Thứ Năm, 13/09/2012 15:21

UBCK: Sẽ gỡ tắc cho phát hành riêng lẻ

UBCK khẳng định, nếu phát sinh vướng mắc, Bộ Tài chính và UBCK sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan gỡ khó cho DN.

Liên quan đến lo ngại của DN về nguy cơ tiếp tục “tắc” trong phát hành riêng lẻ, khi thực hiện theo Nghị định 58/2012 có hiệu lực từ ngày 15/9 tới, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) khẳng định, nếu phát sinh vướng mắc, Bộ Tài chính và UBCK sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan gỡ khó cho DN.

­Hai điểm mới

Sau khi Báo ĐTCK số 107 ra ngày 5/9/2012 đăng bài “Dấu hỏi về phát hành riêng lẻ”, đề cập đến những lo ngại của DN về nguy cơ các công ty chưa đại chúng tiếp tục “tắc” khi phát hành riêng lẻ, như đang gặp phải do bất cập của Nghị định 01/2010, ĐTCK tiếp tục nhận được một số thắc mắc của các DN về vấn đề này.

Cơ quan đăng ký kinh doanh không thể đưa ra lý do chưa có thông tư hướng dẫn để từ chối thụ lý hồ sơ tăng vốn của các công ty chưa đại chúng

Trả lời câu hỏi, Công ty A phát hành cổ phần để hoán đổi cổ phần của Công ty B (cả hai đều chưa là công ty đại chúng), nhằm sáp nhập Công ty B vào Công ty A, trong trường hợp này có được coi là phát hành riêng lẻ không, ông Bùi Hoàng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, UBCK cho biết, chào bán riêng lẻ bản chất là hành vi một bên chào bán cổ phần, bên còn lại sử dụng tiền để mua cổ phần đó. Bên bán thu được tiền từ đợt phát hành và sử dụng vào mục đích sản xuất - kinh doanh như phương án chào bán. Do vậy, hành vi phát hành cổ phần để hoán đổi cổ phần nhằm mục đích sáp nhập hai DN không được coi là phát hành riêng lẻ.

Trong trường hợp này, DN tiến hành thủ tục phát hành cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn liên quan. Nghĩa là DN cần có nghị quyết của ĐHCĐ thông qua việc phát hành cổ phần để hoán đổi cổ phần nhằm mục đích sáp nhập công ty. Sau đó, hồ sơ phát hành gửi đến cơ quan đăng ký kinh doanh để xử lý theo quy định.

Giải đáp thắc mắc của DN về trường hợp công ty cổ phần chưa đại chúng khi phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu, thì có được coi là phát hành riêng lẻ không; cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phần trong đợt phát hành có bị hạn chế chuyển nhượng như đối với trường hợp phát hành riêng lẻ quy định tại Nghị định 01 không; ông Hải cho rằng, trường hợp trên không được coi là phát hành riêng lẻ, mà là phát hành cho cổ đông hiệu hữu. Do vậy, DN tăng vốn thông qua nộp hồ sơ cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Bởi vậy, các cổ đông đương nhiên không bị hạn chế chuyển nhượng như quy định tại Nghị định 01.

Đại diện UBCK cho biết thêm, có hai điểm mới trong Nghị định 58 so với Nghị định 01. Thứ nhất là bỏ quy định nhà đầu tư bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần tối thiểu trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Thứ hai, bỏ ràng buộc các đợt chào bán riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 6 tháng.

“Với hai điểm mới này, khi Nghị định 58 có hiệu lực sẽ tạo điều kiện để DN linh hoạt, chủ động hơn khi tiến hành các đợt phát hành riêng lẻ. Đồng thời, tăng tính hấp dẫn cho phương án phát hành, qua đó giúp DN thu hút nhà đầu tư tham gia đợt phát hành hiệu quả hơn. Biện pháp này góp phần đảm bảo cho đợt phát hành riêng lẻ của DN có tỷ lệ thành công cao hơn...”, ông Hải cho hay.

Không đợi thông tư hướng dẫn

Trả lời câu hỏi khi Nghị định 58 có hiệu lực từ ngày 15/9 tới, thì DN được phép áp dụng các quy định mới về phát hành riêng lẻ luôn, hay phải đợi thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành, đại diện UBCK cho biết, tất cả nội dung về chào bán riêng lẻ đã được quy định chi tiết, đầy đủ trong Nghị định 58. Do văn bản này thay thế Nghị định 01, nên kể từ ngày 15/9 tới, khi Nghị định 58 có hiệu lực, thì các DN tiến hành chào bán riêng lẻ theo quy định mới, mà không phải chờ thông tư hướng dẫn.

Tuy nhiên, giải thích trên chưa thể làm yên lòng các công ty cổ phần chưa đại chúng. Theo các DN, điều này xuất phát từ lý do Nghị định 58 điều chỉnh hoạt động phát hành riêng lẻ của cả công ty cổ phần đại chúng và công ty chưa đại chúng, công ty TNHH. Trong khi trình tự, thủ tục phát hành riêng lẻ đối với các công ty đại chúng thực hiện qua UBCK, theo phản ánh của các DN, đã được quy định chi tiết và tiến hành khá thuận lợi, thì với quy định của Nghị định 58, nếu Bộ Kế hoạch và Đầu tư không có hướng dẫn chi tiết quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ phát hành riêng lẻ tại cơ quan đăng ký kinh doanh, thì vướng mắc cũ của Nghị định 01 có nguy cơ tái diễn khả năng cơ quan đăng ký kinh doanh tiếp tục nại lý do chưa có thông tư hướng dẫn để không thụ lý hồ sơ của DN.

Nguy cơ phát sinh bất cập trên, theo các DN, sẽ không tái diễn nếu Nghị định 58 chỉ quản lý hoạt động phát hành riêng lẻ của công ty cổ phần đại chúng, công ty niêm yết, ngân hàng thương mại cổ phần đại chúng, CTCK và quy định rõ hoạt động phát hành riêng lẻ của các công ty cổ phần chưa đại chúng, công ty TNHH… do DN?tự thực hiện theo các quy định của Luật Doanh nghiệp.

Với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo, ông Hải cho biết, quan điểm trên đã được Bộ Tài chính, UBCK cân nhắc, nhưng không nhận được sự thống nhất của các bộ, ngành. Lý do là bởi cách xử lý như vậy sẽ nảy sinh tình huống cùng là một hành vi phát hành riêng lẻ, nhưng phải xây dựng hai nghị định, trong đó một văn bản áp dụng cho công ty đại chúng, nghị định còn lại áp dụng cho các công ty chưa đại chúng. Điều này là không ổn, nên Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính soạn thảo một nghị định điều chỉnh hoạt động chào bán cổ phần riêng lẻ áp dụng cho cả công ty đại chúng và chưa đại chúng. Trong đó, quy định chi tiết điều kiện mà DN phải đáp ứng khi muốn phát hành riêng lẻ, làm rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, UBCK, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý khu kinh tế, khu chế xuất... trong việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ phát hành riêng lẻ cho DN.

Ông Hải cho biết thêm, về nguyên tắc, khi Nghị định 58 có hiệu lực, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý khu kinh tế... phải có trách nhiệm thụ lý hồ sơ tăng vốn của các công ty chưa đại chúng. Bởi vậy, cơ quan đăng ký kinh doanh không thể đưa ra lý do chưa có thông tư hướng dẫn để từ chối thụ lý hồ sơ tăng vốn của các công ty chưa đại chúng. Tuy nhiên, nếu tiếp tục nảy sinh tình huống này như khi thực hiện Nghị định 01, thì Bộ Tài chính, UBCK sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành văn bản hướng dẫn cơ quan đăng ký kinh doanh các nội dung liên quan đến giải quyết hồ sơ phát hành riêng lẻ cho các công ty chưa đại chúng. Điều này nhằm tạo thuận lợi hơn cho DN trong việc huy động vốn phát triển kinh doanh.

Hữu Đạo

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Nhiều công ty đại chúng đứng ngoài vòng kiểm soát của UBCK (13/09/2012)

>   CTCK 100% vốn ngoại: Chưa thể bắt đầu từ 15/9 (13/09/2012)

>   “Sẽ đổi hình thức thu thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán” (12/09/2012)

>   Tăng hậu kiểm “sức khỏe” tài chính CTCK (12/09/2012)

>   Thông tư hướng dẫn mua lại, bán cổ phiếu quỹ và phát hành thêm (11/09/2012)

>   UBCK chấn chỉnh các hoạt động về chứng khoán và TTCK (07/09/2012)

>   Từ 1/10, DN bảo hiểm phải công khai thông tin (07/09/2012)

>   Hoài nghi về "quyền giám sát” của các ban kiểm soát (06/09/2012)

>   Ban hành Quy chế phối hợp giám sát và xử lý vi phạm trên TTCK (05/09/2012)

>   UBCK "mạnh tay" với DN vi phạm công bố thông tin (05/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật