Thứ Hai, 10/09/2012 10:58

Dừng đầu tư cảng Vân Phong giai đoạn khởi động của Vinalines:

Cơ hội cho nhà đầu tư có năng lực

Chính phủ đã đồng ý dừng thực hiện dự án xây dựng cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong giai đoạn khởi động do Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) làm chủ đầu tư.

Chiều 9-9, ông HOÀNG ĐÌNH PHI - phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế (KKT) Vân Phong - cho biết ông không bất ngờ. Ông Phi nói:

- Dự án cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong giai đoạn khởi động do Vinalines khởi công từ tháng 10-2009 được kỳ vọng khởi đầu cho dự án động lực lớn nhất của KKT Vân Phong. Tuy nhiên, thời gian qua dự án này hầu như không triển khai gì ngoại trừ việc đóng một số cọc sắt xuống biển. Năm ngoái, Vinalines xin điều chỉnh dự án, đưa tổng chiều dài hai cầu cảng từ 690m lên 800m, năng lực tiếp nhận tàu container từ 9.000TEU lên 12.000-15.000TEU. Song đến nay vẫn chưa thấy nhà đầu tư này trình dự án điều chỉnh cho tỉnh Khánh Hòa cũng như trung ương.

Chúng tôi không cảm thấy bất ngờ về việc dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong giai đoạn khởi động phải dừng triển khai, vì thấy rằng với năng lực của Vinalines hiện tại khó có thể tiếp tục đầu tư dự án.

* Đầu năm 2012, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng trong chuyến kiểm tra dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong đã đề nghị nên kêu gọi nước ngoài đầu tư cho dự án này. Hiện nay việc kêu gọi này thế nào, thưa ông?

- Theo quy hoạch cảng này có 37 bến cảng với tổng chiều dài 12,5km. Vinalines là nhà đầu tư thực hiện giai đoạn khởi động, họ dừng lại cũng không ảnh hưởng đến nhà đầu tư khác. Các nhà đầu tư có năng lực vẫn có thể tiếp tục đầu tư những giai đoạn tiếp theo của dự án. Theo chỉ đạo của trung ương, cả Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Khánh Hòa tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư cả trong và ngoài nước thực hiện dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong. Cho đến nay đã có một số nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu, nghiên cứu về dự án, song chưa có nhà đầu tư nước ngoài nào chính thức cho biết họ có đầu tư vào đây hay không.

* Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong được cho là dự án động lực, chủ đạo thúc đẩy toàn bộ KKT Vân Phong, dự kiến năm 2020 là hoàn thành. Tuy nhiên với thực tế như hiện nay, theo ông, bao giờ dự án này mới xong?

- Đây là dự án thuộc danh mục công trình quan trọng quốc gia nên tỉnh Khánh Hòa không thể quyết định, chúng tôi chỉ biết chờ thôi.

Trước tình hình ì ạch trong đầu tư cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đã chủ động điều chỉnh quy hoạch phát triển KKT Vân Phong sang đa ngành, đa lĩnh vực. Hiện nay, Khánh Hòa quyết định tập trung xây dựng ở nam Vân Phong các dự án công nghiệp nặng như nhiệt điện, đóng tàu, lọc dầu... gắn với cảng nước sâu, chứ không thể ngồi chờ công trình mũi nhọn cảng trung chuyển quốc tế. Chúng tôi cũng đang nỗ lực kêu gọi nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng hạ tầng khu phi thuế quan rộng 950ha gần cảng trung chuyển quốc tế và sẽ xây dựng một cảng biển xuất khẩu hàng hóa phục vụ khu này.

Với tình hình chung hiện nay, tôi nghĩ cần tính toán lại cho “bài toán cảng biển” ở VN. Hiện ở phía Bắc có cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) và phía Nam có cảng Thị Vải (Vũng Tàu) đã đủ khả năng vận chuyển hàng hóa xuất khẩu ở hai khu vực công nghiệp phát triển, nếu có thêm cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong phải tính toán đến việc điều tiết lượng hàng hóa cho hợp lý, tránh lãng phí. Do vậy, nhà đầu tư cảng phải có tiềm lực gắn với các công ty vận tải biển quốc tế. Cá nhân tôi cho rằng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong phải tính đến tầm xa 50-70 năm nữa, chứ trước mắt thì không có hàng để “nuôi” cảng nếu được xây dựng hoàn chỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Duy Thanh thực hiện

 

Dự án có vốn 3,6 tỉ USD

Dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (giai đoạn khởi động) do Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng vào ngày 31-10-2009 tại thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

Trước đó, tại quyết định phê duyệt dự án giai đoạn khởi động từ năm 2007 tổng vốn đầu tư là 3.126 tỉ đồng. Tuy nhiên, ở thời điểm khởi công tổng mức đầu tư được điều chỉnh lên 6.177,6 tỉ đồng.

Giai đoạn khởi động của cảng, Vinalines có nhiệm vụ xây dựng các hạng mục chính: khu bến cảng (hai cầu cảng, kho bãi đạt tiêu chuẩn quốc tế...), luồng tàu và vũng quay trở, đường giao thông ngoài cảng. Trong đó, hai cầu cảng có chiều dài gần 700m, có thể tiếp nhận tàu 9.000TEU. Giai đoạn khởi động dự kiến hoàn thành tháng 10-2011.

Theo kế hoạch, dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong được hoàn thành sau năm 2020, tổng mức đầu tư 3,6 tỉ USD, chiều dài 12,5km, bao gồm 42 bến cảng với tổng diện tích 750ha, đảm bảo khả năng thông qua trên 200 triệu tấn hàng hóa mỗi năm và có thể tiếp nhận tàu container trọng tải lên đến 18.000TEU.

Tuy nhiên đến tháng 8-2010 dự án đã tạm dừng thi công, sau khi triển khai đóng một số cọc không đạt chuẩn.

Ông Nguyễn Văn Công - thứ trưởng Bộ GTVT - cho biết Bộ GTVT vừa nhận được văn bản thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải dừng thực hiện dự án. Vì vậy, Bộ GTVT đang nghiên cứu, căn cứ vào các nội dung chỉ đạo của Phó thủ tướng để ra văn bản giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan triển khai.

T.Phùng

Ông Chu Quang Thứ (nguyên cục trưởng Cục Hàng hải VN): Có nhà đầu tư nước ngoài sẽ có khách hàng

Việc phải dừng dự án có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi, phía Vinalines với tư cách là chủ đầu tư rõ ràng không đủ năng lực để thực hiện tốt dự án này. Bởi ngay từ đầu chúng tôi đã cảnh báo không nên biến cảng Vân Phong thành “ao làng” khi Vinalines dự kiến làm cầu cho loại tàu 6.000-9.000TEU, trong khi trên thế giới loại tàu container có hiệu quả kinh tế nhất cho tới nay là 12.000TEU và xu hướng phát triển các loại tàu từ 15.000-18.000TEU. Ngoài ra, để xây dựng được cảng trung chuyển quốc tế đủ khả năng đón nhận tàu từ 12.000 TEU trở lên đòi hỏi chủ đầu tư phải hội đủ rất nhiều yếu tố từ vốn, kinh nghiệm quản lý cho đến uy tín trên thị trường vận tải hàng hải thế giới. Đặc biệt là phải mở cơ chế để kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài, không thể chỉ dựa vào ngân sách và doanh nghiệp trong nước.

Kêu gọi được nhà đầu tư nước ngoài vào làm họ sẽ mang cả công nghệ, khách hàng vào cho VN. Đừng sợ thua trên sân nhà vì mình đã có gì đâu mà thua. Chúng ta chưa có tàu đến 7.000TEU, trong khi nước ngoài tàu từ 12.000TEU trở lên là bình thường. Gọi là cảng trung chuyển quốc tế thì tất nhiên chúng ta phải ưu tiên cho khách hàng quốc tế.

Chính vì vậy, bây giờ muốn có nhà đầu tư mới phải mở cơ chế ra, đừng để nhà đầu tư phải vất vả vào xin bộ rồi xin tỉnh, chạy khắp các cửa... Lâu nay rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, ví dụ như Hãng tàu Maersk Line của Đan Mạch (hãng tàu container lớn nhất thế giới). Quan điểm của tôi là người ta có tiền đầu tư thì để người ta quản lý, tự người ta sẽ đề xuất cần cái gì và chúng ta đáp ứng cho họ.

V.V.Thành ghi


Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Chấp nhận sự ra đi của doanh nghiệp (10/09/2012)

>   EVN sắp vay thêm gần 22.500 tỷ đồng (10/09/2012)

>   Nới hay siết, ôtô nhập khẩu hoang mang (10/09/2012)

>   Gạo Việt “chảy” sang Thái Lan (09/09/2012)

>   Bộ GTVT không đề xuất “mặc đồng phục” cho taxi cả nước (09/09/2012)

>   Dừng dự án cảng Vân Phong của Vinalines (09/09/2012)

>   Thị trường ô tô quay đầu giảm trở lại (09/09/2012)

>   Tổ máy 2 thủy điện Chiêm Hóa hòa lưới điện quốc gia (08/09/2012)

>   Gtel Mobile sắp công bố thương hiệu thay thế Beeline (08/09/2012)

>   Bi hài chuyện bán doanh nghiệp (08/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật