Thứ Bảy, 25/08/2012 08:14

Nợ xấu khó xử lý, vì sao?

Hiện nay, những biện pháp được các TCTD thực hiện để thu hồi nợ chủ yếu là thanh lý tài sản đảm bảo nợ hoặc khởi kiện ra tòa án.

Giá trị tài sản đảm bảo giảm và khó thanh lý là một trong những khó khăn trong tiến trình xử lý nợ xấu
Giá trị tài sản đảm bảo giảm và khó thanh lý là một trong những khó khăn trong tiến trình xử lý nợ xấu

Trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm thứ Ba tuần này, không trả lời thẳng câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, rằng “cuối năm nay và nửa năm sau nợ xấu có giảm. Giảm cỡ bao nhiêu?”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình chỉ có thể nói khá chung chung, “tôi tin rằng, tình hình nợ xấu sẽ cải thiện trong thời gian sắp tới…”. Sự đắn đo này có nhiều nguyên nhân!

Thống đốc NHNN tái khẳng định con số nợ xấu toàn hệ thống theo tổng kết của cơ quan này là 8,6%, tương đương 202.000 tỷ đồng và 85% các khoản nợ này đều được bảo đảm bằng tài sản. Theo quy định của NHNN thì nợ xấu là nợ thuộc các nhóm 3, nhóm 4, nhóm 5, trong đó nợ nhóm 5 là nợ được đánh giá không còn khả năng thu hồi, mất vốn. Theo công bố thì trong số 202.000 tỷ đồng nợ xấu, có 117.700 tỷ đồng bị phân vào nhóm 5.

Đối với các khoản nợ xấu, tổ chức tín dụng (TCTD) phải thực hiện việc phân loại nợ, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng hàng tháng để phục vụ cho công tác quản lý chất lượng và rủi ro tín dụng. Tỷ lệ trích lập dự phòng đối với các nhóm nợ cụ thể là: Nhóm 3: 20%, Nhóm 4: 50%, Nhóm 5: 100%. TCTD phải sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng đối với các khoản nợ trong các trường hợp: (i) khách hàng là tổ chức, DN bị giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật; cá nhân bị chết hoặc mất tích. (ii) các khoản nợ thuộc nhóm 5 theo quy định. Sau khi đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng, TCTD phải chuyển các khoản nợ đã được xử lý rủi ro tín dụng từ hạch toán nội bảng ra hạch toán ngoại bảng để tiếp tục theo dõi và có các biện pháp để thu hồi nợ.

Hiện nay, những biện pháp được các TCTD thực hiện để thu hồi nợ chủ yếu là thanh lý tài sản đảm bảo nợ hoặc khởi kiện ra tòa án. Thông thường, các tài sản đảm bảo nợ đã được các chủ tài sản đăng ký giao dịch đảm bảo khi ký hợp đồng thế chấp vay vốn với TCTD. Các TCTD sẽ thực hiện việc bán tài sản đảm bảo nợ hoặc nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm để thanh toán nợ gốc, lãi vay, lãi quá hạn của bên bảo đảm sau khi trừ đi các chi phí khác (nếu có) và được tiếp nhận tài sản đó. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện xử lý nợ xấu, nhất là nợ nhóm 5, thông qua việc xử lý tài sản đảm bảo nợ gặp không ít khó khăn, tiến trình xử lý mất rất nhiều thời gian và thủ tục, giá trị thu hồi thấp do nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, sự giảm giá trị của tài sản đảm bảo nợ so với thời điểm vay vốn: giá trị tài sản khi được TCTD định giá xem xét làm tài sản đảm bảo nợ thường được định giá và cho vay thấp hơn, chỉ bằng 60 - 80% giá trị thực tế của tài sản đảm bảo nợ. Nhưng một thực tế hiện nay là nhiều giá trị tài sản đảm bảo nợ đã “bốc hơi” rất nhiều so với thời điểm vay vốn, ví dụ như các tài sản là tàu biển giá trị giảm trên dưới 50%, các cổ phiếu có nhiều mã giảm tới 60 - 70% so với thời điểm cầm cố, giá trị bất động sản giảm mạnh, các tài sản đặc thù giá trị lớn khó xác định giá giao dịch... Điều này khiến các TCTD rất khó xử lý tài sản đảm bảo nợ, nếu xử lý thì chỉ thu hồi được một phần nợ.

Ngoài ra, một khó khăn khác mà ngân hàng thường gặp phải khi tài sản đảm bảo của một số DN là các máy móc thiết bị chuyên dùng có giá trị cao thì rất khó thanh lý. Khi bán được thì phải ưu tiên thực hiện nghĩa vụ nộp thuế nhập khẩu, vì hầu hết các thiết bị này đều được miễn thuế nhập khẩu do thường được coi là tài sản cố định khi thành lập công ty..., dẫn đến việc thực hiện xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản đảm bảo nợ thường kéo dài, tốn kém về tài chính.

Thứ hai, bế tắc trong khai thác tài sản đảm bảo nợ: việc thu hồi tài sản đảm bảo để tự khai thác đối với các TCTD cũng gặp không ít khó khăn, thậm chí là bất khả thi do các tài sản đặc thù như tàu biển, máy móc chuyên dụng hoặc tài sản gắn liền với tổ hợp tài sản khác như đập thủy điện, tổ máy thủy điện trong nhà máy thủy điện, máy móc trong cả dây chuyền sản xuất, công trình trên đất..., nên không thể tách rời ra để xử lý hoặc khai thác. Nếu tiếp nhận về để khai thác tài sản thì TCTD cũng không có năng lực và nghiệp vụ để thực hiện như khai thác tàu biển, cơ khí chế tạo...

Thứ ba, thiếu hợp tác từ phía khách nợ: trên thực tế, ngân hàng gặp không ít khó khăn trong việc xử lý tài sản đảm bảo nợ, nhiều khách nợ không hợp tác, cố tình kéo dài thời gian trả nợ, thời gian bàn giao tài sản... Nếu không đạt được sự thoả thuận với khách hàng thì ngân hàng chỉ còn cách chuyển hồ sơ khởi kiện ra tòa án.

Thứ tư, chậm chễ trong thi hành án: xử lý nợ thông qua khởi kiện ra tòa án đối với các khoản nợ không có tài sản đảm bảo nợ như yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DN. Theo hướng này thì thời gian xử lý lâu (phải từ 3 - 4 năm) vì phải mất nhiều trình tự, thủ tục như mở thủ tục phá sản, thành lập tổ thanh lý tài sản, thực hiện thanh lý tài sản... Do đó, tỷ lệ thu hồi nợ thấp do xử lý tài sản của DN dưới hình thức bán thanh lý và số tiền thu hồi phải phân chia cho các chủ nợ có tài sản đảm bảo khác. Thậm chí, dù có phán quyết của Toà án, TCTD vẫn gặp trở ngại vì khâu thi hành án chậm, thủ tục thi hành án còn nhiều bất cập. Tiếp đến là sự phối hợp không đồng bộ giữa cơ quan chức năng liên quan như cơ quan thẩm định, cơ quan bán đấu giá... Từ lúc khởi kiện đến cưỡng chế, thi hành một vụ xử lý nợ qua toà án mất ít nhất 2 năm, trung bình mất 8 - 9 năm.

Chính do những khó khăn trong xử lý nợ xấu nên không tránh khỏi hiện tượng một số TCTD đã có những biện pháp “nghiệp vụ” cơ cấu lại thời gian trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ gốc cho khách nợ, chỉ yêu cầu trả lãi dù các khoản nợ này đã rơi vào tình trạng nợ xấu nếu so với hợp đồng cho vay ban đầu. Việc này nhằm giúp TCTD không phải trích lập dự phòng đối với nợ xấu phát sinh. Đây là một tảng băng chìm dưới phần nổi nợ xấu đã công bố hiện nay, khiến người đứng đầu ngành ngân hàng cũng khó có thể dám chắc thời điểm cụ thể nào nợ xấu sẽ giảm.

Ths. Phan Hoài Hiệp

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Ngân hàng dồn vốn cho bất động sản (25/08/2012)

>   Giá đô la Mỹ tăng do tâm lý (24/08/2012)

>   Đã bơm hơn 23.000 tỷ đồng trên OMO tuần này (24/08/2012)

>   Nên tách nợ xấu khỏi hệ thống ngân hàng để xử lý (24/08/2012)

>   ACB bất ngờ tăng mạnh lãi suất tiền gửi (24/08/2012)

>   Hình ảnh khám xét nhà ông Lý Xuân Hải (24/08/2012)

>   Thị trường tài chính đang trong tầm kiểm soát (24/08/2012)

>   Tìm đường 'cứu' tín dụng: Sao bắt áo cổ cồn đi với quần xắn móng lợn? (24/08/2012)

>   Cơ quan điều tra BCA: Không có áp lực trong vụ bắt Nguyễn Đức Kiên (24/08/2012)

>   Nợ xấu và tài sản thế chấp - 'hố đen' hay món hàng béo bở? (24/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật