Rủi ro từ vốn rẻ
Gần đây, các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi chỉ khoảng 10%/năm, thậm chí dưới 10%/năm, liên tiếp được tung ra. Đây được xem là liều thuốc hỗ trợ thị trường trong lúc khó khăn. Tuy nhiên, thực tế không hẳn vốn nào cũng rẻ thật sự!
Tuần qua, Ngân hàng (NH) Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tung ra gói tín dụng 10.000 tỉ đồng cho vay ngắn hạn phục vụ sản xuất, kinh doanh với lãi suất sàn chỉ 9%/năm, áp dụng từ ngày giải ngân đến hết năm 2012. NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có gói 15.000 tỉ đồng, cho vay mức thấp nhất chỉ 9%/năm, bằng với trần lãi suất huy động. Theo Vietcombank, mức lãi suất thấp bất ngờ này bởi NH còn dư địa cho vay nhiều, trong lúc huy động được một số nguồn vốn rẻ hơn mức đầu vào hiện hành. Tương tự, gói cho vay ưu đãi bằng ngoại tệ khoảng 700 triệu USD tại NH này cũng chỉ áp dụng lãi suất cực thấp: 2,5%/năm…
Một số NH khác như NH TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cho vay cá nhân sản xuất, kinh doanh lãi suất chỉ từ 11,5%/năm trong 3 tháng đầu. Tại NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), gói tín dụng có kèm bảo hiểm tỉ giá lãi suất chỉ 10%/năm vừa tiếp tục được triển khai...
Không chỉ tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, ở lĩnh vực bất động sản, lãi suất thấp cũng được các NH tung ra liên tục làm nhiều người bất ngờ lẫn cả băn khoăn vì lãi suất cho vay chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn huy động. Chẳng hạn, NH HSBC vừa triển khai cho khách hàng vay mua nhà, xây nhà, sửa nhà với lãi suất chỉ 9,99%/năm trong 3 tháng đầu tiên. Lãi suất cho vay bất động sản tại VIB cũng chỉ từ 9,9%/năm trong 3 tháng đầu. Trước đó, NH TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) cho vay tiêu dùng với lãi suất chỉ 0,68%/tháng trong 3 tháng đầu (tương đương 8,16%/năm)…
Thoạt nhìn, tưởng lãi suất cho vay ngày càng rẻ, lợi cho người có nhu cầu, nhưng tìm hiểu kỹ mới thấy các khoản cho vay sản xuất, kinh doanh lãi suất 9%/năm được nhiều NH chọn lọc kỹ lưỡng, chỉ dành cho khách hàng xếp hạng tín nhiệm từ A trở lên, vay kỳ hạn ngắn từ 3-4 tháng… Thậm chí, chỉ một số dự án đầu tư được chỉ định cho vay mới “với tới” lãi suất “lý tưởng” này. Còn thực tế, khách hàng trong 4 nhóm ưu tiên theo quy định vẫn phải vay với lãi suất từ 12%-13%/năm. Đó là chưa kể khách hàng vay vốn có thể phải chịu thêm các khoản chi phí ngoài lãi vay như chi phí thẩm định tài sản…
Đặc biệt, với các khoản vay bất động sản, tiêu dùng… lãi suất 10%/năm thường chỉ áp dụng trong 3 tháng đầu, từ tháng thứ tư trở đi, khách hàng phải trả theo mức lãi suất thị trường đang từ 15%-17%/năm. Trong khi đó, các khoản vay tiêu dùng cá nhân, mua nhà đều trong diện trung và dài hạn từ 5 đến 10 năm, thậm chí 15 năm... Lúc đó, lãi suất điều chỉnh như thế nào vẫn còn là ẩn số khiến người vay rất dễ gặp rủi ro.
Thái Phương
Người lao động
|