức cạnh tranh.
Trong giai đoạn 2004 - 2006, IRCJ đã tái thiết được rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong các lĩnh vực như siêu thị, mỹ phẩm, bất động sản, khách sạn, vận tải, công nghệ cao… Điều này đã tạo nên một làn sóng sáp nhập và mua bán trong giai đoạn này giúp tái cơ cấu nền công nghiệp Nhật Bản.
Lam Chi
chính phủ
|