Tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng giảm 0,6%
Tỷ giá giữa đô la Mỹ và tiền đồng nhìn chung tiếp tục ổn định nhưng so với đầu năm 2012, độ chênh lệch giữa hai đồng tiền này đã giảm khoảng 0,6%.
Tỷ giá giảm nhưng ổn định
Một báo cáo mới đây của Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) nhận định tỷ giá giữa đô la Mỹ và tiền đồng trong tháng 7 tiếp tục ổn định, sau một đợt điều chỉnh mạnh vào cuối tháng. Còn trước đó là thời gian dài giảm liên tiếp. Mức giao dịch ổn định phổ biến quanh mức 20.870 đồng/đô la Mỹ mua vào và 20.900 đồng/đô la Mỹ bán ra.
Như vậy so với đầu năm 2012, trung tâm nhận định tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng đã giảm khoảng 0,6%.
Mức giảm này khiến cho thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định. Thị trường tự do ghi nhận giá giao dịch đô la Mỹ tiếp tục được niêm yết thấp hơn tại các ngân hàng thương mại. Điều này cho thấy các giao dịch đô la trên thị trường chậm, chủ yếu là giao dịch của các nhu cầu cần ngoại tệ thực sự.
Vẫn lý giải của trung tâm này, nguyên nhân của đợt tăng tỷ giá ngắn ngày cuối tháng 7 là do các ngân hàng thương mại điều chỉnh tỷ giá mang tính kỹ thuật thông thường sau một thời gian ổn định; thông tin về khả năng Ngân hàng Nhà nước chưa hạn chế đối tượng vay ngoại tệ cuối năm 2012 khiến cho các ngân hàng thương mại tăng giá mua vào để chuẩn bị nguồn vốn cho nhu cầu vay ngoại tệ có thể tăng trong thời gian tới và cầu ngoại tệ tăng đón đầu khả năng tỷ giá có thể tăng do nhập khẩu tăng vào dịp cuối năm.
Với sự ổn định tỳ giá hiện nay, trung tâm dự báo 5 tháng cuối năm sẽ tiếp tục ổn định quanh mức 21.000 đồng/đô la Mỹ, nhưng vẫn sẽ có thời điểm tỷ giá điều chỉnh tăng mạnh dưới tác động của yếu tố cầu tăng đột biến.
Lý do của sự ổn định dựa trên dự báo: 1) Thâm hụt thương mại trong năm 2012 nhiều khả năng sẽ giảm so với các năm trước và tỷ lệ lạm phát thấp hơn giúp ổn định tỷ giá ngoại tệ, 2) Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng duy trì sự ổn định tỷ giá và thúc đẩy phát triển thương mại. Quyết tâm này được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tái khẳng định rằng sẽ giữ ổn định tỷ giá biến động 2-3% trong năm 2012.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong báo cáo về tình hình kinh tế 7 tháng đầu năm và dự báo những tháng cuối năm trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ cuối tháng 7, cũng cho biết xu hướng tăng nhẹ tỷ giá trong vài ngày cuối tháng song vẫn thường xuyên dưới mức 21.000 đồng/đô la, tương đương biên độ dao động chưa tới 0,8% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng báo hiệu sự ổn định của tỷ giá.
Ví như tăng trưởng xuất khẩu 7 tháng đạt 19% so với cùng kỳ, cao hơn đáng kể so mức 13% mục tiêu đề ra trong khi tăng trưởng nhập khẩu thấp hơn (tăng 7,3% so với cùng kỳ) dự báo không gây ra mất cân đối cung - cầu đô la Mỹ.
Mặt khác, dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài diễn biến tích cực. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn khá dồi dào, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2011. Đặc biệt vốn đầu tư gián tiếp (PI) tăng tới hơn 40% so với cùng kỳ nhờ hoạt động góp vốn, mua cổ phần chiến lược của các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài trong các ngân hàng thương mại như Vietcombank và việc phát hành trái phiếu thành công trên thị trường chứng khoán quốc tế của tập đoàn Vincom và ngân hàng Vietinbank, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào triển vọng kinh tế Việt Nam.
Vay đô la Mỹ sẽ không ngại rủi ro
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng dự báo tăng trưởng nhập khẩu có thể sẽ tăng nhanh chóng trong vài tháng tới do nhu cầu về nguyên liệu và dầu thô tăng cao, do đó, cán cân thương mại sẽ mất cân đối trong một thời gian ngắn. Cho đến khi nhà máy lọc dầu Dung Quất khôi phục sản xuất và nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hoàn thiện thì nhập khẩu sẽ giảm trở lại và cán cân thương mại được cải thiện.
Sản xuất trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, cùng với xu hướng giảm lãi suất tiền đồng sẽ phần nào gây sức ép lên giá trị nội tệ. Tuy nhiên, ủy ban tái khẳng định đây không phải là yếu tố có thể ảnh hưởng mạnh tới thị trường ngoại hối và cặp tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trong 5 tháng cuối năm.
Vẫn ủy ban dự báo rằng việc vay đô la Mỹ của doanh nghiệp sẽ không bị rủi ro do lãi suất cho vay tiền đồng đã giảm về mức 15%/năm nhưng vẫn cao hơn lãi suất cho vay đô la bình quân là 4,5%/năm. Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố sẽ không để tỷ giá biến động quá 3% trong năm 2012, như một sự đảm bảo để loại trừ sự rủi ro biến động tỉ giá.
“Đây chính là lý do từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng chủ yếu là tín dụng ngoại tệ”, vẫn Ủy ban Giám sát tài chính nhận định.
Song ủy ban khuyến cáo rằng, để duy trì trạng thái cân bằng giữa tiền gửi nội tệ và ngoại tệ, tránh xẩy ra tình trạng các ngân hàng thương mại ồ ạt chuyển đổi danh mục tài sản nội tệ và ngoại tệ gây khó khăn đột biến cho thanh khoản, chính sách tiền tệ cần được điều hành nhất quán, cân nhắc thận trọng trong việc hạ lãi suất điều hành khi dư địa giảm lãi suất đang được thu hẹp.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện nguyên tắc hạn chế hạ lãi suất quá nhanh gây khó khăn cho ngân hàng thương mại, đồng thời có thể tránh gây biến động tỷ giá và gây dựng thêm niềm tin chính sách đang ngày được nâng cao.
Lan Nhi
TBKTSG
|