Chủ Nhật, 30/09/2012 14:29

Để thắng trên cả sân nhà và sân người

Kinh tế Việt Nam đã có độ mở khá  rộng. Tuy nhiên, cần tăng độ sâu và nâng cao chất lượng độ mở của nền kinh tế, để tránh “thắng ít trên sân người, thua nhiều trên sân nhà”.

Độ mở về vốn đầu tư

Vốn đầu tư nước ngoài có từ nhiều nguồn, bao gồm vốn đầu tư trực tiếp (FDI), vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

Tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện qua các thời kỳ như sau:

TỶ TRỌNG VỐN FDI QUA CÁC THỜI KỲ (%)
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nếu tính cả lượng vốn ODA thực hiện, thì tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên trên 30%, thời kỳ đỉnh điểm lên đến trên dưới 40%.

FDI đăng ký tính đến 20/9/2012 đạt 239,4 tỷ USD, còn hiệu lực 208,6 tỷ USD, thực hiện khoảng 97 tỷ USD. Khu vực FDI không chỉ đóng góp tỷ trọng khá về vốn đầu tư mà còn góp phần giải quyết việc làm cho 3,4% tổng số lao động, đóng góp gần 19% GDP, chiếm trên dưới 43% giá trị sản xuất theo giá thực tế.

Tuy nhiên, khu vực FDI có hiệu quả đầu tư chưa cao, do chưa phải là công nghệ nguồn, cũng mang nặng tính gia công lắp ráp; kỳ vọng vào việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ còn hạn chế; hiện tượng chuyển giá khá phổ biến; có nhiều mặt cũng phải “tái cấu trúc” theo chất lượng và phù hợp với từng loại dự án. Có thể tạm thời phân làm 5 loại dự án như sau:

(1) Đối với loại dự án nhằm khai thác lợi thế giá nhân công rẻ, thì cần khuyến khích trong điều kiện hiện nay Việt Nam có nguồn lao động dồi dào; nhưng cần có pháp luật rõ ràng hơn về tiền lương, về đình công,… (2) Đối với loại dự án đầu tư nhằm khai thác nguồn tài nguyên, thì cần có sự chọn lọc, cần hạn chế trong nội địa, gia tăng ở ngoài khơi theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa.

Tỷ lệ xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ/GDP của Việt Nam đã tăng gần như liên tục qua các năm.

(3) Đối với loại dự án đầu tư nhằm khai thác thị trường Việt Nam để tận dụng dung lượng lớn và tăng lên, nếu là thị trường sản xuất (chuỗi giá trị sản xuất, công nghiệp phụ trợ…) thì cần khuyến khích; nếu là thị trường tiêu dùng thì cần chọn lọc, cần định hướng cho xuất khẩu là chủ yếu. (4) Đối với loại dự án đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, một mặt cần mở rộng cửa theo cam kết WTO; mặt khác cũng cần cân nhắc các lĩnh vực đầu tư để tránh tạo thành bong bóng do đầu cơ. (5) Đối với loại dự án nhằm khai thác các kẽ hở hoặc sự lỏng lẻo của chính sách, nhất là về chuyển giá, môi trường, lao động… thì cần soát xét, bổ sung các chính sách chặt chẽ hơn.

ODA tính từ 1993 đến cuối 2011 đã có trên 68,8 tỷ USD cam kết, trên 44,8 tỷ USD ký kết và tính đến nay đạt khoảng 35,2 tỷ USD giải ngân, trong đó 9 tháng đạt 2,88 tỷ USD. Đối với vốn ODA thì vấn đề đặt ra là cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đã cam kết, ký kết, để tranh thủ thời gian ân hạn; phân rõ trách nhiệm trong việc cung cấp vốn đối ứng, trách nhiệm quản lý, trách nhiệm trả nợ, tránh ỷ vào ngân sách nhà nước, vào Chính phủ. Nâng cao hiệu quả đầu tư trên cơ sở đẩy nhanh tiến độ thi công, quản lý chặt chẽ để giảm thiểu lãng phí, thất thoát và hoạt động dự án hoàn thành là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm để tránh gánh nặng nợ nần sau này.

Độ mở về thương mại

Độ mở về thương mại bao gồm độ mở về  xuất nhập khẩu hàng hóa và độ mở về xuất nhập khẩu dịch vụ. Độ mở này được thể hiện ở tỷ lệ giữa tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu so với GDP. Tỷ lệ này qua các năm như sau.

XUẤT VÀ NHẬP KHẨU HÀNG HÓA VÀ DỊCH VỤ/GDP QUA CÁC NĂM (%)
Nguồn số liệu: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê

Từ các số liệu trên có thể rút ra một số nhận xét đáng lưu ý.

Một, tỷ lệ xuất  nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ/GDP của Việt Nam đã tăng gần như liên tục qua các năm. Trong 9 tháng 2012, xuất khẩu hàng hoá/GDP đạt khoảng 89,2%, cao hơn tỷ lệ 80,8% cả năm của năm 2011.

Hai, tỷ lệ xuất  nhập khẩu/GDP của Việt Nam thuộc loại khá cao. Để so sánh được, lấy năm 2010, thì tỷ lệ của Việt Nam đứng thứ 3 ở khu vực ASEAN (sau tỷ lệ 394,1% của Singapore và 176,8% của Malaysia, cao hơn tỷ lệ 135,2% của Thái Lan, 71,4% của Philippines, 47,6% của Indonesia). Tỷ lệ này của Việt Nam cũng cao hơn tỷ lệ 29,3% của Nhật Bản, 46,3% của Ấn Độ, 56% của CHND Trung Hoa, 102% của Hàn Quốc.

Ba, tỷ lệ xuất  nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ/GDP của Việt Nam cao và tăng nhanh do tổng kim ngạch xuất  nhập khẩu tăng nhanh hơn tốc độ tăng GDP tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái trong thời gian tương ứng. Năm 2011 so với năm 2005, nếu GDP tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái cao gấp 2,28 lần (bình quân 1 năm tăng 14,8%), thì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đã cao gấp 2,88 lần (bình quân 1 năm tăng 19,3%).

Tuy có độ mở rộng, nhưng hạn chế, bất cập lớn là trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Việt Nam ở vị thế nhập siêu kéo dài với quy mô lớn và nhập siêu cả về hàng hóa, cả về dịch vụ. Từ năm 2011 đến nay, nhập siêu hàng hóa tuy đã giảm, nhưng có một phần do tăng trưởng kinh tế bị sụt giảm, nhu cầu đầu tư, tiêu dùng co lại. Nhập siêu hàng hóa chủ yếu do cơ cấu sản xuất còn mang nặng tính gia công, công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển. Nhập siêu chủ yếu đối với Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan. Nhập khẩu thiết bị- công nghệ chưa phải là công nghệ nguồn, ham giá rẻ nên sẽ bị thua trong cạnh tranh về lâu dài. Tỷ lệ nhập siêu dịch vụ cao và tăng lên.

Có hai vấn đề đặt ra trong xuất khẩu dịch vụ. Các doanh nghiệp của Việt Nam còn “buông” (hay chưa dám, chưa giành lại được) xuất khẩu dịch vụ vận tải cho các doanh nghiệp nước ngoài (về lĩnh vực này năm 2011 Việt Nam xuất khẩu 2,51 tỷ USD, nhưng nhập khẩu lên tới 8,23 tỷ USD). Xuất khẩu dịch vụ tài chính, dịch vụ bảo hiểm có quy mô nhỏ, chiếm tỷ trọng thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ. Như vậy, cần quan tâm đến xuất khẩu dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực nói trên.

Độ mở rộng của nền kinh tế bên cạnh những tác động tích cực đến thu hút nguồn vốn, đổi mới thiết bị, kỹ thuật- công nghệ, nâng cao trình độ quản lý, nâng cao tay nghề cho người lao động, giải quyết việc làm…, nhưng cũng là một thách thức, bởi mỗi biến động trên thị trường thế giới đã tác động rất nhanh, rất mạnh, rất rộng, rất sâu đến thị trường trong nước. Tình hình đó đòi hỏi Nhà nước phải nâng cao năng lực dự báo và khả năng phản ứng chính sách nhằm hạn chế những tác động xấu đến nền kinh tế trong nước; nếu kinh tế vĩ mô ở trong nước có những bất ổn thì tạo nên lực “cộng hưởng”, mà lực “cộng hưởng” thường lớn hơn lực đơn...

Cũng cần chú ý, kinh tế thị trường và toàn cầu hóa cũng làm cho một bộ phận dân cư dễ bị tổn thương, làm gia tăng chênh lệch giàu nghèo; có một bộ phận dân cư dễ “sùng hàng ngoại”, hàng hiếm mới sản xuất, thậm chí đã xuất hiện một số người “ăn chơi sớm”. Nhà nước cần có các chính sách đúng đắn, sử dụng những công cụ điều tiết nhằm khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường và quá trình toàn cầu hoá, bảo đảm tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội.

Một điểm khác cần lưu ý là độ mở mới chủ yếu là về bề rộng, để có độ sâu, chất lượng thì còn phải có hiệu quả, sức cạnh tranh, ở năng suất lao động tăng nhanh hơn, để tránh “thắng ít trên sân người” (mà chủ yếu là do giá nhân công rẻ, do tài nguyên hoặc do một số loại giá, phí chưa tính đủ) và “thua nhiều trên sân nhà”.

Minh Ngọc

Chính phủ

Các tin tức khác

>   Vinafood 2 sẽ thoái vốn các lĩnh vực ngoài ngành (30/09/2012)

>   DN ngoại “nuốt” cảng Việt Nam: Nguy cơ có thật (30/09/2012)

>   Đồng tiền thời khốn khó: Vì đâu nên nỗi… (30/09/2012)

>   Theo dấu những con tàu nợ nần (29/09/2012)

>   Bộ GTVT sẵn sàng quản lý Vinashin, Vinalines (29/09/2012)

>   Chưa có kết luận cuối cùng về vụ chìm tàu Vinalines Queen (29/09/2012)

>   Ngành xi măng thoát nợ, cách nào? (29/09/2012)

>   Xuất siêu: Chớ vội mừng (29/09/2012)

>   Điện, than: Khởi động sóng tăng giá cuối năm? (29/09/2012)

>   Xuất khẩu "nghẽn" vì tăng chi phí đầu vào (28/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật