Chông chênh tái cấu trúc CTCK
Không có đơn vị đo lường chính xác được tổng rủi ro, không xác định được những số lũy kế thực, hai điểm tựa phân nhóm là vốn khả dụng trên tổng rủi ro và lỗ lũy kế/vốn điều lệ trong Đề án tái cấu trúc sẽ không bao giờ chính xác. Hệ quả là, công cụ này của Bộ Tài chính dễ dàng bị các CTCK vô hiệu hóa.
Gậy pháp lý chưa chắc
Một trong những mục tiêu chính của Đề án tái cấu trúc các công ty chứng khoán (CTCK) là từng bước thu hẹp số lượng các CTCK trên cơ sở nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực tài chính, quản trị DN và khả năng kiểm soát rủi ro của các CTCK. Cơ sở để thực hiện mục tiêu này là Thông tư 226/2010/TT-BTC. Tuy nhiên, theo chuyên gia chứng khoán Thông tư chưa đủ gánh vác vai trò này.
Khoản 4, Điều 14 của Thông tư quy định thời hạn kiểm soát đặc biệt tối đa 6 tháng, nếu CTCK không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt và có lỗ gộp vượt 50% vốn điều lệ thì bị đình chỉ hoạt động. Nhưng những giải pháp khắc phục mà Thông tư đưa ra cho các công ty bị kiểm soát đặc biệt, theo các chuyên gia, chỉ dành cho các CTCK mới gặp khó khăn. Bởi nếu có thể bán được tài sản, thu hồi nợ, cắt giảm chi phí, thu hẹp phạm vi hoạt động có lẽ họ thực hiện từ trước, chẳng để đến ngày rơi vào “danh sách đen”.
Các giải pháp khác như tăng vốn điều lệ, hợp nhất, sáp nhập với các CTCK khác cũng khó khả thi, nhất là trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Các công ty kinh doanh có lãi còn khó hút vốn, nói gì đến những CTCK thua lỗ, bị kiểm soát đặc biệt.
Chưa kể Thông tư chưa lường trước được những kịch bản có thể xảy ra trong thực tế, khiến các CTCK vẫn có thể kéo dài thời gian “tự cứu”. Ví như với những CTCK nằm trong dạng kiểm soát có thời hạn để “sửa mình” không chỉ tối đa là 1 năm, trong trường hợp xét thấy cần thiết, theo đề nghị của CTCK, UBCKNN kéo dài thời hạn kiểm soát thêm 6 tháng. Dự thảo sửa đổi Thông tư 226 cũng giữ nguyên quy định này. Ngay cả thời hạn kiểm soát đặc biệt tối đa 6 tháng dù được dự thảo sửa đổi Thông tư 226 đề nghị là 3 tháng, tuy nhiên, theo các chuyên gia, thời hạn như vậy vẫn quá dài. Và điều gì sẽ xảy ra khi các CTCK kéo dài sự sống bằng việc thoát khỏi nhóm kiểm soát đặc biệt, lên nhóm kiểm soát rồi lại quay lại kiểm soát đặc biệt.
Chuyên gia Phạm Kinh Luân cho rằng, các CTCK không đáp ứng được tiêu chí về tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro và lỗ lũy kế trên vốn điều lệ theo tiêu chuẩn nên bỏ vào cùng một “rổ”. Thời hạn kiểm soát không nên kéo quá dài thậm chí còn gia hạn như với nhóm kiểm soát hiện nay. Ông cho rằng quá thời hạn bị kiểm soát mà các CTCK vẫn không thể thăng hạng thì nên “bắn bỏ”.
Chưa kể, việc chấm dứt một CTCK nói thì dễ song hệ lụy của nó rất phức tạp. Rút giấy phép kinh doanh đồng nghĩa với việc chấm dứt tư cách pháp nhân của CTCK. Điều này rất dễ dẫn đến khiếu kiện của các chủ nợ với CTCK bị xóa sổ. Bởi các CTCK thường có mối quan hệ nợ nần phức tạp với các ngân hàng, đối tác, khách hàng. Nếu không giải quyết được dứt điểm việc này trước khi xóa sổ, chẳng khác nào giải thoát nghĩa vụ trả nợ của các CTCK.
Tốt xấu khó minh bạch
Theo đề án Tái cấu trúc CTCK của Bộ Tài chính, năm 2012 mới chỉ là giai đoạn phân nhóm và áp dụng các biện pháp theo nhóm, chặng đường tái cấu trúc các CTCK còn chờ đến năm 2013 với việc tăng cường năng lực quản trị, và hoạt động dựa trên 3 trụ cột chính: Quy định về mức độ đủ vốn; Quy định về hướng dẫn thông lệ khuôn khổ pháp lý quản trị rủi ro, đánh giá xếp hạng các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo thông lệ quốc tế từ đó phân loại và giám sát các tổ chức này.
Tuy nhiên, đích đến này còn xa khi những bất cập về chế độ tài chính thời gian qua mang tính hệ thống. Chuyên gia Phạm Kinh Luân phân giải, chỉ nói riêng về việc trích lập dự phòng rủi ro đối với hoạt động đầu tư tài chính mỗi CTCK một khác. Nếu như đối với chứng khoán niêm yết, người ta có thể xác định được giá trị giao dịch chính xác từng ngày thì với cổ phiếu trên thị trường tự do (OTC) việc không có đơn vị trung gian đứng ra làm cơ sở cung cấp các dữ liệu tổng hợp về thông tin giao dịch cổ phiếu OTC, khiến trong thời gian qua nhiều CTCK sử dụng khoản đầu tư OTC như một công cụ “xào nấu” báo cáo tài chính của mình.
Hay như với hoạt động cho vay kinh doanh chứng khoán (margin). Nếu hệ thống ngân hàng có một quy chuẩn về việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro cho từng khoản mục, thì với các CTCK tất cả đều phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của ban điều hành. Có CTCK thích trích nhiều để trốn thuế, song lại có những công ty trích lấy lệ hoặc không trích để làm đẹp báo cáo tài chính. Đây cũng chính là lý do nhiều nhà đầu tư (NĐT) bỗng té ngửa khi CTCK công bố lỗ vì phải trích lập khoản đầu tư này khoản đầu tư nọ. Trong khi đó, tỷ lệ trích lập dự phòng càng thấp càng cho thấy rủi ro phát sinh thêm các khoản lỗ càng cao. Hay như những khoản thu khác, và khoản nợ ngoại bảng, việc chưa có những quy định kế toán cụ thể về việc hạch toán, trích lập dự phòng rủi ro khiến cho các CTCK đánh lận con đen, che giấu UBCKNN, Sở giao dịch, NĐT.
Không có đơn vị đo lường chính xác được tổng rủi ro, không xác định được những số lũy kế thực, hai điểm tựa phân nhóm là vốn khả dụng trên tổng rủi ro và lỗ lũy kế/vốn điều lệ trong Đề án tái cấu trúc sẽ không bao giờ chính xác. Hệ quả là, công cụ này của Bộ Tài chính dễ dàng bị các CTCK vô hiệu hóa. Chưa kể những chế tài xử lý chưa mạnh khiến các CTCK nhờn mặt, sẵn sàng nộp phạt để không nộp những báo cáo tài chính theo quy định. Đơn cử như ngày 15/8 vừa qua được coi là thời điểm quan trọng trong quá trình tái cấu trúc các CTCK nhưng vẫn có CTCK nộp muộn. Danh sách các CTCK bị đưa vào tầm ngắm vẫn gần như không thay đổi.
Đây chính là lý do nhiều NĐT tin rằng có một bức tranh khác về năng lực các CTCK. Số thực của những CTCK bị kiểm soát đặc biệt thực chất sẽ còn nhiều hơn con số 7 như đã công bố. Chưa kể, trong những CTCK bị UBCKNN rút giấy phép nghiệp vụ môi giới, ẩn sau đó có phải là câu chuyện của những DN không còn an toàn tài chính.
Giảm bao nhiêu CTCK và bao nhiêu là đủ, câu trả lời phụ thuộc vào nhu cầu thị trường và năng lực thực của các CTCK. Tuy nhiên để làm được điều đó chuyên gia Phạm Kinh Luân cho rằng, cần phải sớm đưa ra bộ tiêu chuẩn về kế toán cho các CTCK. Đây sẽ là mắt lưới sàng lọc từ đó có những biện pháp hỗ trợ và tái cấu trúc.
Nhất Thanh
Thời báo ngân hàng
|