CPI tháng 8: Dấu ấn của biến động giá xăng dầu
Diễn biến giá xăng dầu thế giới trong thời gian tới sẽ tiếp tục là yếu tố ảnh hưởng chủ yếu đến lạm phát trong nước, khi mà cầu kéo, tiền tệ… khó có thay đổi đột biến.
* CPI sẽ tăng trở lại từ tháng 8?
* Thị trường xăng dầu: Triển vọng thế giới và áp lực lên giá trong nước
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 cả nước tăng 0.63% so với tháng 7, và tăng 5.04% so với cùng kỳ năm 2011.
Như vậy, sau hai tháng tăng trưởng âm, CPI tháng 8 đã đảo chiều đi lên, theo cùng với xu hướng tăng của giá bán lẻ xăng dầu trong nước trong hơn một tháng trở lại đây (biểu đồ bên dưới).
Bị tác động trực tiếp, hai nhóm hàng Nhà ở và vật liệu xây dựng và Giao thông đã tăng mạnh, lần lượt là 2.03% và 1.07%, so với tháng trước. Trong tháng 7, hai nhóm hàng này đã giảm khá mạnh theo đà giảm của giá xăng dầu.
Ngoài ra, nhóm hàng Thuốc và dịch vụ y tế cũng bật tăng mạnh 5.44% so với tháng trước, cao hơn mức tăng 3.36% của chỉ số này trong tháng 7.
Trong khi đó, nhóm có tỷ trọng lớn nhất trong rổ hàng hóa tính CPI là Hàng ăn và dịch vụ ăn uống vẫn giữ mức giảm nhẹ 0.18% so với tháng trước. Chỉ số giá ở các nhóm hàng khác hầu hết không có sự biến động đáng kể nào.
Nhìn chung, mức độ dao động của chỉ số giá tiêu dùng trong thời gian gần đây chủ yếu đến từ biến động của giá cả xăng dầu.
Diễn biến giá xăng dầu thế giới trong thời gian tới sẽ tiếp tục là yếu tố ảnh hưởng chủ yếu đến lạm phát trong nước, khi mà cầu kéo, tiền tệ… khó có thay đổi đột biến.
Trước đó, trong “Báo cáo Kinh tế Vĩ mô và Thị trường tháng 7 năm 2012”, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (HNX: BVS) cho rằng CPI trong tháng 8 nhiều khả năng sẽ tăng khoảng 0.2% - 0.4%, do sức ép tăng giá đến từ việc điều chỉnh giá xăng dầu và giá các dịch vụ y tế.
Tương tự, trong báo cáo “Vietnam Outlook” số tháng 8/2012, CTCP Chứng khoán MB (MBS) dự báo CPI tháng 8 sẽ tăng khoảng 0.25% so với tháng 7, và tăng 4.64% so với cùng kỳ năm trước.
Hoàng Vũ (Vietstock)
FFN
|