TKV lại đòi giảm thuế
Thời gian qua, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) liên tiếp có nhiều văn bản đề nghị giảm thuế xuất khẩu than với lý do khó khăn, hàng tồn kho nhiều.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng TKV hoàn toàn có thể tự cứu mình trước khi kêu cứu.
Trong một văn bản gửi Thủ tướng vào giữa tháng 7-2012, TKV đã đề nghị được giảm thuế xuất khẩu than từ mức 20% hiện nay còn 10%, với lý do giá than thế giới giảm và hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV gặp khó khăn, lượng than tồn kho đến cuối tháng 6 lên tới trên 8,5 triệu tấn.
Xuất khẩu than tại cảng của TKV. Năm 2011 TKV đã xuất khẩu hơn 16 triệu tấn than.
|
Chi phí cao vì thiếu minh bạch
Thế nhưng, trong bản báo cáo về “Tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh sáu tháng đầu năm, nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2012”, TKV cho biết tổng số than tồn kho sáu tháng là 8,9 triệu tấn, trong đó than thành phẩm chỉ có 5,9 triệu tấn, còn lại gần 3 triệu tấn là than nguyên khai và bán thành phẩm. Như vậy, số lượng than thành phẩm tồn kho trong báo cáo này so với con số TKV báo cáo Thủ tướng chênh nhau tới khoảng 2,6 triệu tấn.
Ông Nguyễn Chân, nguyên bộ trưởng Bộ Mỏ và than, cũng cho rằng tính cả than nguyên khai vào lượng than tồn kho là không đúng do đây là than vừa lấy trong lò ra, vẫn trong dây chuyền sản xuất, phải qua nhiều công đoạn mới thành than thành phẩm, than sạch.
TS Nguyễn Thành Sơn, giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng (đơn vị thuộc TKV), cho rằng trong tổng lượng than tồn có tới trên 1,2 triệu tấn than chỉ đạt tiêu chuẩn cơ sở (tiêu chuẩn của ngành). Điều này khẳng định là một phần không nhỏ than tồn kể trên thực chất do chất lượng quá xấu, không thể tiêu thụ được chứ không phải do thuế.
Dù liên tục đòi giảm thuế nhưng theo ông Nguyễn Thành Sơn, TKV lại không có biện pháp cải cách, tái cơ cấu đủ mạnh để tự giảm khó. Chẳng hạn, TKV hiện áp dụng cơ chế phân bổ sản lượng khai thác cho các đơn vị thành viên, trong khi lẽ ra TKV phải tính toán để giảm giá thành bằng cách tăng mua mạnh cho các công ty có chi phí sản xuất rẻ để có giá thành chung rẻ hơn.
Chưa hết, ông Nguyễn Thành Sơn cũng bày tỏ nghi ngờ về con số 200-300 triệu m3 đất đá được bóc mỗi năm theo như báo cáo của TKV, khối lượng công việc này chiếm tỉ trọng rất lớn trong tổng chi phí. Tuy nhiên hiện nay gần như không mỏ lộ thiên nào có bãi thải riêng để có thể đo đếm, nên số lượng đất đá phải bóc, vận chuyển đi thường chỉ khớp giữa mỏ và đơn vị được thuê vận chuyển. Trong khi đó, nếu cùng khai tăng lên thì cả mỏ và đơn vị vận chuyển đều được lợi...
Cũng theo ông Sơn, tính toán trên các số liệu của TKV thì chi phí bóc đất, đá trong khai thác than của TKV khoảng 4 USD/m3, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực chỉ 2,5-3 USD/m3. TKV chưa bao giờ khẳng định con số này nên theo ông Sơn, để người dân, xã hội hiểu và chia sẻ khó khăn, TKV cần minh bạch, công khai hơn nữa xem chi phí bóc đất đá của mình là bao nhiêu.
Ông Phạm Quang Tú - viện phó Viện Tư vấn phát triển, đơn vị từng làm báo cáo sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng - cũng khẳng định các báo cáo của TKV thời gian qua là không đáng tin cậy, do thiếu các cơ quan độc lập và các tổ chức xã hội trong giám sát, đánh giá các con số của TKV. Theo ông Tú, TKV phải công khai cơ cấu giá thành than, ít nhất trước mỗi lần đề nghị tăng giá bán than cho điện.
Doanh nghiệp phải tự cứu
Khai báo sai sản lượng khai thác diễn ra phổ biến
Theo báo cáo năm 2011 về Sáng kiến minh bạch ngành khai khoáng do Phòng Thương mại và công nghiệp VN cùng Viện Tư vấn phát triển thực hiện với tài trợ của Đại sứ quán Na Uy tại VN, VN đã xây dựng được hệ thống văn bản pháp luật tương đối đầy đủ về khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, báo cáo khẳng định nhiều nghĩa vụ tài chính đã không được các doanh nghiệp khai thác khoáng sản nộp đầy đủ. Tình trạng trốn thuế, chủ yếu nhờ khai báo không đúng sản lượng khai thác, buôn lậu... vẫn diễn ra phổ biến tại các địa phương. Việc công khai thông tin và trách nhiệm giải trình của các bên trong công nghiệp khai khoáng cũng rất hạn chế.
|
Trao đổi về khả năng giảm thuế xuất khẩu cho TKV, TS Nguyễn Thành Sơn, dù vẫn là người trong ngành, thẳng thắn công nhận TKV đang khó khăn, có thể năm 2012 không có lãi, “nhưng nếu thuế xuất khẩu mới ở mức 20% mà cứ đề nghị giảm thuế mãi trong bối cảnh khó khăn chung thế này tôi cũng thấy không có lương tâm”.
Lý do, theo ông Sơn, để khai thác than hiện nay TKV không mất tiền nguyên liệu, chỉ mất tiền nhiên liệu, nhân công. Phí môi trường chỉ 10.000 đồng/tấn, thuế bảo vệ môi trường bổ sung 20.000 đồng/tấn... là không lớn. Chỉ việc đào lên đem bán, Nhà nước thu với than như vậy ông Sơn cho là vẫn thấp.
Trong khi đó, trong báo cáo của TKV, giá xuất khẩu than trung bình mà TKV tính toán năm 2012 đạt tới gần 2 triệu đồng/tấn. Giá bán trong nước có thấp hơn nhưng tính trung bình cả giá bán trong nước và xuất khẩu, TKV vẫn bán được bình quân gần 1,5 triệu đồng/tấn. Mặt khác, giá thành than ngay cả khi có lãi vay cũng chỉ ở mức 1,24 triệu đồng/tấn.
Ông Phạm Quang Tú cho rằng việc TKV đề nghị giảm thuế là không thể chấp nhận vì đi ngược chủ trương hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô của đất nước. Nếu giảm thuế sẽ giúp TKV tăng xuất khẩu trong khi đến năm 2015 đất nước đã phải nhập khẩu than. TKV đã liên tục được cơ chế đặc thù trong khai thác than, nên họ cũng cần chia sẻ khó khăn với đất nước như các doanh nghiệp khác.
“Nếu doanh nghiệp nào có khó khăn mà cũng xin giảm thuế như TKV thì không hiểu lấy đâu ra nguồn thu để đầu tư cho giáo dục, y tế...” - ông Tú nói. Cũng theo ông Tú, TKV còn nhiều khả năng có thể giảm chi phí như tổn thất trong quá trình khai thác, vận chuyển than...
Việc giữ hoặc tăng thuế xuất khẩu than có thể làm TKV khó khăn nhưng cũng tạo sức ép cần để TKV có những biện pháp tái cơ cấu, giảm chi phí mạnh mẽ hơn nữa. Ngoài ra, theo ông Tú, các cơ quan nhà nước cần tăng cường giám sát, công khai hơn nữa các thông tin về sản xuất kinh doanh của ngành than để tránh khả năng lãng phí, thất thoát.
Cẩm Văn Kình
Tuổi trẻ
|