Barclays có CEO mới cùng nỗi lo mới
Ngày 31/8/2012, Barclays, một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất Anh đã chính thức bổ nhiệm ông Antony Jenkins, 51 tuổi làm Giám đốc điều hành (CEO) mới, thay ông Bob Diamond, 61 tuổi buộc phải từ chức sau vụ tai tiếng thao túng lãi suất liên ngân hàng LIBOR vào đầu tháng 7 vừa qua.
Ông Antony Jenkins hiện đang lãnh đạo mảng ngân hàng bán lẻ và phục vụ doanh nghiệp của Barclays, đồng thời là thành viên của Hội đồng Quản trị Barclays từ năm 2009.
Như vậy, sau gần 2 tháng, Barclays mới chính thức chọn được vị CEO đủ tài cán, năng lực để điều hành Ngân hàng trong bối cảnh đầy rẫy khó khăn hiện nay. Trong tháng 7 vừa qua, Barclays đã phải chịu khoản phạt kỷ lục 290 triệu bảng (455 triệu USD) vì hành vi gian lận, thao túng lãi suất liên ngân hàng LIBOR.
Phản ứng của thị trường với việc bổ nhiệm CEO mới của Barclay là bình thường, khi tại phiên giao dịch ngày 31/8 ở Sở GDCK London, giá cổ phiếu của Barclays giảm 0,14% (tức là gần như đứng nguyên) ở mức 1,83 bảng Anh. Như vậy, giá trị vốn hoá thị trường của Barclays hiện là 22,45 tỷ USD.
Theo nhiều nhà phân tích, tuy có CEO mới, song Barclays vẫn chưa hết lo, bởi một số lý do sau.
Thứ nhất, ông Antony Jenkins có điểm yếu lớn là chưa có kinh nghiệm làm việc ở mảng ngân hàng đầu tư, mà mảng này nhiều năm qua, đóng góp tới gần 60% doanh thu cũng như lợi nhuận, tức là mảng rất quan trọng.
Thứ hai, cũng trong ngày 31/8 vừa qua, U.K. Serious Fraud Office, một cơ quan bảo vệ pháp luật của Anh chuyên điều tra các vụ hối lộ, rửa tiền… đã chính thức thông báo sẽ điều tra về các giao dịch tài chính giữa Barclays với Qatar Holding LLC, quỹ quản lý và kinh doanh vốn nhà nước của Qatar từ năm 2008 trở lại đây, do nghi ngờ có hành vi “lại quả”. Như vậy, ông Antony Jenkins sẽ buộc phải hợp tác, làm việc với U.K. Serious Fraud Office để làm rõ mọi chuyện.
Nếu sau khi điều tra, U.K. Serious Fraud Office không phát hiện ra điều gì sai trái thì ổn, chứ nếu có chuyện bất thường hay không tuân thủ pháp luật, thì CEO mới lẫn Barclays lại phải chịu trận. Mà hậu quả thì khó mà nói trước được.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, ông Antony Jenkins chưa làm việc nhiều ở mảng ngân hàng đầu tư lại có cái hay, dễ có ý tưởng mang tính “đột phá”. Ông Mike Trippit, chuyên gia phân tích của Công ty Oriel Securities có trụ sở ở London nhận xét: “Ông Antony Jenkins trưởng thành từ bộ phận ngân hàng bán lẻ, chưa đụng chạm nhiều đến mảng ngân hàng đầu tư. Ông là người mới, nên sẽ có cách nhìn mới về mảng ngân hàng đầu tư. Có khi đó lại là lợi thế của ông”.
Theo một số nguồn tin, Barlays đã từng nhắm tới một số ứng cử viên bên ngoài, trước khi quyết định chọn người trong nhà làm CEO. Danh sách các ứng cử viên, gồm ông Stephen Hester, CEO của Ngân hàng Royal Bank of Scotland (RBS - Anh); Bill Winters, nguyên đồng CEO mảng ngân hàng đầu tư của Tập đoàn JP Morgan (Mỹ); Richard Meddings, một nhà quản lý cao cấp của Ngân hàng Standard Chartered (Anh). Song cuối cùng, sau khi cân nhắc mọi khía cạnh, ông Antony Jenkins vẫn tỏ ra sáng giá nhất.
Ông Antony Jenkins sinh ra và lớn lên ở Stoke-on-Trent, miền Trung nước Anh, Sau khi tốt nghiệp Đại học nổi tiếng Oxford (Anh) chuyên ngành kinh tế và triết học, năm 1983, ông đã gia nhập Barclays. Năm 1989, ông được Tập đoàn Citigroup của Mỹ mời về làm việc. Sau 17 năm gắn bó với Citigroup, năm 2006, ông được mời trở lại với “mái nhà xưa”, phụ trách mảng kinh doanh thẻ tín dụng của Barclays (Barclaycard). Trong 3 năm ông lãnh đạo Barclaycard, mảng này có lợi nhuận tăng từ mức 522 triệu bảng Anh vào năm 2006 lên 727 triệu năm 2009. Năm 2009, ông về lãnh đạo mảng ngân hàng bán lẻ và phục vụ doanh nghiệp của Barclays. Khi đó, lợi nhuận của bộ phận này mới đạt 710 triệu bảng, thì năm 2011 đã tăng lên 1 tỷ bảng. Chính nhờ các thành tích này mà ông Antony Jenkins được chọn làm CEO của Barclays.
Ông Antony Jenkins phát biểu: “Tôi tự coi mình là nhà lãnh đạo trong giai đoạn chuyển tiếp, song tin chắc rằng, với năng lực, kinh nghiệm của mình cộng với sức mạnh của toàn bộ đội ngũ nhân viên, Barclays sẽ sớm trở lại quỹ đạo hoạt động bình thường”. Ông đã nêu ra lịch trình hoạt động trong gần 4 tháng còn lại của năm 2012 là ổn định lại tổ chức, giải quyết mọi vướng mắc, tồn tại cũ. Sang năm 2013, mới vạch ra kế hoạch chính thức
Ông Antony Jenkins sẽ được trả lương cứng là 1,1 triệu bảng Anh/năm, song có thể nhận được tới 8,6 triệu bảng Anh (kể cả mọi khoản tiền thưởng), nếu hoàn thành các chỉ tiêu. Mức này sẽ thấp hơn nhiều so với người tiền nhiệm (12 triệu bảng Anh cho năm 2011).
Chủ tịch của Barclays Marcus Agius cũng đã từ chức vì liên đới đến vụ bê bối LIBOR. Từ tháng 11/2012, chức vụ Chủ tịch sẽ do ông David Walker đảm nhiệm. Ông này nguyên là nhà quản lý của Morgan Stanley (Mỹ). Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, ông sẽ bổ sung cho Antony Jenkins. Nếu làm việc ăn ý, đây có thể là “cặp đôi hoàn hảo” của Barclays.
Trung Hiếu
đầu tư chứng khoán
|