Vốn khó ở khâu nào?
Vấn đề hiện nay là hàng hóa tồn kho rất cao, sức mua của nền kinh tế bị suy giảm, cho nên các doanh nghiệp cũng hết sức thận trọng trong vấn đề đi vay vốn ngân hàng. Với lãi suất thấp như thế này tất cả những gói tín dụng của các ngân hàng đưa ra không có trở ngại cho tiếp cận vốn vay mà do những khó khăn chung từ nền kinh tế.
Giải quyết bài toán vốn là mối quan tâm chung của các thành phần trong nền kinh tế. Thời báo Ngân hàng có cuộc phỏng vấn ông Trương Văn Phước - Tổng giám đốc NHTMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) xung quanh vấn đề này.
Hiện nay nhiều doanh nghiệp phản ánh, khó tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng. Vậy đang vướng ở khâu nào, thưa ông?
Vấn đề không phải là khó tiếp cận nguồn vốn mà vấn đề hiện nay là hàng hóa tồn kho rất cao, sức mua của nền kinh tế bị suy giảm, cho nên các doanh nghiệp cũng hết sức thận trọng trong vấn đề đi vay vốn ngân hàng. Với lãi suất thấp như thế này tất cả những gói tín dụng của các ngân hàng đưa ra không có trở ngại cho tiếp cận vốn vay mà do những khó khăn chung từ nền kinh tế.
Theo ông, cần phải làm gì để đưa vốn ra nền kinh tế?
Cái mà nền kinh tế phải gánh chịu đó là tổng cầu, sức mua của nền kinh tế suy giảm. Cho nên giải quyết vấn đề này có hai cách. Thứ nhất, ở tầm vĩ mô Chính phủ phải nghiên cứu để có các chính sách kích cầu đủ cho nền kinh tế phá được tảng băng hàng hóa, vật tư tồn đọng. Vấn đề thứ hai là lãi suất phải thấp xuống, mà lãi suất trong mấy tháng trở lại đây đã có xu hướng giảm rõ rệt. Đến giờ phút này ngoại trừ các hợp đồng cũ hạ lãi suất về 15%/năm thì tất cả các TCTD đều đưa ra các chương trình, các gói tín dụng với lãi suất 12-14%/năm. Cách đây hơn một tháng, Eximbank đã đưa ra gói tín dụng 5.000 tỷ đồng với lãi suất 7%/năm, cuối tháng 7 vừa qua Eximbank đưa tiếp một gói 5.000 tỷ đồng với lãi suất 10%/năm, bảo hiểm 1% về biến động tỷ giá. Tôi cho rằng, đó là một thực tiễn cho thấy lãi suất của chúng ta đi xuống do lạm phát được kiềm chế tốt. Tuy nhiên để khơi thông dòng tín dụng không chỉ là lãi suất. Eximbank đã thống kê các khách hàng của riêng mình thì thấy trong chi phí của doanh nghiệp chỉ có 24% là lãi vay, điều này cho thấy rằng ngoại trừ chi phí vốn thì thị trường và vấn đề tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm mới là vấn đề quyết định cho việc tín dụng ngân hàng đưa ra cho nền kinh tế.
Theo ông, thời điểm này đã thích hợp để hạ thêm lãi suất cho vay xuống chưa?
Lãi suất cho vay đã hạ nhiều rồi, mức phổ biến hiện nay khoảng 14-15%/năm và có rất nhiều ngân hàng cho vay với lãi suất rẻ hơn rất nhiều khoảng 9-10%/năm. Theo dự báo của NHNN thì năm nay lạm phát chỉ khoảng 6-7%, và lãi suất huy động đương nhiên là sẽ thấp xuống, như vậy theo ý kiến của Thống đốc NHNN lãi suất huy động có thể giảm xuống mức 8%/năm vào cuối năm. Tôi cho rằng ở vùng lãi suất đó là hợp lý và như thế chúng ta có rất nhiều điều kiện để có thể hạ lãi suất cho vay xuống khoảng chừng 10-12%/năm.
Việc các NHTM đang hỗ trợ các doanh nghiệp đồng nghĩa là sẽ bớt lợi nhuận mà ngân hàng thu về, ông đánh giá vấn đề này như thế nào?
Điều đó là đương nhiên. Hệ thống ngân hàng phát triển dựa trên cơ sở khách hàng của mình phát triển. Khách hàng khó khăn thì các ngân hàng cũng gặp khó khăn, ở đây không có vấn đề hỗ trợ hay nhượng bộ cũng như là lòng tốt gì đó, mà ở đây nó là một quy luật khắc nghiệt của thị trường. Ở đó, người đi vay và người cho vay phải hiểu rằng, nếu như tình hình tài chính của người vay rất khó khăn thì đến một lúc nào đó người cho vay sẽ bị mất vốn. Cho nên việc hạ thấp lãi suất xuống cũng là một biện pháp đương nhiên mà bất kỳ một ngân hàng phải làm.
Nhưng nợ xấu đang ảnh hưởng đến việc “bơm” vốn của các TCTD. Theo ông có cần phải thành lập ngay công ty mua bán nợ quốc gia không?
Trước hết, có thể nói vấn đề nợ xấu là vấn đề đã tồn tại từ rất lâu trong nền kinh tế, tự thân các NHTM phải sử dụng các năng lực tài chính của mình để xử lý nợ xấu. Tôi cho rằng nợ xấu của Việt Nam trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên một quốc gia muốn phát triển nhanh, bền vững thì cần có vai trò của Nhà nước, và chúng ta cũng cần phải ủng hộ cho một cơ chế nào có sự tham gia của Nhà nước để làm cho khối nợ xấu đó có thể xử lý nhanh hơn, vì nếu để các TCTD tự thân họ vẫn có thể xử lý được nhưng phải mất rất nhiều thời gian và nó cản bước phát triển của đất nước.
Có rất nhiều cách xử lý nợ xấu. Nhưng trước hết phải phân loại nợ cho đúng, phải trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, phải thực hiện việc xử lý tài sản đảm bảo, nếu làm như thế thì nợ nợ xấu sẽ giảm xuống. Đối với những khoản nợ nào được Nhà nước hay Bộ Tài chính bảo lãnh thì sẽ thực hiện các nghĩa vụ bảo lãnh đó, còn lại thì vấn đề là TCTD nào làm thì anh phải sử dụng năng lực tài chính của anh để xóa nợ xấu. Đây không chỉ là thông lệ quốc tế mà tình trạng thực tiễn ở Việt Nam cũng đã xảy ra như vậy. Nhưng tôi nhắc lại, nợ xấu của Việt Nam gắn liền với tài sản đảm bảo là bất động sản với một tỷ lệ rất lớn. Chính vì vậy, việc phục hồi của các thị trường, nhất là thị trường bất động sản là một trong những liều thuốc quan trọng để xử lý nợ xấu.
Xin cảm ơn ông!
Linh Lan thực hiện
thời báo ngân hàng
|