Eurozone sử dụng đòn bẩy nâng quỹ giải cứu lên hơn 2,000 tỷ EUR
Các quốc gia thành viên Eurozone sắp cho phép quỹ giải cứu vĩnh viễn khu vực sử dụng đòn bẩy tương tự như quỹ giải cứu tạm thời để có thể đạt quy mô hơn 2 ngàn tỷ EUR và giải cứu các quốc gia lớn nếu cần thiết.
* Đức và Pháp đồng thuận giải pháp phục hồi châu Âu
* Ngân hàng Tây Ban Nha cần cứu trợ ít hơn dự kiến
* Tòa án Hiến pháp Đức đồng ý thông qua quỹ giải cứu vĩnh viễn châu Âu
Tạp chí Der Spiegel cho biết Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) sẽ có hai công cụ tương tự như Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF). Trong đó, ESM chỉ cho phép sử dụng nguồn quỹ công cho các giao dịch đặc biệt rủi ro như mua trái phiếu Tây Ban Nha trong khi các nhà đầu tư tư nhân sẽ cung cấp phần còn lại.
Với quy mô 500 tỷ EUR và dự kiến có hiệu lực từ ngày 08/10, ESM được kỳ vọng sẽ có năng lực đòn bẩy như EFSF và điều này đã được các bộ trưởng tài chính Eurozone (Eurogroup) nhắc lại trong cuộc họp tại Cộng hòa Síp vào đầu tháng 9.
Nếu ESM được phép sử dụng kỹ thuật đòn bẩy tương tự như EFSF, quỹ sẽ có năng lực cho vay khoảng 2,000 tỷ EUR mà không cần thêm sự đóng góp của các quốc gia thành viên.
Tuy nhiên cho đến nay phương án sử dụng đòn bẩy vẫn chưa nhận được sự phê chuẩn của các quốc gia Eurozone, đặc biệt hiện Phần Lan vẫn còn tỏ ra khá lưỡng lự. Theo Der Spiegel, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble ủng hộ phương án trên nhưng Phần Lan lại cản trở Eurogroup thông qua.
Người phát ngôn Bộ Tài chính Đức cho rằng mức đóng góp tối đa của nước này vẫn là 190 tỷ EUR và khi mọi việc đã hoàn thành ở cấp độ EU, kết quả sẽ được trình lên Hạ viện Đức thông qua. Tuy nhiên, theo bà con số 2,000 tỷ EUR là khá khó hiểu.
Người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) từ chối bình luận.
Một thông tin khác từ Tạp chí Focus của Đức cho rằng Bộ trưởng Tài chính Schaeuble và Thủ tướng Angela Merkel muốn gia tăng vị thế của Ủy viên Tiền tệ EU thành người duy nhất có quyền quyết định về việc khởi kiện các quốc gia không đáp ứng được mục tiêu ngân sách.
Bà Merkel và ông Schaeuble muốn Ủy viên Tiền tệ EU có quyền yêu cầu các nước sửa đổi dự thảo ngân sách, bao gồm các khoản thâm hụt quá mức. Người phát ngôn Bộ Tài chính Đức cũng từ chối bình luận về báo cáo của Focus.
Phước Phạm (Vietstock)
FFN
|