Đừng cắt giảm đến mức đi “xin”
Trong bối cảnh suy giảm kinh tế đang diễn ra trên các lĩnh vực thì bán lẻ là một trong những đối tượng phải gánh chịu nặng nề nhất. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm đã có hơn 5.000 DN bán lẻ trong tổng số trên 17.000 DN phải giải thể. Không chỉ các DN có quy mô nhỏ và vừa, những tập đoàn lớn cũng lầm vào tình cảnh khốn đốn.
Thử nhìn vào tập đoàn Metro, khi tập đoàn này vừa công bố con số lỗ của tập đoàn trong quý II đã lên đến 20 triệu EURO. Metro Cash & Carry là Cty bán lẻ 100% vốn nước ngoài đầu tiên vào VN. Kể từ trung tâm bán sỉ đầu tiên năm 2002, đến nay Metro Cash & Carry đã đưa vào hoạt động 17 trung tâm bán sỉ tại VN.
Metro Thăng Long trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) từng được xem là trung tâm bán sỉ lớn nhất miền Bắc khi nó thành lập vào năm 2003. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cũng khá èo uột. Trung tâm này đang phải cắt giảm chi phí đến mức khó tin. Nếu chỉ đi mua sắm lướt qua thì chưa thấy được, phải trực tiếp “có chuyện” làm việc với trung tâm này mới thấy sự xa sút đến đáng buồn.
Có thể nói về câu chuyện khách hàng bị mất đồ xảy ra mới đây thì phần nào hiểu được vấn đề. Anh Nguyễn S. H vốn là khách hàng thường xuyên đến Metro Thăng Long. Cuối tháng 8 vừa qua, anh H đi xe ôtô BMW 750 đến Metro Thăng Long mua hàng. Khi ra anh thấy xe ôtô của mình bị mất 2 mặt gương chiếu hậu. Anh H gọi bảo vệ đến để thông báo việc mất cắp. Bảo vệ đã đến lập biên bản xác nhận việc mất cắp và hẹn anh H hôm sau đến gặp lãnh đạo giải quyết.
Ngày hôm sau, anh H đến gặp anh Thành – đại diện Metro Thăng Long. Anh Thành cho biết, Metro Thăng Long đã thuê Cty Minh Thắng làm bảo vệ. Do đó, trách nhiệm bồi thường thuộc Cty Minh Thắng. Tuy nhiên, anh Giang – đại diện Cty Minh Thắng cho biết, theo hợp đồng ký kết Cty Minh Thắng chỉ bố chí liên tục 2 bảo vệ trông giữ xe máy và 1 bảo vệ trông xe ôtô. Cả hai đại diện này đều thừa nhận với 1 bảo vệ trông xe ôtô thì việc mất đồ là khó tránh khỏi.
Metro Thăng Long đã làm một tấm biển trên đó có ghi “miễn phí gửi xe ôtô… nhưng khách hàng tự bảo quản xe và hành lý trên xe khi vào mua hàng”. Đáng nói hơn là tấm biển này được “dấu” khá kỹ ở vị trí khó có ai nhìn thấy được. Trao đổi với phóng viên, nhiều người đi ôtô đến Metro Thăng Long đều không hề hay biết gì về tấm biển này. Chỉ khi dắt tay chỉ tận nơi, đọc thật to thì họ mới “ngã ngửa” và nói “nếu nhìn thấy tấm biển này ở ngoài khu để xe chắc không ai dám vào đây mua hàng”.
Còn nản lòng hơn khi các nhân viên bảo vệ tại đây đều trình bày xin xỏ với khách hàng “thôi em xin anh! Giá 2 mặt gương xe BMW 750 được hãng thông báo trên 20 triệu đồng thì làm sao chúng em có tiền đền. Lương nhân viên bảo vệ ở đây chỉ 2 triệu đồng/tháng. Em xin đền anh cả 2 triệu đồng, coi như tháng này em nhịn”. Trước những lời lẽ đó, anh H không nỡ cầm 2 triệu đồng của cánh bảo vệ. Anh H chỉ biết than rằng, Metro mà thảm hại đến thế này chăng?
Không biết mỗi năm có bao nhiều khách hàng vào Metro Thăng Long bị mất đồ và lại bị xin xỏ như anh H, chỉ biết rằng với 1 nhân viên bảo vệ trông xe ôtô với cái biển “nấp” khá kĩ kia thì câu chuyện này sẽ không hiếm gặp.
Tất nhiên việc cắt giảm chi phí đối với DN trong thời khủng hoảng này là cần thiết nhưng điều cần thiết hơn là phải giữ được sự tín nhiệm với khách hàng và giữ gìn thương hiệu của chính mình. Đó là bài học nhãn tiền không chỉ của Metro Thăng Long.
Bá Tú
diễn đàn doanh nghiệp
|