Thứ Ba, 04/09/2012 08:31

Chính sách kém, Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm?

Cần làm rõ trách nhiệm của các Bộ trưởng trong việc chỉ đạo, giám sát các đơn vị chức năng nghiêm túc sử dụng RIA.

Theo các chuyên gia, chất lượng văn bản pháp lý kém không chỉ khiến DN gặp nhiều rủi ro trong kinh doanh, mà còn phát sinh chi phí khó kiểm soát. Để dần khắc phục tình trạng này, cần sử dụng công cụ đánh giá tác động của văn bản pháp lý (RIA).

Chưa ráo mực đã phải sửa

Theo TS. Dương Thị Thanh Mai, Cố vấn cao cấp của Bộ Tư pháp, rất nhiều văn bản pháp lý ban hành chưa ráo mực đã phải sửa. Điều này không chỉ gây tốn kém chi phí xây dựng văn bản pháp lý, mà còn khiến đối tượng bị điều chỉnh gặp nhiều khó khăn trong tuân thủ pháp luật. Nguyên nhân của tình trạng này là tính công khai ngay từ khâu soạn thảo văn bản quy phạm chưa được đảm bảo; không thực hiện việc giải thích pháp luật… Một lý do nữa là tuy công cụ RIA đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn liên quan, nhưng RIA còn hình thức, chưa chuẩn theo thông lệ quốc tế.

“Một số báo cáo RIA là bản copy của thuyết minh về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Báo cáo RIA ‘nắn’ theo dự thảo, không phải dự thảo dựa trên báo cáo RIA như thông lệ quốc tế…”, bà Mai nói.

Tại hội thảo “RIA và cải thiện chất lượng pháp lý: kinh nghiệm quốc tế và các vấn đề thực tiễn ở Việt Nam”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức vừa diễn ra, ông Hayden Fenwick, Trưởng nhóm công tác về RIA của New Zealand chia sẻ, theo thông lệ quốc tế cũng như thực tiễn áp dụng tại New Zealand, thì sau khi có ý tưởng xây dựng một văn bản pháp lý, cơ quan soạn thảo phải sử dụng RIA để cân đong khả năng tác động của văn bản này đến các đối tượng bị điều chỉnh ra sao. Trên cơ sở đó mới bắt tay xây dựng dự thảo.

“Thế nhưng Việt Nam đang làm ngược. Nghĩa là sau khi dự thảo xong văn bản pháp lý, cơ quan soạn thảo mới xây dựng báo cáo RIA. Bởi vậy, việc sử dụng RIA mang tính hình thức, không phát huy ý nghĩa thực chất của công cụ này. Điều này giải thích tại sao khá nhiều văn bản pháp lý của Việt Nam chỉ một thời gian ngắn sau khi đi vào cuộc sống đã bộc lộ tính không khả thi, thậm chí tạo ra các rào cản phi lý cho người dân, DN…”, ông Hayden Fenwick phân tích.

Theo các chuyên gia, vì cơ quan soạn thảo văn bản pháp lý còn nặng tính hình thức, thậm chí có tâm lý đối phó khi sử dụng công cụ RIA, nên chất lượng văn bản pháp lý còn nhiều hạn chế: vừa ban hành xong đã phải sửa; một luật, nhưng có cả “rừng” văn bản hướng dẫn..., nên gây rất nhiều khó khăn cho người dân, DN trong quá trình tuân thủ luật. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, giai đoạn 2005 - 2009, trung bình 1 luật/pháp lệnh có 6 - 7 nghị định và 20 thông tư hướng dẫn. Cá biệt, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính có tới hơn 100 nghị định hướng dẫn…

Làm mới RIA theo hướng nào?

Ông Hayden Fenwick khuyến nghị, để dần khắc phục tình trạng ban hành văn bản pháp lý kém chất lượng, qua đó giúp DN giảm thiểu rủi ro, chi phí trong kinh doanh, Việt Nam nên bài bản hơn trong việc đưa ra các quy định và bắt buộc sử dụng RIA. Theo đó, RIA là một phần không thể thiếu trong quy trình soạn thảo văn bản pháp lý. Nếu cơ quan soạn thảo không tuân thủ thì phải chịu trách nhiệm. Trong đó, cần làm rõ trách nhiệm của Bộ trưởng với tư cách là người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản pháp lý.

Ủng hộ đề xuất này, TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, sắp tới khi sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cần “làm mới” RIA bằng cách luật hóa rõ ràng trách nhiệm của các Bộ trưởng, nếu xây dựng chính sách kém chất lượng. Cần coi đây như là một tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng lãnh đạo, điều hành của người đứng đầu các bộ, ngành. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, một khi sử dụng hiệu quả công cụ RIA, thì sẽ nâng cao được chất lượng của văn bản pháp lý. Bởi vậy, cũng cần làm rõ trách nhiệm của các Bộ trưởng trong việc chỉ đạo, giám sát các đơn vị chức năng nghiêm túc sử dụng RIA, để tránh tình trạng hình thức, đối phó như hiện tại.

Thực tế, môi trường kinh doanh bị chi phối mạnh bởi hệ thống văn bản pháp lý, nên theo bà Mai, việc ban hành văn bản pháp lý có chất lượng sẽ giúp DN giảm thiểu chi phí kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh. Điều này càng cho thấy tính cấp thiết của việc cần bổ sung những quy định có tính hệ thống, bắt buộc phải sử dụng RIA, để sớm triển khai trên thực tế. Theo đó, tất cả các văn bản quy phạm pháp luật phải thực hiện RIA; đánh giá đồng thời RIA của văn bản luật và RIA của văn bản hướng dẫn sau một thời gian thi hành. Báo cáo RIA phải được công khai cùng với dự thảo văn bản pháp lý để lấy ý kiến. Cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan soạn thảo báo cáo RIA, cũng như các cơ quan thẩm định, thẩm tra về sự tuân thủ và chất lượng báo cáo RIA.

Hữu Đạo

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Công bố báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2012 (03/09/2012)

>   CPI tháng 9 có thể tăng 0,4 - 0,5% (03/09/2012)

>   Đầu tư công 8 tháng đạt 125.000 tỉ đồng (03/09/2012)

>   FDI vẫn ngại y tế (02/09/2012)

>   Việt Nam vẫn hấp dẫn các công ty Mỹ (02/09/2012)

>   Điều hành kinh tế: Đã có sự thận trọng (31/08/2012)

>   Kinh tế Việt Nam: 67 năm qua các con số (31/08/2012)

>   Nền kinh tế như một cơ thể “thiếu máu” (31/08/2012)

>   Cựu Thống đốc kể chuyện giảm lạm phát từ 700% về 5% (31/08/2012)

>   CPI cả năm chỉ nên từ 7% đến 7,5% (31/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật