Chủ Nhật, 09/09/2012 22:45

Gạo Việt “chảy” sang Thái Lan

Hơn một tháng nay, một lượng gạo của Việt Nam được thương lái chuyển bán cho thương nhân Thái Lan thông qua đường Campuchia.

Gạo Việt Nam chảy sang Thái Lan bằng đường tiểu ngạch
Gạo Việt Nam chảy sang Thái Lan bằng đường tiểu ngạch

Cho dù hiện nay giá lúa gạo trong nước đã tăng khoảng 1.000 đồng/kg nhưng hằng ngày gạo vẫn tiếp tục xuất bán qua khu vực Campuchia, rồi chuyển sang Thái Lan. Thông tin này được đưa ra tại buổi họp của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức ngày 7-9 ở TPHCM về tình hình xuất khẩu gạo và tiêu thụ lúa gạo vụ hè thu.

Hết vụ hè thu vẫn gom để bán

Ông Nguyễn Văn Tiến, Tổng Giám đốc Công ty XNK An Giang, cho biết lượng gạo tại các tỉnh giáp ranh biên giới Tây Nam đẩy sang Campuchia để bán cho Thái Lan ít nhất cũng lên đến 400.000 tấn trong một tháng qua. Lúc giá gạo nguyên liệu loại 5% tấm xuống còn 8.500 đồng/kg, họ đưa mạnh sang Campuchia qua biên giới Tịnh Biên - An Giang. Tại cảng Mỹ Thới (An Giang), qua thống kê cũng có đến 570.000 tấn gạo xuống tàu, trong đó chỉ có khoảng 100.000 tấn là để xuất khẩu chính ngạch. “Nay cho dù đã hết vụ hè thu nhưng họ vẫn cố gom gạo để mang bán sang Thái Lan”- ông Tiến nói.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cho biết gạo sau khi sang Campuchia đều đi thẳng sang Thái Lan. Cao điểm có ngày tại An Giang xuất bán qua Campuchia đến 5.000 tấn gạo (chưa tính khu vực Đồng Tháp, Long An). Còn khu vực phía Bắc, thương nhân Trung Quốc thuê xe vào tận thôn xóm để mua lúa gạo chở thẳng về nước.

Lượng gạo thế giới tồn kho còn lớn

Theo ông Trương Thanh Phong, tình hình xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm sẽ tốt, không như hồi đầu năm phải khó khăn tìm kiếm hợp đồng. Tháng 7 và tháng 8, các doanh nghiệp trong nước đã ký nhiều hợp đồng xuất khẩu với số lượng 1,7 triệu tấn. Các nước châu Phi cũng đã ký mua của Việt Nam 1,6 triệu tấn gạo. Sắp tới, Indonesia sẽ quay lại thị trường sớm hơn và Philippines cũng tăng cường nhập khẩu. Trung Quốc cũng tiếp tục nhập khẩu gạo vì giá nội địa của họ khá cao.

Hạn hán nặng đã khiến sản lượng lương thực của Mỹ và Nga giảm nên hạn chế xuất khẩu. Nga cũng đang xem xét hạn chế xuất khẩu các loại hạt, nếu điều này xảy ra sẽ tác động lên thị trường gạo thế giới. Ông Phong cũng cho biết tồn kho của Thái Lan hiện nay lên đến 11 triệu tấn gạo. Thái Lan tuyên bố bán ra 3 triệu tấn gạo nhưng chỉ bán được 230.000 tấn với mức giá cao. Ấn Độ cũng đang tồn kho 28 triệu tấn gạo cần bán ra vì sắp vào vụ mới. Theo Bộ NN-PTNT, lượng gạo hàng hóa của Việt Nam có thể xuất khẩu năm 2012 khoảng 8,3 triệu tấn (gồm 7,2 triệu tấn thu hoạch trong năm và hàng tồn kho năm 2011 chuyển sang 1,1 triệu tấn).

Gạo đang bị đầu cơ

Theo VFA, do giá gạo thế giới tăng cũng như nguồn cung trong nước không còn nhiều nên dẫn đến tình trạng găm hàng đầu cơ. Các nhà máy xay xát vẫn còn chứa lúa gạo đầy kho. Thương lái cũng tranh thủ găm hàng để đẩy giá lên. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành xây dựng, tàu bè… cũng nhảy vào thu gom gạo chất đầy kho để chờ giá lên, gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.


Nguyễn Hải

Người lao động

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu gạo tăng trở lại (09/09/2012)

>   Đường nhập lậu tung hoành (08/09/2012)

>   Nestle muốn tăng 5 lần lượng mua cà phê Việt Nam (08/09/2012)

>   Kiến nghị giảm thuế, phí cho người trồng lúa (07/09/2012)

>   Thương lái nước ngoài mua nông sản lén lút, bí mật (07/09/2012)

>   Trung Quốc tăng mua gạo Việt Nam (07/09/2012)

>   Giá gạo Việt Nam tăng do nông dân găm hàng (06/09/2012)

>   Giao dịch cà phê trầm lắng trước thềm vụ thu hoạch mới (05/09/2012)

>   Thái Lan chi thêm 13 tỷ USD mua lúa gạo tạm trữ (05/09/2012)

>   Vị trí số 1 thế giới: Doanh số và chất lượng (05/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật