Thứ Sáu, 14/09/2012 16:16

Chỉ “cánh én ECB” không làm nên mùa xuân cho Eurozone

Quyết định tuần trước của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) về việc sẽ mua không giới hạn các trái phiếu chính phủ ở các thị trường sơ cấp là dũng cảm và cần thiết.

Ông Mario Draghi, Chủ tịch ECB, đáng được khen ngợi cho quyết định này vì đã vượt qua được sự phản đối “nặng ký” của Jens Weidmann, Thống đốc Ngân hàng trung ương Đức. Tiếc rằng, ECB đã không làm điều đó trước khi cuộc khủng hoảng nợ công lan sang Tây Ban Nha và Ý.

Tuy nhiên, cũng không nên đổ lỗi cho ECB. Mục tiêu của ngân hàng này là loại bỏ rủi ro tan rã eurozone trước áp lực từ các thị trường. Nhưng nó không thể một mình làm được việc đó. Đảm bảo sự sống còn của eurozone là một quyết định chính trị. ECB chỉ có thể tạo ảnh hưởng, chứ không quyết định được.

Lý do căn bản để chương trình “Giao dịch tiền tệ toàn bộ - OMTs” nói trên được thông qua là sự khéo léo. ECB khẳng định rằng, Ngân hàng không nhắm tới việc tài trợ cho các chính phủ gặp khó khăn, rằng đó chỉ là một tác dụng phụ.

Ở cuộc họp báo cuối tuần trước, ông Draghi đã tuyên bố: “Chúng tôi nhắm tới việc bảo vệ sự độc lập của các chính sách tiền tệ mà chúng tôi đưa ra và đảm bảo rằng, chúng được truyền dẫn một cách phù hợp tới nền kinh tế thực ở mọi nước trong khu vực. OMTs sẽ cho phép chúng tôi xử lý được những bóp méo dữ dội tại các thị trường trái phiếu chính phủ, mà nguyên nhân chính là sự sợ hãi vô căn cứ của một bộ phận nhà đầu tư đối với số phận của đồng euro”.

“Thực tế là có nhiều nơi thuộc khu vực đồng euro mà chúng tôi gọi là ‘cân bằng xấu’… Và cần có hành động can thiệp để ‘đập tan’ những suy nghĩ tiêu cực có thể khiến chúng lây lan ra phần còn lại”, Draghi lập luận.

Trong bản tư vấn số 4 cho eurozone đưa ra hồi tháng 7, các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phân tích rằng, dù được hưởng lãi suất chính sách thấp, nhưng những điều kiện tín dụng đang cực kỳ thắt chặt ở một số nước thành viên eurozone. Điều này là do có sự quan ngại về những rủi ro liên đới giữa nợ công và ngân hàng, cũng như sự thu hẹp của hoạt động tín dụng xuyên quốc gia.

Hậu quả là, “các hỗ trợ tài chính có tác dụng ít nhất tại các nước mà cuộc khủng hoảng tàn phá mạnh nhất”. Tình huống đáng ngại này là một lý do mạnh mẽ cho chính sách mới.

ECB vẫn sẽ không hỗ trợ vô điều kiện. Ngân hàng này sẽ can thiệp nếu và chỉ nếu các nước đáp ứng được những điều kiện nhất định. Những điều kiện đó không phải do ECB đặt ra. Theo ông Draghi, chúng do các chính phủ, Liên minh châu Âu (ECB), Ủy ban châu Âu (EC) và IMF đề xuất. Nhưng một khi được thông qua, chúng cần được tôn trọng, đó là yêu cầu của ECB.

Việc đặt ra điều kiện như vậy là hoàn toàn có thể hiểu được. Nhưng chúng chắc chắn sẽ ngăn cản những mục tiêu của chương trình mới. ECB cho biết, Ngân hàng sẽ tìm cách triệt tiêu nguy cơ tan vỡ eurozone, nhưng rõ ràng các nước đang thất bại trong việc đáp ứng được các điều kiện của chính sách. Các nhà đầu tư biết rằng, các cử tri có thể sẽ chọn ra một chính phủ không có xu hướng gắn mình với những điều kiện đó. Chuyện gì sẽ xảy ra sau đó? Câu trả lời là: hoặc ECB sẽ ngừng mua trái phiếu, theo đó, thị trường trái phiếu sẽ vỡ vụn; hoặc ECB tiếp tục mua, theo đó, các điều kiện sẽ bị vứt bỏ.

Khả năng thứ hai dường như dễ xảy ra hơn, do sẽ rất khó để ECB dừng lại. Nhưng đó có lẽ cũng là một lựa chọn nguy hiểm. Được cổ vũ bởi quan điểm của Ngân hàng trung ương Đức, vốn là định chế được tôn sùng nhất của nước Đức sau chiến tranh, phe bảo thủ tại nước này rất ghét những gì sẽ xảy đến với đồng tiền của họ. Do vậy, không khó để hình dung điều gì sẽ xảy ra bên trong nước Đức nếu một nước thành viên quan trọng bắt đầu vi phạm những điều kiện chính sách đã cam kết, trong khi ECB thì tiếp tục mua trái phiếu của nước đó. Cơn thịnh nộ có thể khiến số phận đồng euro diễn tiến theo một hướng khác. Không ai có thể chắc chắn các chính trị gia Đức sẽ phản ứng thế nào.

Tóm lại, một chương trình mua trái phiếu có điều kiện, được thực hiện bất chấp sự phản đối của Ngân hàng trung ương Đức, không thể mang lại sự ổn định lâu bền cho eurozone.

Vậy có cách nào để ECB một mình có thể củng cố được niềm tin cho đồng euro? Câu trả lời là: có và không.

Có, nếu mọi người tin là các thành viên của eurozone minh bạch về lợi ích của tất cả mọi người. Để có được điều đó, các nước thâm hụt ngân sách cần tăng trưởng và tạo việc làm. ECB có thể đóng góp bằng cách bơm tiền mạnh mẽ hơn.

Câu trả lời cũng là “không”, vì một chính sách tiền tệ nới lỏng hơn sẽ khiến người Đức lo rằng ECB đang trở thành một ngân hàng của Ý. Khó khăn cho ECB là các biện pháp của Ngân hàng đã từng được thực hiện ở Đức mà kết cục của nó là thảm hoạ lạm phát.

Quang Huy

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   DN Mỹ sẵn sàng cho khả năng Hy Lạp rời Eurozone (14/09/2012)

>   Brazil lại hạ mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2012 (14/09/2012)

>   Sẽ nới yêu cầu "thắt lưng buộc bụng" cho Hy Lạp? (14/09/2012)

>   Tăng trưởng của Canada sẽ chậm lại trong dài hạn (14/09/2012)

>   Fed nâng dự báo tăng trưởng GDP 2013 và 2014 của Mỹ (14/09/2012)

>   Fed tung gói QE3 mở quy mô không giới hạn (13/09/2012)

>   Đầu tư vào Thái Lan tăng 115% (13/09/2012)

>   "Kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng 2,3% trong năm 2012" (13/09/2012)

>   Hàng triệu người Trung Quốc khốn đốn vì tín dụng đen (13/09/2012)

>   EC đề xuất lập cơ chế giám sát ngân hàng duy nhất (13/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật