Thứ Hai, 27/08/2012 11:40

Bất bình đẳng thu nhập đang cản trở cải cách

Tình trạng bất công, bất bình đẳng về thu nhập và tài sản trong xã hội đang tăng lên, đe dọa an ninh kinh tế, an ninh xã hội, cản trở cải cách ở Việt Nam, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ quan ngại trong bản tham luận về sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân tại hội thảo do Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội vừa tổ chức.

Một trong những mục tiêu của việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, chỉ sau ba năm có hiệu lực, theo Bộ Tài chính là để “đảm bảo công bằng, bình đẳng trong điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư, tạo điều kiện cho người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ với đất nước, góp phần hạn chế khoảng cách về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội”.

Đây cũng chính là một trong bốn quan điểm, mục tiêu đã được đặt ra khi ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, mà theo bà Chi Lan “về cơ bản vẫn đúng”. Song, chuyên gia kinh tế này cho rằng, việc cải cách thuế thuế thu nhập cá nhân lần này cần đặt trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, trong đó ít nhất cần lưu ý ba vấn đề.

Thứ nhất, bà Lan cho rằng dù Việt Nam đã ra khỏi ngưỡng nghèo, vào ngưỡng thu nhập trung bình thấp (từ 1.000 USD đến dưới 4.000 USD/năm), nhưng còn đang ở mức rất thấp trong ngưỡng này. Trong khi đó mức độ huy động vào ngân sách và tỷ lệ đầu tư vốn trong thời gian qua đã rất cao, kể cả so với các nước khác, mà kết quả, hiệu quả tăng trưởng lại thấp.

“Vì vậy khi so sánh với các nước khác phải so sánh cả mức thu nhập sau khi đóng thuế của người dân, so sánh hiệu quả sử dụng nguồn thuế, chứ không nên chỉ so sánh mức thu hay mức giảm trừ gia cảnh”.

Ở mục tiêu “công bằng, bình đẳng” trong điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư, bà Lan cho rằng, trên thực tế, chênh lệch thu nhập ở Việt Nam tăng nhanh . Trong khi nhiều nghiên cứu cho thấy người giàu đang thụ hưởng chính sách an sinh xã hội trong các dịch vụ y tế, giáo dục… nhiều hơn người nghèo. Vì vậy, một mặt Luật Thuế thu nhập cá nhân phải chú trọng mục tiêu công bằng, bình đẳng xã hội, hạn chế khoảng cách về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư; mặt khác cần nhiều chính sách, biện pháp khác, chứ không nên dựa quá nhiều vào việc điều tiết thu nhập qua thuế để thực hiện mục tiêu này.

Nhìn lại các phiên thảo luận tại diễn đàn Quốc hội, có thể thấy đây cũng là mối quan ngại khá sâu sắc của các nhà lập pháp. Khi từ kỳ họp cuối năm 2010, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi đã nêu ra một thực tế đáng lo ngại về sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng, đặc biệt là giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất (từ 8,1 lần năm 2002, lên 8,4 lần năm 2006, và lên đến 8,9 lần vào năm 2008).

Cũng tại đây, đại biểu Vi Trọng Lễ đã dẫn kết quả khảo sát của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) về an sinh xã hội ở Việt Nam cho thấy nhóm giàu nhất bằng 20% số hộ gia đình nhận được 40% lợi ích từ an sinh xã hội, trong khi đó nhóm nghèo nhất chỉ nhận được chưa tới 7%.

Vấn đề khác, theo bà Lan cũng rất cần lưu ý là chênh lệch tài sản ở Việt Nam trong những năm gần đây còn tăng nhanh hơn chênh lệch thu nhập, với sự tích tụ của cải hay nguồn lực của xã hội (đặc biệt là đất đai, vốn, quyền khai thác tài nguyên, quyền kinh doanh một số lĩnh vực có lợi nhuận cao…) ở qui mô lớn vào tay một số ít người, đồng thời làm cho một số lớn hơn nhiều bị mất hoặc giảm mạnh tài sản của mình (như nông dân mất đất canh tác). Tham nhũng, lãng phí lan rộng, với mức độ ngày càng nặng nề cũng góp phần quan trọng tạo nên chênh lệch tài sản lớn hơn.

Cũng theo phân tích của chuyên gia này thì chênh lệch tài sản lại làm tăng chênh lệch thu nhập. Thu nhập từ tài sản có thể lớn hơn nhiều so với các thu nhập khác của những người thu nhập cao, trong khi mất tài sản có thể làm triệt tiêu nguồn thu nhập lâu dài, thậm chí kéo dài nhiều thế hệ, của nhiều gia đình.

Xem xét vấn đề thu nhập, hạn chế khoảng cách về thu nhập, theo bà Lan, cần tính tới tình trạng bất công, bất bình đẳng về thu nhập và tài sản trong xã hội đang tăng lên, đe dọa an ninh kinh tế, an ninh xã hội, cản trở cải cách ở Việt Nam. Nếu không cải các mạnh cách phân bổ nguồn lực – gốc của vấn đề phân bổ nguồn lực – thì không thể khắc phục những bất công, bất bình đẳng về thu nhập.

Nhìn vào mục tiêu chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung bất cập so với thực tế, không làm ảnh hưởng lớn đến số thu ngân sách nhà nước của dự luật, bà Lan cho rằng còn hẹp và thấp so với yêu yêu cầu của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020. Nhất là dự kiến luật điều chỉnh vẫn theo những con số tuyệt đối cứng nhắc sẽ không thể đáp ứng đòi hỏi khả năng điều chỉnh thuế linh hoạt hơn theo diễn biến thực tế của nền kinh tế và thu nhập của người dân. Tại sao không tính trên cơ sở hệ số so với mức tiền lương tối thiểu, bà Lan nêu lại quan điểm của nhiều người khí góp ý xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành.

Vị chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng, thuế thu nhập cá nhân phải tính ở mức có thể tạo điều kiện cho người dân tăng tiêu dùng, từ đó hỗ trợ phát triển kinh tế và cải thiện đời sống của người dân, trong khi nhà nước vẫn có thể thu từ các loại thuế khác.

Thuế cần đảm bảo cho người dân có tích lũy để đầu tư, kinh doanh, để khuyến khích người dân làm giàu. Tinh thần nuôi dưỡng nguồn thu cần thể hiện cả trong thuế thu nhập cá nhân, chứ không chỉ trong thuế thu nhập doanh nghiệp, bản tham luận nêu rõ.

Nguyễn Lê

tbktvn

Các tin tức khác

>   Chuyên gia kinh tế: “Lo ngại lạm phát quay trở lại” (27/08/2012)

>   Cần lập ban quản lý nợ công của quốc hội (27/08/2012)

>   Cần cảnh giác với nguy cơ tái lạm phát (26/08/2012)

>   5 vấn đề lớn của nền kinh tế (25/08/2012)

>   CPI tháng 8: Dấu ấn của biến động giá xăng dầu (24/08/2012)

>   CPI tháng 8 tăng 0.63% so tháng trước (24/08/2012)

>   Phỏng vấn Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam về điều hành chính sách tiền tệ của NHNN (23/08/2012)

>   Đâu rồi những “ưu tiên số 1”? (23/08/2012)

>   Lạm phát năm 2012 có thể giữ ở mức một con số (22/08/2012)

>   Chủ tịch Quốc hội: “Đến cuối năm nay, phải giảm được nợ xấu!” (22/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật