Chăn nuôi, thủy sản “dài cổ” chờ hỗ trợ
Nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, hộ nông dân treo ao, chuồng, bán cả đất để trả nợ… bởi chờ hoài mà không thấy chính sách hỗ trợ từ ngân hàng và các cơ quan chức năng.
Đầu tháng 8, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công văn số 1149/TTg_KTN về một số chính sách hỗ trợ sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Theo công văn, Thủ tướng giao cho Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất đối với khoản vốn đã vay; tiếp tục cho vay với lãi suất thấp nhất (11%) đối với các hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất chăn nuôi, giết mổ để cấp đông, chế biến thịt heo, thịt gia cầm; nuôi cá tra, chế biến cá tra xuất khẩu…
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chưa có một người nuôi heo nào ở Đồng Nai tiếp cận được các gói hỗ trợ lãi suất trên từ bất cứ ngân hàng nào.
Chờ đợi trong mông lung
“Chắc các ngân hàng đang “suy nghĩ” nên chưa triển khai chứ người nuôi heo, DN chăn nuôi nào cũng ngồi ngóng từng ngày” - ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nhận định. Ở huyện Vĩnh Cửu thuộc tỉnh này có nhiều hộ nuôi heo không chờ nổi nữa đã phải bán cả đàn heo nái hàng trăm con, bán hết cả heo trong chuồng, thậm chí là đất để trả nhiều món nợ. “Hiện giờ ngành chăn nuôi rất bi đát, hỏi 10 thì hết chín kêu lỗ quá chịu hết nổi. Giá nguyên liệu đầu vào tăng, giá bán rớt thê thảm, bán một con heo lỗ 500.000-600.000 đồng. Mà đâu phải chỉ một hai tháng, cả năm nay rồi!” - ông Công buồn rầu.
Ông Dương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Bình Minh (Đồng Nai), cho biết DN chăn nuôi hầu như khó tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ. Chính sách giảm lãi suất chỉ giúp được rất ít DN.
Công nhân đang làm việc tại trang trại của Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Bình Minh (Đồng Nai).
|
Không chỉ có chăn nuôi, ngành thủy sản cũng đang ngập ngụa trong khó khăn. Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty CP Gò Đàng (AGD), cho biết chẳng mấy hy vọng vào các gói hỗ trợ hay giảm lãi suất đến tay người dân và DN. Khó khăn của DN thủy sản là phí kiểm dịch trong nước quá cao, thế nhưng việc trông chờ vào các cơ quan quản lý giảm tần suất kiểm tra để giảm bớt chi phí cho DN đang trong tình trạng rất… mông lung.
Có lẽ Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) may mắn hơn nhiều DN khác cùng ngành, được tiếp cận nguồn vốn lãi suất 9%-11%. Ông Chu Văn An, Phó Tổng Giám đốc công ty, cho rằng DN nào uy tín, làm ăn tốt thì ngân hàng mới cho vay.
“Thử hỏi DN nào cũng lỗ, không còn tài sản thế chấp thì ai dám cho vay” - ông Dương Anh Tuấn, Công ty Chăn nuôi Bình Minh, chia sẻ. “Điều đáng buồn là việc đợi chính sách hỗ trợ đi vô thực tế để DN nắm tận tay, sờ tận mắt rồi sử dụng được sao mà khó thế!”.
Cần giải pháp sát thực tế
Nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ NN&PTNT đã nhiều lần họp bàn và lắng nghe DN trình bày, chỉ đạo các cơ quan hữu quan thực hiện nhưng kết quả vẫn là chờ đợi. “Chỉ riêng kiến nghị giảm thuế nhập khẩu, Chính phủ đã xem xét việc bãi bỏ việc áp dụng thuế bảo vệ môi trường đối với bao PE gói hàng xuất khẩu, Bộ Tài chính nói dự kiến có văn bản về vấn đề này trong thời gian tới nhưng tới lúc nào thì chưa biết” - ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Gò Đàng, dẫn chứng.
Theo ông Đạo, hiện giờ ngân hàng có giảm hay không giảm lãi suất thì DN cũng hết cửa được tiếp cận vì không DN nào đủ điều kiện để được cho vay, ngân hàng cũng không muốn mạo hiểm khi tình hình kinh tế chung đang khó khăn. Gánh nặng đối với DN xuất khẩu thủy sản là các loại phí này nọ, phí kiểm dịch, phí lấy mẫu kiểm trong nước, phí kiểm tra ở nước ngoài… Giảm chi phí kiểm tra là giải pháp thiết thực giúp được nhiều DN, góp phần làm giảm nguyên liệu đầu vào, tăng giá bán cạnh tranh, thúc đẩy hàng hóa lưu thông.
Còn đối với ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, nêu giải pháp: “Nghịch lý hiện nay là giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á do phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu lại chịu nhiều loại thuế, lãi suất ngân hàng, cước vận tải cao. Nếu bỏ được thuế VAT 5%, lãi suất ngân hàng chỉ 5%-7% và “dẹp” được các cấp bán hàng trung gian thì giá thành thức ăn chăn nuôi sẽ giảm tới 20%. Từ đó, áp lực cho người chăn nuôi giảm rất nhiều”.
Đứng ở góc độ một chuyên gia, GS Võ Tòng Xuân nhận định: Nhiều chính sách hỗ trợ không sát với thực tế, không căn cứ theo một cơ sở khoa học nào. Lấy ví dụ việc hỗ trợ giảm lãi suất cho DN, chính sách cần đặt câu hỏi nếu những người nông dân, DN không có tài sản thế chấp thì làm sao được vay? Chứ cứ ra cho có tiếng giúp thì kết quả vẫn là con số không.
QUANG HUY
Vào tháng 10, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại sẽ soạn thảo xong văn bản về gói hỗ trợ 3.000 tỉ đồng cho ngành chăn nuôi, thủy sản cùng hướng bù lỗ cụ thể.
Đừng chỉ chăm chăm ngồi chờ giải pháp hỗ trợ, đợi giảm này giảm kia. DN cần có chiến lược kinh doanh riêng. Khâu nào chưa cần đầu tư thì dừng lại, tự cân đối nguồn cung cầu, nếu nhu cầu giảm thì điều chỉnh nguồn cung cho phù hợp.
Ông DƯƠNG ANH TUẤN, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Bình Minh
|
Pháp luật TPHCM
|