Thứ Bảy, 22/09/2012 10:46

Điểm mặt cổ phiếu sắp niêm yết

Trong lúc nhiều DN muốn rời sàn hoặc tạm hoãn lên sàn, thì một số DN vẫn triển khai kế hoạch niêm yết. Đây là những gương mặt như thế nào?

Điểm mặt

Mới đây, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đã chấp thuận niêm yết cho CTCP Luyện kim Phú Thịnh (mã PTK) và CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (mã AGM). Chấp thuận này có hiệu lực từ ngày 14/9/2012 và chỉ chờ hai DN chọn thời điểm để lên sàn.

Trước đó, ngày 12/9/2012, 40 triệu cổ phiếu của CTCP Đầu tư hạ tầng bất động sản Sài Gòn (SII) đã niêm yết trên HOSE. Đây là công ty có thâm niên hoạt động 8 năm, đang kinh doanh chính trong lĩnh vực hạ tầng môi trường.

Tính từ đầu năm 2012 đến nay, HOSE đã đón nhận những thành viên mới như Fecon (FCN), GAS, DRL… Tuy nhiên, lãnh đạo HOSE thừa nhận, lượng niêm yết mới khá khiêm tốn, chỉ bằng 1/3 so với năm ngoái. Năm ngoái, HOSE đón nhận khoảng 30 DN mới niêm yết. Còn năm 2010, số DN niêm yết mới là gần 80 DN.

Tại Sở GDCK Hà Nội (HNX), từ đầu năm đến nay có 8 DN niêm yết mới. Đó là VE8, VPC, DHL, CTX, ASA, LAS, KHL, AMS. Số lượng niêm yết mới này giảm mạnh so với con số 29 DN niêm yết mới trong năm 2011 và 113 DN trong năm 2010.

TTCK đang chờ đợi thêm những gương mặt mới như BIDV, Bảo vệ thực vật An Giang… Tuy nhiên, do thực tế nhiều hồ sơ đăng ký niêm yết từ năm 2010 như Ôtô Trường Hải đến nay vẫn chưa có động tĩnh hay một số DN như Tín Nghĩa (TIP), Mediplantex (MED) quyết định hoãn niêm yết dù đã được chấp thuận, nên khó có thể kỳ vọng BIDV hay những DN đã nộp hồ sơ sẽ niêm yết ngay trong năm nay.

Diễn biến này cộng với bối cảnh TTCK không thuận lợi cho giao dịch cổ phiếu càng khiến quyết định lên sàn của một số DN được đánh giá là “dũng cảm” và đáng chú ý.

Tìm gương mặt sáng

Ngoại trừ Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS) và CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS), đa số DN mới niêm yết gần đây có quy mô vốn không lớn như SII có quy mô vốn 400 tỷ đồng, CTX 263,5 tỷ đồng, PTK 216 tỷ đồng, AGM 182 tỷ đồng, Thủy điện - Điện lực 3 (DRL) 95 tỷ đồng. Thậm chí, AMC có vốn là 28,5 tỷ đồng, VE8 có vốn 18 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều DN niêm yết mới hoạt động trong những ngành khá đặc thù. Chẳng hạn, AGM là DN chuyên xuất khẩu gạo, PTK hoạt động trong lĩnh vực luyện kim, FCN có lĩnh vực hoạt động chính là nền móng cọc, DRL chuyên về thủy điện…

Kết quả kinh doanh của các DN này khá ấn tượng. Theo báo cáo tài chính của FCN, 6 tháng đầu năm 2012, doanh thu đạt 501,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 49,3 tỷ đồng. Với kết quả này, FCN đã đạt được hơn 50% kế hoạch năm. Tính ra, lợi nhuận sau thuế/vốn điều lệ của FCN là 35,7%. Ở DRL, 6 tháng đầu năm 2012, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế/vốn điều lệ là 20% và bằng 58,8% doanh thu. Đối với GAS, ngay sau khi niêm yết (21/5/2012), Công ty không chỉ dẫn đầu thị trường về quy mô vốn, mà còn trở thành DN giữ vị trí quán quân về doanh thu, lợi nhuận. Tương tự, trong 6 tháng đầu năm 2012, lợi nhuận sau thuế của LAS đạt 260 tỷ đồng, hoàn thành 91% kế hoạch lợi nhuận năm.

Đáng chú ý là tiềm năng của các cổ phiếu mới lên sàn. Chẳng hạn, SII có một công ty con là CTCP Kỹ thuật ENVIRO do SII nắm giữ 85% vốn điều lệ và hai công ty liên kết gồm: CTCP Đầu tư và Xây dựng cầu đường Bình Triệu (SII nắm 48,19% vốn điều lệ) và CTCP Đầu tư và Phát triển xây dựng Ninh Thuận (SII nắm 26% vốn điều lệ). Ngoài ra, do cổ đông lớn nhất đang nắm 37% vốn của SII là CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII), nên SII có nhiều hợp tác, quyền lợi trong cơ cấu sở hữu này. Chẳng hạn, trong lĩnh vực hạ tầng, SII được hưởng 49% quyền thu phí ở tuyến đường Điện Biên Phủ và Kinh Dương Vương. SII có 40% vốn đầu tư trong Dự án Diamond Riverside (với cả 2 phía góp là CII và NBB), 25% vốn ở Dự án Cao ốc Lữ Gia.

Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc FCN cho biết, ngành hướng đến của FCN là công trình ngầm - một ngành đặc thù, ít đơn vị dám tham gia, nhưng FCN có cơ sở, đã và đang chuẩn bị. Nếu thành công, FCN sẽ có tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao.

Có thể không phải DN nào lên sàn gần đây cũng hấp dẫn, nhưng một khi DN dám lên sàn ở thời điểm này, để khẳng định sự trưởng thành của DN, tạo tính thanh khoản cho cổ phiếu, tìm kiếm cơ hội gọi vốn, thì rõ ràng DN đó có sự tự tin. Họ tin cổ phiếu của họ sẽ được NĐT nhìn nhận đúng và giá cổ phiếu của DN sẽ không biến động quá nhiều trước đà suy giảm chung.

Ngọc Thủy

ĐTCK

Các tin tức khác

>   Ngân hàng khó niêm yết vì nợ xấu (21/09/2012)

>   C32: 30/11 chính thức giao dịch 11.2 triệu cp (21/09/2012)

>   HDG: 01/10 iêm yết bổ sung 10 triệu cổ phần (21/09/2012)

>   C32: Bản cáo bạch niêm yết tại HOSE (21/09/2012)

>   C32 hủy giao dịch trên UPCoM từ 26/11 (20/09/2012)

>   DLG: Niêm yết bổ sung hơn 31.8 triệu cổ phiếu (20/09/2012)

>   SPI: 26/09 bắt đầu giao dịch 2.5 triệu cổ phiếu tại HNX (20/09/2012)

>   PTK: 4 năm vốn điều lệ tăng gấp 4 lần (19/09/2012)

>   Thông tư 26: Ngân hàng nhỏ hẹp cửa lên sàn (19/09/2012)

>   HDG: Niêm yết bổ sung 10 triệu cổ phiếu (18/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật