Thứ Hai, 24/09/2012 11:06

Cổ phần hóa DNNN: Bó chân vì ôm đồm

Thay đổi các điều kiện môi trường kinh doanh bên ngoài theo hướng áp đặt đầy đủ kỷ luật và nguyên tắc thị trường, buộc doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng như các doanh nghiệp khác đang là phần đường dành cho khu vực doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, nếu từng doanh nghiệp chậm “chuyển làn”, kế hoạch nâng tăng hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ ảnh hưởng.

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Tham vọng vừa muốn lợi nhuận, vừa muốn thanh sạch khu vực doanh nghiệp nhà nước, vừa đạt tiến độ đang bó chân các kế hoạch cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Lại chậm?

Cách đây 5 năm, ông Phạm Đình Đoàn, Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái đã từng tâm sự về mong muốn trở thành cổ đông của Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) nếu như doanh nghiệp này được phép thực hiện cổ phần hoá.

Có hai lý do tạo nên sự hấp dẫn của Hapro. Một là, đây là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thương mại của Hà Nội. Hai là, Hapro đang nắm giữ hàng trăm điểm bán lẻ lớn nhỏ ở các vị trí vàng của Thủ đô.

Hơn thế, với ngành nghề lĩnh vực đang kinh doanh là phân phối, bán lẻ, dịch vụ ăn uống, lữ hành, đầu tư hạ tầng thương mại, dịch vụ..., Hapro không thuộc nhóm doanh nghiệp nhất thiết phải duy trì mô hình doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Tuy nhiên, trong Điều lệ tổ chức và hoạt động của Hapro vừa được UBND TP. Hà Nội phê duyệt vào tháng 8 vừa rồi, thì UBND TP. Hà Nội sẽ là chủ sở hữu của Hapro, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với tổng công ty đang hoạt động theo mô hình trách nhiệm hữu hạn một thành viên này. Cơ hội để các nhà đầu tư muốn tham gia vào doanh nghiệp này sẽ tiếp tục lui lại.

Không chỉ riêng với Hapro, kế hoạch cổ phần hoá doanh nghiệp của Hà Nội năm nay có vẻ tiến triển chậm. Cho tới thời điểm này, theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, Hà Nội vẫn chưa trình duyệt phương án cổ phần hoá cho các doanh nghiệp nhà nước thuộc trách nhiệm của mình. Như vậy, 7 doanh nghiệp Hà Nội trong danh sách 93 doanh nghiệp cổ phần hoá trong kế hoạch năm 2012 mà Bộ Tài chính công bố hồi tháng 6/2012 rất khó về đích đúng hạn.

Phải nhắc lại rằng, khi có danh sách 93 doanh nghiệp cổ phần hoá năm 2012, nghi ngại về tiến độ đã được đặt ra. Bởi cả năm 2011 và 5 tháng đầu năm 2012, số doanh nghiệp hoàn tất cổ phần hoá chỉ ở con số 6. Ngay cả với tiến độ cổ phần hoá Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vốn được kỳ vọng sẽ hoàn tất sớm do có sự chuẩn bị từ trước và quyết tâm lớn từ lãnh đạo của Tập đoàn này, song đại diện Bộ Công thương thừa nhận, khó hoàn thành trong năm 2012.

Lỗi tại thị trường

Lâu nay, lý do được vận dụng nhiều nhất để giải thích cho những chậm trễ trong cổ phần hoá là thị truờng chứng khoán sụt giảm, suy giảm kinh tế, nhà đầu tư bị hạn chế nguồn tài chính…

Thêm nữa, đối tượng cổ phần hoá giai đoạn này chủ yếu là doanh nghiệp quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, nhiều tầng nấc, nên thời gian để hoàn thành cổ phần hoá sẽ khó có thể nhanh được.

Song, nhìn lại tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước 5 năm trở lại đây đều thấy, chậm là căn bệnh mãn tính. Đơn cử, số lượng doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá giai đoạn 2007-2010 chỉ đạt 30% trong số 900 doanh nghiệp thuộc danh sách cổ phần hoá. Cũng phải nói thêm, thời điểm năm 2007, thị trường chứng khoán vẫn đang trong kỳ sáng lạn.

Ngay trong các doanh nghiệp đã cổ phần hoá, số doanh nghiệp không cần nhà nước nắm giữ chi phối nhưng vẫn giữ tỷ lệ vốn nhà nước trên 51% còn lớn.

Trong Dự thảo Đề án Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì xây dựng – Đề án) vừa được Chính phủ họp bàn, các chuyên gia đã thẳng thắn chỉ ra rằng, việc sắp xếp lại doanh nghiệp theo mục tiêu tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt và địa bàn tập trung chỉ đạt được mức độ hạn chế.

Thử điểm sự có mặt của các doanh nghiệp nhà nước trong các ngành, lĩnh vực để thấy sự hiện diện rộng khắp của khu vực doanh nghiệp này trong nền kinh tế. Trong số 1.039 doanh nghiệp 100% sở hữu nhà nước, có 29% doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, thuỷ lợi, thuỷ nông; 19% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp; 10% doanh nghiệp giao thông, vận tải và 9% doanh nghiệp xây dựng. Đặc biệt, có tới 36% doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, ngành không nhất thiết cần sự tham gia của vốn nhà nước.

Như nhận định của nhóm xây dựng Dự thảo Đề án, thì chức năng kinh doanh của nhà nước vẫn còn lớn. Điều này có nghĩa là, sự chậm trễ trong tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước thời gian vừa qua không thể đổ hết lỗi cho thị trường.

Sòng phẳng lựa chọn ưu tiên

Đương nhiên, sự trì trệ của thị trường tác động rất mạnh tới tiến độ cổ phần hoá của doanh nghiệp. Trong năm ngoái, một số kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) bất thành vì không bán được tỷ lệ cổ phần theo quy định.

Song, phân tích nguyên nhân sâu xa, các chuyên gia xây dựng Đề án cho rằng, cơ chế chính sách cổ phần hoá hiện còn khá bất cập.

Tạm chưa tính tới tỷ lệ nợ xấu cao trong nhiều doanh nghiệp nhà nước đang làm khó các phương án cổ phần hoá, thì cơ chế định giá, nhất là phương pháp xác định giá khởi điểm chưa phù hợp, thường quá cao so với giá trị doanh nghiệp, tạo cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm làm thất thoát tài sản nhà nước khi thị trường chứng khoán sụt giảm.

Thứ hai, chưa có hướng dẫn để thực hiện xác định quyền sử dụng dất, tính toán giá trị lợi thế, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược… dẫn tới phải xin ý kiến của nhiều cấp có thẩm quyền.

Thứ ba, do chính tầng nấc hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nên xảy ra trường hợp, tổng công ty có ngành nghề, lĩnh vực thuộc diện cổ phần hoá, nhưng một số đơn vị thành viên lại hoạt động trong ngành, lĩnh vực nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ...

Đó là chưa kể tới cách tiến hành cổ phần hoá các công ty thành viên trước rồi mới cổ phần hoá công ty mẹ đang khiến mô hình công ty mẹ - con ở nhiều tập đoàn, tổng công ty có thể bị phá vỡ khi công ty con không thuộc diện nhà nước nắm giữ cổ phần...

Có thể đây là những lý do chính khiến doanh nghiệp dù thuộc diện cổ phần hoá nhưng chưa được chủ sở hữu đưa vào danh sách, hoặc đã có trong danh sách nhưng vẫn duy trì sở hữu nhà nước ở mức cao... Thậm chí, nhiều doanh nghiệp được yêu cầu bán tiếp cổ phần để giảm mức sở hữu nhà nước xuống dưới 51% nhưng không thực hiện...

Dường như vướng mắc đang nằm ở chỗ lựa chọn mục tiêu ưu tiên cho hoạt động cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, lợi nhuận của một vài thương vụ hay lợi ích chung mà hoạt động cổ phần hoá sẽ đem lại cho cả nền kinh tế.


Ý kiến - nhận định

Không nên cứng nhắc đặt kế hoạch cổ phần hoá theo từng năm

Ông Nguyễn Trọng Dũng, Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ)

Đúng là nhiều doanh nghiệp đã vượt qua các quy trình phê duyệt phương án, rồi chọn thời điểm IPO, nhưng bị tắc khi ra thị trường vì không có người mua. Nhưng điều này không có nghĩa là không thể làm được. Thị trường đòi hỏi những doanh nghiệp hấp dẫn, có chất lượng mà mình đưa ra sản phẩm kém thì đương nhiên không có người quan tâm.

Hiệu quả cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước không đơn giản nhìn ở góc độ bán lúc nào, giá bao nhiêu mà phải dựa trên điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp. Lỗ lãi của một doanh nghiệp không thể tính theo một thương vụ, mà phải dựa trên tính toán hiệu quả kinh doanh dài hạn. Trong nhiều trường hợp, cắt lỗ để giảm thất thoát cũng là một cách bảo toàn vốn.

Tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ trong cổ phần hoá DNNN là không thoái vốn bằng mọi giá, bán tống, bán tháo để kịp tiến độ mà phải tính toán trên cơ sở lợi ích và trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp. Có thể doanh nghiệp chưa có tên trong danh sách cổ phần hoá năm nay, nếu có cổ đông chiến lược phù hợp thì thực hiện ngay...

Nguyên tắc được đưa ra là sẽ hoàn thành cổ phần hoá vào năm 2015 theo phương án Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng tuỳ điều kiện thị trường để thực hiện, không nhất thiết đặt cứng kế hoạch của từng năm.

Cổ phần hoá ngay doanh nghiệp nhà nước ngồi nhầm vai

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước là một bài toán khó, phải cân nhắc về mặt lợi ích. Khi thị trường xuống thấp, cộng với tình hình kinh doanh không hiệu quả, khả năng bán đi không được, hoặc có thể không được giá, thậm chí là lỗ nên tâm lý tiếc, thậm chí là sợ trách nhiệm vì bán lỗ, không đảm bảo trách nhiệm bảo toàn vốn, nên chưa muốn bán. Nhưng nhìn lại, khi thị trường lên “phơi phới”, có tâm lý không muốn bán vì nhỡ thị trường lên nữa.

Câu chuyện đặt ra ở đây là nếu muốn được cả thì sẽ không làm được việc gì, nhất là trong lúc nền kinh tế đang rất khó khăn. Lời giải là phải chọn được đâu là mục tiêu ưu tiên, mục tiêu cơ bản trong cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước để từ đó giải toả những lấn cấn.

Cụ thể, phải rành mạnh doanh nghiệp nhà nước đóng vai gì cho nền kinh tế, và từng doanh nghiệp nhà nước đã đóng đúng vai mà thị trường quy định chưa. Khi đó, xác định doanh nghiệp nào nhầm vai thì hiệu quả, lỗ lãi phải tính theo nguyên tắc thị trường để tiến hành các bước cổ phần hoá.

Những bất cập về cơ chế đang làm khó cổ phần hóa thì phải sửa ngay, không để luật do mình xây dựng lại bó chân mình. Vấn đề là việc sửa đổi phải được thuyết phục trên cơ sở minh bạch và lợi ích quốc gia.


Bảo Duy

đầu tư

Các tin tức khác

>   IPO Đông Trường Sơn: Đăng ký vượt xa dự kiến (18/09/2012)

>   Sức ép cổ phần hóa viễn thông không phải vì tiền! (17/09/2012)

>   Công ty MTV Sông Mã dự kiến IPO hơn 3 triệu cổ phiếu (17/09/2012)

>   Làm rõ sai phạm tại Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (31/08/2012)

>   Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Chậm chạp, bí lối ra (30/08/2012)

>   20/09 đấu giá 19 triệu cp Thủy điện ĐắkR’tih (28/08/2012)

>   Sắp sửa IPO gần 2.6 triệu cổ phiếu Đông Trường Sơn (28/08/2012)

>   Chưa cổ phần hóa Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu (27/08/2012)

>   Tiền thu từ cổ phần hóa đi đâu, về đâu? (18/08/2012)

>   Thêm áp lực cho IPO của Vietnam Airlines (13/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật