Thứ Năm, 30/08/2012 08:23

Tập đoàn Mercatus Capital tiếp vốn cho y tế

Trong chuyến làm việc tại Việt Nam tuần trước, lãnh đạo Tập đoàn Mercatus Capital Pte Ltd (Singapore) thông báo sẽ triển khai một quỹ đầu tư vào lĩnh vực y tế.

Đến Việt Nam lần này, Tập đoàn Mercatus Capital Pte Ltd đặt mục tiêu tìm các nhà đầu tư tốt để rót vốn thực hiện các dự án trong lĩnh vực y tế như mô hình Mercatus Capital đã thực hiện thành công tại một số nước trong khu vực. Bằng khả năng đầu tư tài chính, Tập đoàn đã và đang giúp Philippines, Ấn Độ, Singapore… cải thiện nhanh chóng hệ thống y tế, thông qua việc kêu gọi vốn đầu tư của các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài.

Động thái của Tập đoàn Mercatus Capital Pte cho thấy, lĩnh vực y tế vốn khá yếu thế trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đang chứa đựng những yếu tố hấp dẫn.

Trước đó, lãnh đạo Tập đoàn Trip Eye Infrastructure (Canada) cũng đã sang làm việc với Công ty cổ phần Đại An (Hải Dương) nhằm đẩy nhanh các thủ tục để hiện thực hóa cam kết đầu tư một bệnh viện cao cấp quy mô 200 giường trong giai đoạn I tại Hải Dương, với tổng vốn đầu tư 160 triệu USD. Ông Marc Kealey, Tổng giám đốc Triple Eye Infrastructure cho biết, nếu thủ tục đầu tư được hoàn tất, dự án này sẽ được khởi công trong quý I/2013.

Theo thống kê của Mercatus Capital Pte Ltd, tại Việt Nam, cứ 10.000 người dân hiện mới có 12 bác sỹ, tổng chi cho y tế hàng năm mới chiếm khoảng 7-8% GDP. “Điều đó cho thấy, đầu tư cho chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đã bị tụt hậu khá xa, đồng thời, đầu tư công cộng và tư nhân để cải thiện dịch vụ y tế còn rất thấp. Nếu mấu chốt của tình trạng này nằm ở vấn đề vốn, thì trong tương lai, Việt Nam vẫn có thể thu hút các nguồn vốn đầu tư tư nhân từ các nơi trên thế giới”, ông Ravindran Govindan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mercatus Capital Pte Ltd khẳng định.

Trên thực tế, dù đánh giá Việt Nam là địa chỉ tốt để đầu tư vào y tế, với dân số đông, kinh tế tăng trưởng tốt, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn khá dè dặt khi đầu tư vào lĩnh vực này. Ngay trong kế hoạch đầu tư nêu trên của mình, Tập đoàn Mercatus Capital Pte Ltd cũng dự liệu những khó khăn không dễ vượt qua. Trong đó, điều khiến họ quan ngại nhất là hệ thống pháp luật chưa rõ ràng, đặc biệt là việc thực thi các chính sách ưu tiên, ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực này tại các địa phương chưa thống nhất.

Nhìn lại những dự án FDI được cấp phép trong lĩnh vực y tế thời gian qua mới thấy, lo ngại của các nhà đầu tư là hoàn toàn có cơ sở. Dự án Bệnh viện Kwang Myun 100% vốn Hàn Quốc được cấp phép năm 2005, tại Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội, với tổng vốn đầu tư đăng ký 200 triệu USD, quy mô 1.000 giường bệnh, từng được xem là niềm hy vọng của ngành y tế trong nỗ lực thu hút vốn FDI. Tuy nhiên, đến nay, Dự án vẫn đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng. Do gặp khó khăn trong việc huy động vốn, đối tác Hàn Quốc đã lặng lẽ sang tên Dự án cho chủ đầu tư mới là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (Intracom). Về với Intracom, Dự án được đổi tên thành Dự án Tổ hợp Y tế Phương Đông (Intracom 9).

Một dự án khác là Dự án Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội, do Tập đoàn Keystone làm chủ đầu tư, mặc dù được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 1997, nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.

Ông Trần Quốc Khoa, Trưởng phòng Quản lý Khám chữa bệnh ngoài công lập (Bộ Y tế) cho biết, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của các nước đã đến thăm dò, tìm hiểu cơ hội đầu tư xây dựng bệnh viện tại Việt Nam, nhưng cuối cùng chỉ đổ tiền vào xây dựng phòng khám, cơ sở khám chữa bệnh. Vì vậy, sau hàng chục năm đẩy mạnh thu hút vốn FDI vào y tế, Việt Nam mới có 6 bệnh viện 100% vốn FDI đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 94 triệu USD.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 7/2012, Việt Nam mới thu hút được 78 dự án FDI vào lĩnh vực y tế, gồm sản xuất thiết bị y tế, dược phẩm và trợ giúp xã hội, với tổng vốn đăng ký 1,106 tỷ USD.

Hải Yến

Đầu tư

Các tin tức khác

>   CPI sẽ tăng 0,199% theo giá xăng dầu (29/08/2012)

>   Kinh tế 8 tháng: Những chỉ báo rủi ro (29/08/2012)

>   Căn bệnh thập kỷ của doanh nghiệp Việt Nam (29/08/2012)

>   Chuyên gia Vũ Đình Ánh: Nên tiếp tục hạ trần lãi suất huy động xuống 8%/năm (29/08/2012)

>   Lãi suất cho vay có thể về mức 10% cuối quý III/2012 (28/08/2012)

>   Lạm phát thấp, lo tăng trưởng (28/08/2012)

>   Gặp CEO nổi tiếng quyết định đầu tư tại Việt Nam sau... 27 giây (27/08/2012)

>   FDI 8 tháng: Vốn đăng ký “hụt hơi” (27/08/2012)

>   Bất bình đẳng thu nhập đang cản trở cải cách (27/08/2012)

>   Chuyên gia kinh tế: “Lo ngại lạm phát quay trở lại” (27/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật