Thứ Ba, 28/08/2012 11:10

Nợ nần, Xi măng Thái Nguyên bế tắc

Với khoản lỗ 77 tỷ đồng sau hơn 1 năm hoạt động, Dự án Xi măng Thái Nguyên đang đứng trước bài toán tồn tại hay phá sản, do không có nguồn trả nợ và thiếu vốn sản xuất.

Dự án Xi măng Thái Nguyên (chủ đầu tư là Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam - Vinaincon ) được Chính phủ cho phép thực hiện với nhiều cơ chế hỗ trợ như cho vay lãi suất ưu đãi, bảo lãnh vay vốn nước ngoài, vay Quỹ Tích lũy trả nợ nước ngoài của Bộ Tài chính và vay thương mại lên tới 95% tổng mức đầu tư, tương đương 3.046 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do thời gian xây dựng lên tới 7 năm, chậm tiến độ hơn 60 tháng, các ngân hàng đồng tài trợ không thu xếp được đủ vốn như cam kết ban đầu, nên Dự án phải chuyển sang vay một phần từ nước ngoài dưới sự bảo lãnh của Chính phủ.

Đi vào sản xuất đúng thời điểm kinh tế suy thoái, hàng loạt dự án ngành xây dựng bị cắt giảm, giãn tiến độ, mạng lưới tiêu thụ chưa phát triển, thương hiệu Xi măng Quang Sơn còn khá mới mẻ, nên Nhà máy Xi măng Thái Nguyên chỉ hoạt động chưa đầy 60% công suất. Tính đến cuối năm 2011, Nhà máy còn tồn kho gần 300.000 tấn (cả xi măng lẫn clinker), trị giá 113 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, Dự án Xi măng Thái Nguyên hiện không có nguồn trả nợ. Vì vậy, tháng 7/2011, với tư cách là người bảo lãnh, Bộ Tài chính đã trả nợ vốn vay đầu tư đến hạn của Vinaincon tại Ngân hàng BNP Paribas, với số tiền 4.245.769,75 euro.

Trước thực tế tài chính của Xi măng Thái Nguyên, Bộ Tài chính đã đề xuất với Bộ Công thương và chủ đầu tư Vinaincon 3 phương án: cho phá sản theo luật định, chuyển Xi măng Quang Sơn về Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) và chuyển toàn bộ phần vốn nhà nước tại Vinaincon cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Tuy nhiên, cả 3 phương án này đều được đánh giá là không hiệu quả trong thời điểm hiện nay.

Trước hết, nếu cho phá sản theo luật định, Nhà nước có nguy cơ mất một phần vốn lớn do phải bán, thanh lý tài sản một nhà máy vừa xây xong với giá rẻ, do thời điểm này khó tìm nhà đầu tư nào mua lại theo đúng giá trị.

ông Lương Quang Khải, Chủ tịch HĐTV Vicem cho biết, Vicem không có chủ trương mua lại những dự án đang gánh trên vai hàng nghìn tỷ đồng nợ và lãi vay như Xi măng Thái Nguyên, nhất là trong thời điểm Vicem cũng đang oằn vai trả nợ như hiện nay.

Còn nếu về với SCIC, trước mắt, SCIC có thể thu xếp vốn để trả nợ một phần cho Xi măng Thái Nguyên. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng, tình hình sản xuất, kinh doanh của Nhà máy sẽ khó được cải thiện, do SCIC không có kinh nghiệm quản lý, điều hành các hoạt động xây lắp, công nghiệp và kinh doanh xi măng. Chưa kể, Bộ Tài chính và SCIC cần có thời gian để xây dựng đề án tái cơ cấu, như xem xét cơ cấu tài chính, bán bớt cổ phần, sáp nhập…

Với mong muốn cứu Xi măng Thái Nguyên, Bộ Công thương đề xuất Chính phủ cho phép Bộ Tài chính tiếp tục ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài để trả thay cho Dự án khoản vay từ Ngân hàng BNP Paribas (Pháp), xin khoanh nợ và hoãn trả nợ gốc giai đoạn 2012-2014, giai đoạn 2014-2021 trả nợ với lãi suất từ 5 đến 25%. Đồng thời, đối với việc trả nợ lãi vay, Dự án được khoanh nợ, dừng tính lãi phát sinh từ nay đến năm 2014 và được phép vay vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Ông Hoàng Thế Hiển, Kế toán trưởng Vinaincon cho biết, Tổng công ty vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo từ Chính phủ về việc xử lý nợ cho Xi măng Thái Nguyên. Trong thời gian chờ đợi, Nhà máy vẫn hoạt động, nhưng chỉ ở mức 50-60% công suất. Với công suất này, giá thành sản xuất không thể chịu nổi được khấu hao và lãi vay.

Theo tính toán, để đảm bảo cho Dự án hoạt động hiệu quả, có nguồn trả nợ, thì đầu ra ít nhất phải đạt 80% công suất. Điều này khó có thể đạt được trong thời điểm thị trường xi măng đã xuống rất thấp như hiện nay. Bởi vậy, ngay cả khi Xi măng Thái Nguyên được xử lý nợ, thì không dễ để doanh nghiệp nào, kể cả doanh ngiệp được tiếng là mạnh và dẫn dắt thị trường như Vicem, có đủ dũng cảm tiếp nhận Dự án.

Hải Yến

đầu tư

Các tin tức khác

>   Nhàm chán kim ngạch nhập khẩu ôtô (28/08/2012)

>   Lan rộng “chiêu” biến lãi thành lỗ (28/08/2012)

>   Từ bỏ đa ngành: DN lo giữ người, giữ tiền (28/08/2012)

>   Nhiều nhà đầu tư quan tâm dự án tỉ đô của First Solar (27/08/2012)

>   EVN mua điện gió Bạc Liêu với giá 7,8 cent/kWh (27/08/2012)

>   TPHCM tìm thêm vốn từ Nhật Bản cho dự án metro (27/08/2012)

>   Gạo Việt Nam xuất sang Trung Quốc tăng đột biến (27/08/2012)

>   8 tháng, kim ngạch XK cả nước đạt trên 73 tỷ USD (27/08/2012)

>   Nhật Bản dẫn đầu về vốn đầu tư FDI tại Việt Nam (27/08/2012)

>   Việt Nam đầu tư hai dự án thủy điện tại nam Lào (27/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật