Vốn ngoại có mặt ở gần 50 CTCK
Hiện tại, ở Việt Nam, theo thống kê của ĐTCK, đang có 46 CTCK có vốn đầu tư nước ngoài.
Nhiều khả năng, những CTCK 100% vốn nước ngoài đầu tiên sẽ ra đời sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn thành lập CTCK 100% vốn ngoại.
Gần 44% số CTCK có vốn ngoại
Theo thống kê của Đầu tư Chứng khoán dựa trên Báo cáo thường niên 2011 của 93/105 CTCK đã công bố và số liệu room nhà đầu tư nước ngoài của 27 CTCK niêm yết (ngày 3/8/2012), hiện tại có 46/105 CTCK đang hoạt động tại Việt Nam có “vốn ngoại”, chiếm gần 44%. Như vậy, con số này mới chỉ tăng thêm 6 CTCK so với một thống kê tương tự của Đầu tư Chứng khoán trước đây gần một năm. Tuy nhiên, khối lượng và tỷ lệ cổ phần mà khối ngoại nắm giữ thì đã tăng kể.
Trong số 46 CTCK này, có 13 CTCK đã có tỷ lệ vốn ngoại kịch trần 49% và 3 CTCK có tỷ lệ trên 40%, 8 CTCK có vốn ngoại từ 5 - 30% và 22 CTCK có vốn ngoại dưới 5%.
Nếu tính theo vốn điều lệ, tổng giá trị góp vốn của khối ngoại đạt 4.510,13 tỷ đồng, chiếm 19,70% tổng vốn điều lệ của 46 CTCK có vốn ngoại và bằng 12,88% tổng vốn điều lệ của 105 CTCK hiện có.
Tất cả 27 CTCK niêm yết đều có dòng vốn ngoại chảy vào, dù ít hay nhiều. Trong đó có 8 CTCK có tỷ lệ vốn ngoại trên 10%. Có 2 CTCK đã hết room dành cho khối ngoại là CTCK Golden Bridge Việt Nam (GBS) và CTCK Phú Hưng (PHS). Hai CTCK Sài Gòn (SSI) và CTCK TP. HCM (HCM) chỉ còn lượng room rất ít ỏi cho nhà đầu tư ngoại, lần lượt là 2.001 và 6 cổ phiếu. Tổng vốn cổ phần của khối ngoại cũng chiếm tới 16,62% vốn điều lệ của 27 CTCK niêm yết này.
Nếu tính theo giá cổ phiếu ngày 3/8, tổng giá trị vốn hóa mà khối ngoại nắm giữ cổ phần tại 27 CTCK niêm yết là 5.209,92 tỷ đồng. Con số này chiếm một tỷ lệ rất nhỏ là 3,73% tổng giá trị cổ phần mà khối ngoại nắm giữ của 703 công ty niêm yết trên cả hai sàn.
Cửa rộng cho vốn ngoại ở những CTCK chưa niêm yết
Theo Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán có hiệu lực từ 15/9/2012, có hai mô hình để nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia góp vốn vào các CTCK là mua cổ phần, góp vốn để sở hữu 49% CTCK Việt Nam hoặc mua, thành lập mới CTCK do nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% vốn.
Do vướng quy định nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép mua cổ phần hoặc góp vốn để sở hữu tối đa 49% đối với các công ty đang niêm yết, nên nhiều khả năng, nhà đầu tư ngoại sẽ nhắm đến những CTCK chưa niêm yết để có thể được phép mua cổ phần để sở hữu 100% vốn. Được biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn về vấn đề này và đang trình Bộ Tài chính xem xét ban hành trong năm nay.
Trong số 19 CTCK chưa niêm yết đang có vốn ngoại, có tới 12 công ty đã được nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 44 - 48% vốn điều lệ. Đây là khối CTCK nhiều khả năng sẽ chuyển mình nhất sau khi được Bộ Tài chính và UBCK “bật đèn xanh” cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua nốt phần vốn nội còn lại.
Gần 60 CTCK còn lại chưa có vốn ngoại, quy mô nhỏ lại đang hoạt động cầm chừng trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, cũng là “cửa rộng” cho các nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù đã gần như ngừng hoạt động, nhưng một số CTCK vẫn chưa giải thể vì mong bán lại giấy phép, do hiện UBCK đã tạm dừng cấp phép thành lập mới CTCK.
Liệu Thông tư mới hướng dẫn việc thành lập CTCK 100% vốn ngoại có thể là cứu cánh cho những công ty này, mở ra một hướng mới cho công cuộc tái cấu trúc lại khối các CTCK nói riêng và TTCK Việt Nam nói chung? Trong bối cảnh nguồn vốn khó khăn, chất lượng dịch vụ của các CTCK nội “xuống cấp”, việc sớm mở cửa cho vốn ngoại chảy vào có lẽ là một điều mà nhà đầu tư chứng khoán đang chờ đợi.
Nguyễn Quang
đầu tư chứng khoán
|