Thứ Bảy, 18/08/2012 14:49

Tiền thu từ cổ phần hóa đi đâu, về đâu?

Khoảng 55.000 tỉ đồng là số tiền mà Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, do Tổng công ty Đầu tư & Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý, thu được tính đến hết tháng 8-2011 theo Bộ Tài chính. Nếu cộng thêm khoảng 50.000 tỉ đồng từ các quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các tập đoàn, tổng công ty, thì số tiền thu được từ cổ phần hóa thực sự là con số khổng lồ.

Đây là nguồn lực đủ sức kích cầu cho nền kinh tế, góp phần giải quyết an sinh xã hội, tháo gỡ nhiều món nợ trong khối quốc doanh, kể cả trang trải những khoản lỗ của tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin hay Tổng công ty Hàng hải Vinalines. Thế nhưng việc sử dụng nguồn lực này thời gian qua chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Sự lãng quên một nguồn lực

Tiến trình cổ phần hóa bắt đầu từ đầu những năm 90, nhưng phải 10 năm sau đó, năm 2000 Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương (HTSXDNTW) mới ra đời. Ban đầu chỉ có những doanh nghiệp nhỏ cổ phần hóa, số tiền thu từ bán cổ phần chỉ đủ trả chi phí, thậm chí không đủ để hỗ trợ đào tạo lại, trợ cấp người lao động thôi việc. Khi Quỹ thành lập là thời điểm cổ phần hóa đã “vươn tay” tới những doanh nghiệp tầm trung, tiền thu từ bán cổ phần đã tới hàng trăm tỉ đồng.

Ba năm 2006-2008 cổ phần hóa trở nên “rầm rộ” với sự tham gia của những công ty tầm cỡ như Đạm Phú Mỹ, Bảo Việt, Vietcombank, Sabeco, Habeco… Không phải hàng trăm tỉ đồng nữa, mà là hàng ngàn tỉ đồng thặng dư từ IPO phải được nộp vào quỹ. Riêng Vietcombank đã nộp số thặng dư tới 9.000 tỉ đồng. Theo Kiểm toán nhà nước, đến 31-12-2008 Quỹ HTSXDNTW có số tiền 25.755 tỉ đồng.

Thoạt nhìn số dư trên của quỹ là lớn, nhưng nếu tính đầy đủ, nó còn khoảng cách xa với con số thật mà lẽ ra quỹ phải thu được. Mặc dù đã có qui định rõ ràng tiền thu từ cổ phần hóa phải nộp về quỹ trong khoảng thời gian nhất định, nhưng không ít doanh nghiệp chây ì, cố tình chiếm dụng vốn với vô vàn lý do khác nhau. Các tập đoàn, tổng công ty nơi có đơn vị thành viên chuyển đổi sở hữu, thậm chí các địa phương cũng tìm cách trì hoãn nộp số tiền có được từ cổ phần hóa. Mỗi tổng công ty, mỗi tập đoàn, mỗi địa phương đều có quỹ sắp xếp hỗ trợ cổ phần hóa riêng và thời kỳ cao điểm, số quỹ này không dưới 100.

Mỗi nơi một quỹ, nên việc sử dụng nguồn quỹ khác nhau là không tránh khỏi. Cho đến nay 50.000 tỉ đồng từ các quỹ của tập đoàn, tổng công ty đã được sử dụng hết để, theo báo cáo của những doanh nghiệp này, trợ cấp người lao động, đầu tư dự án, bổ sung vốn cho những doanh nghiệp nhà nước khác. Chẳng hạn Tập đoàn Điện lực EVN, theo Kiểm toán Nhà nước, đến cuối năm 2009 đã thu từ cổ phần hóa được 6.457 tỉ đồng, nhưng đã chuyển 5.700 tỉ đồng sang nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Tập đoàn Sông Đà, chỉ nguyên tiền thu từ bán bớt vốn nhà nước ở Công ty Sudico đã tới hàng ngàn tỉ đồng, đã sử dụng 340 tỉ đồng từ quỹ sắp xếp hỗ trợ cổ phần hóa không đúng mục đích. Hay như Tập đoàn Dầu khí đến tháng 7-2011 còn chưa thu hồi hết số tiền từ cổ phần hóa tại các đơn vị thành viên 1.922 tỉ đồng (gốc) và 185 tỉ đồng (lãi).

Khi giá bán được chú trọng hơn quản lý, sử dụng tiền thu được

Suốt gần hai thập niên cổ phần hóa, mối quan tâm hàng đầu của cơ quan quản lý, mà ở đây là Bộ Tài chính và các đơn vị chủ quản, là bán doanh nghiệp được bao nhiêu, với giá nào. Giá bán luôn ngự trị bởi nỗi ám ảnh nếu bán rẻ (mà không ai biết thế nào là giá rẻ) có thể làm thất thoát tài sản Nhà nước. Trong khi để cải cách khối quốc doanh đi vào chiều sâu, quản trị doanh nghiệp sau khi chuyển đổi sở hữu mới là vấn đề chính, lại ít được chú trọng. Đặc biệt sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa như thế nào để mang lại hiệu quả cho quốc gia đã gần như không được lưu tâm.

Thay bằng phải tập trung nguồn tiền thu từ cổ phần hóa về một mối và quản lý chặt chẽ, tiền đã nằm ở nhiều quỹ, nhiều nơi. Các tập đoàn, tổng công ty và một số địa phương đã tận dụng quỹ cho mục đích nội bộ, mà sự minh bạch là đáng ngờ. Có tập đoàn, tổng công ty đã sử dụng tiền từ quỹ để đầu tư ngoài ngành, đến nay vẫn chưa thu hồi được vốn. Chỉ đến khi Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm toán Quỹ HTSXDNTW, trong vòng 30 tháng sau đó, số dư của quỹ tăng gần 30.000 tỉ đồng. Nếu kiểm toán sớm hơn, tiền được thu vào quỹ có thể lớn hơn nhiều vì các tập đoàn, tổng công ty chưa kịp “nhanh tay” tiêu hết 50.000 tỉ đồng như vậy.

Chấn chỉnh

Cơ quan ngân khố, cuối cùng, đã không thể không đặt trọng tâm vào nguồn lực thu từ cổ phần hóa khi sắp tới đây tiến trình này sẽ phải tiến hành ở những tập đoàn chủ lực như bưu chính viễn thông, hàng không, tiếp tục ở lĩnh vực ngân hàng – tài chính, dầu khí, giao thông vận tải, khoáng sản, thực phẩm…

Trước hết khung pháp lý về quản lý, sử dụng nguồn tiền thu từ cổ phần hóa được toàn diện hóa bằng Quyết định 21/2012/QĐ-TTg ngày 10-5-2012 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế quản lý, sử dụng quỹ HTSXDNTW. Từ ngày 1-7-2012 quỹ được đổi tên thành Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Quyết định nêu rõ ngoài các nguồn thu truyền thống như các khoản thu khi cổ phần hóa (bán cổ phần, IPO), các khoản thu sau cổ phần hóa (cổ tức được chia), quỹ được bổ sung những khoản mới như thu từ lợi nhuận sau thuế và khoản chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ của các doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước đã được chủ sở hữu phê duyệt; khoản lãi tiền gửi ngân hàng của quỹ; khoản điều hòa từ quỹ hỗ trợ cổ phần hóa của các tập đoàn, tổng công ty…

Bên cạnh đó, quyết định yêu cầu 5 ngày sau khi chuyển đổi sở hữu, hoặc 5 ngày sau khi nhận cổ tức, doanh nghiệp phải nộp nguồn thu vào quỹ. Nếu chậm nộp trong vòng ba tháng phải tính lãi theo lãi suất cơ bản, còn từ tháng thứ 4 phải tính lãi phạt. Các khoản phạt này không được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Việc chi của quỹ cũng được chi tiết hóa. Quỹ được chi để hỗ trợ người lao động thôi việc, mất việc; giải quyết lao động dôi dư; đầu tư vào những doanh nghiệp đã cổ phần hóa nay tăng vốn để đảm bảo tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước; bổ sung vốn cho các doanh nghiệp khác; đầu tư vào các dự án quan trọng theo quyết định của Chính phủ…

Vấn đề mà dư luận chờ đợi ở đường đi của thu và chi của quỹ là sự minh bạch. SCIC được giao quản lý, sử dụng quỹ. Hàng tháng SCIC phải báo cáo về Bộ Tài chính các khoản vào, ra của quỹ. Quản lý số tiền hàng tỉ đô la Mỹ, quỹ cần được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập hàng năm và công khai hiện trạng tài chính.

Chỉ tiếc rằng khi các qui định chặt chẽ liên quan đến nguồn thu từ cổ phần hóa đi vào cuộc sống, thì tiến trình này lại đang diễn ra chậm chạp. Từ đầu năm đến nay số doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguồn thu cho quỹ, do đó, không nhiều, trong khi nhu cầu chi lại lớn. Giá như chúng ta sớm chú trọng, có chính sách quản lý kịp thời và thích hợp nguồn lực này, có lẽ số tiền thu từ cổ phần hóa đã có thể sinh sôi nảy nở. Đấy cũng là ý nghĩa thiết thực của cải cách doanh nghiệp nhà nước!

Hải Lý

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Thêm áp lực cho IPO của Vietnam Airlines (13/08/2012)

>   IPO Vietrans: Chỉ bán được 1% cổ phần được mua, giá bình quân 10,597 đồng/cp (03/08/2012)

>   IPO Vietrans: Chỉ có 1% cổ phần được đặt mua (31/07/2012)

>   Hủy đấu giá Công ty CP Xăng dầu Tín Nghĩa (19/07/2012)

>   Licogi sẽ cổ phần hóa trong 6 tháng cuối năm (11/07/2012)

>   Vietrans IPO 5.23 triệu cp, giá 10,500 đồng/cp (10/07/2012)

>   “Bể” kế hoạch cổ phần hóa 2012: Nguy cơ hiển hiện (03/07/2012)

>   26/07 đấu giá 6.4 triệu cổ phần Xăng dầu Tín Nghĩa  (03/07/2012)

>   Cổ phần hoá DN Nhà nước: Nhà đầu tư thiếu lòng tin (30/06/2012)

>   2012: Sẽ cổ phần hóa 93 doanh nghiệp nhà nước (22/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật