Thứ Sáu, 24/08/2012 08:39

Nợ xấu và tài sản thế chấp - 'hố đen' hay món hàng béo bở?

Sau báo cáo của Ủy Ban Giám Sát Tài Chính công bố tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng là 8,6% dự nợ, tương đương 202 nghìn tỷ đồng, vấn đề giải quyết nợ xấu đang trở thành chủ đề kinh tế-tài chính nóng bỏng nhất hiện nay. Một con số đáng lưu ý khác trong báo cáo này ít được nhắc đến là giá trị tài sản thế chấp của các khoản nợ này bằng 134,8% giá trị khoản vay. Con số này có nghĩa như thế nào?

Thứ nhất, theo công thức trích lập dự phòng R =(A-C)x r (trong đó R là giá trị trích lập dự phòng, A là giá trị khoản vay, C là giá trị tài sản đảm bảo và r là tỷ lệ trích lập dự phòng) thì rõ ràng khi giá trị tài sản thế chấp cao hơn giá trị khoản vay thì nợ xấu tăng cao cũng không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận của các ngân hàng. Điều này phần nào giải thích cho thực tế là tất cả các ngân hàng đều báo lãi cho đến thời điểm này mặc dù có ngân hàng đang gánh khối nợ xấu cao hơn cả vốn điều lệ.

Thứ hai, cũng theo báo cáo trên, giá trị tài sản thế chấp có thể phải thanh lý để thu hồi nợ lên đến hơn 270 nghìn tỷ. Theo chia sẻ của các lãnh đạo ngân hàng, đã từ lâu các ngân hàng rất hạn chế cho vay tín chấp mà bắt buộc doanh nghiệp/cá nhân phải có tài sản thế chấp, trong đó ước tính trên 2/3 các tài sản thế chấp là bất động sản. Vấn đề đặt ra cho các ngân hàng là việc thu hồi, phát mãi các tài sản này hoàn toàn không đơn giản do tính phức tạp của các thủ tục pháp lý liên quan, trung bình phải mất 2-3 năm để hoàn tất. Ngoài ra, nếu để nợ xấu tồn tại lâu thì giá trị tài sản thế chấp chưa chắc được bảo toàn, đồng thời thanh khoản yếu hiện nay ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị tài sản thế chấp, ngân hàng sẽ gánh chịu rủi ro rất lớn, đây quả là một tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Tuy nhiên, hiện nay không ít nhà đầu tư trong và ngoài nước đang “dòm ngó” khối tài sản thế chấp khổng lồ này. Việc “mua nợ xấu” thực chất là thôn tính con nợ hoặc mua tài sản thế chấp từ lâu đã là một thị trường vô cùng “béo bở” tại các nước phát triển.

Trị bệnh từ gốc hay ngọn?

Hiện nay đề xuất xử lý nợ xấu nhận được nhiều quan tâm nhất là thành lập Công ty mua bán nợ xấu (AMC). Tuy nhiên, khúc mắc chưa giải quyết được hiện nay là vai trò cũng như quyền hạn và trách nhiệm của AMC. Nếu như AMC sử dụng vốn ngân sách nhà nước để “thu gom” nợ xấu và (theo khẳng định AMC là đơn vị hoạt động vì lợi nhuận) sau đó tìm cách chuyển nhượng nợ hoặc/và tài sản thế chấp để tạo lợi nhuận thì đây là cách trị bệnh “từ ngọn”. Bản chất của nợ xấu vẫn là nợ xấu, việc mua đi bán lại các khoản nợ không tạo nên giá trị gia tăng mà chỉ làm tăng “giá thành” của khoản nợ do chi phí hoạt động và lợi nhuận kỳ vọng của AMC. Khoan hãy bàn đến những tiêu cực phát sinh do lợi ích nhóm hay rủi ro tiềm tàng do quản lý yếu kém, việc AMC “một mình một chợ” về mặt lô-gic đương nhiên sẽ đặt ra câu hỏi về tính minh bạch & hiệu quả của việc giao dịch nợ xấu.

Bản chất nợ xấu là do rất nhiều thành phần kinh tế tạo ra, để tái cơ cấu nợ xấu hay phục hồi tình trạng sản xuất cần “bên mua” là những đơn vị am hiểu lĩnh vực hoạt động của con nợ, có vốn, có năng lực xoay chuyển tình thế để tạo ra giá trị gia tăng. Đó mới chính là cách “trị bệnh từ gốc”. Rõ ràng vấn đề chưa ai bàn đến là ai sẽ mua nợ xấu?

Hiệp sỹ trắng – Hiệp sỹ đen

“Hiệp sỹ trắng” sẽ xuất hiện để giải cứu hoặc mua lại khoản nợ của các công ty mà họ tin tưởng có thể phục hồi hoạt động hoặc tạo ra giá trị gia tăng. Sẽ rất hợp lý nếu một công ty sản xuất hàng tiêu dùng mua lại một công ty sản xuất bao bì đang bế tắc vì nợ nần, hay một công ty bán lẻ mua lại một nhà cung ứng của mình. “Hiệp sỹ trắng” không nhất thiết phải thôn tính đơn vị đang mang nợ, mà có giải quyết vấn đề thanh khoản bằng cách giải phóng hàng tồn kho và cân đối nguồn vốn bằng nhiều hình thức khác như phát hành thêm vốn, trái phiếu (chuyển đổi hoặc không chuyển đổi) sau đó tham gia trực tiếp vào quản trị và tái cơ cấu đơn vị này. Với việc tích hợp kinh doanh này tạo ra cộng hưởng giá trị (synergy), từ đó giúp đơn vị mang nợ phục hồi hoạt động, thanh lý nợ xấu và cân đối cơ cấu tài chính. Các đơn vị đang hoạt động ổn định và có suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao hơn chi phí lãi vay (đang giảm dần) đang có cơ hội tuyệt vời để huy động vốn và trở thành những “Hiệp sỹ trắng”.

“Hiệp sỹ đen” là những nhà đầu tư hoặc đầu cơ mua lại con nợ vì tài sản của con nợ. “Hiệp sỹ đen” sẽ mua nợ với động cơ chủ yếu là chia nhỏ con nợ ra, cái gì bán được thì bán, cái gì không “cứu” được thì bỏ. Quá trình tự thanh lý tài sản sẽ giúp ngân hàng loại bọ các thủ tục pháp lý phức tạp để thu hồi nợ gốc, đồng thời mang lại lợi nhuận cho “Hiệp sỹ đen”. Thậm chí các công ty hoàn toàn không còn một cơ sở phục hồi nào và chỉ còn cái “xác” cũng có thể được mua vì việc sử dụng một cái “xác” đang hoạt động thua lỗ sau đó chuyển đổi mô hình hoạt động sẽ đem lại lợi ích về tiết kiệm thuế thu nhập doanh nghiệp cho “Hiệp sỹ đen”.

Như thế bên mua có thể là “Hiệp sỹ trắng” hay “Hiệp sỹ đen” hay kết hợp bản chất của cả 2 đối tượng. Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan thì sữ xuất hiện của 2 đối tượng này đều tạo ra giá trị gia tăng và giúp “thanh lọc” nợ xấu cho hệ thống ngân hàng.

Bàn về AMC thay cho lời kết

Một thực tế hiện nay là các “Hiệp sỹ trắng” và “Hiệp sỹ đen” sẽ không tài nào vượt qua được “tường thành” của các ngân hàng vì không ai muốn “vạch áo cho người xem lưng” cả. Quay lại với vấn đề vai trò của AMC, dư luận sẽ rất bất bình nếu tiền thuế và ngân sách được đem ra để “cứu” các ngân hàng. Tuy nhiên vai trò của AMC vẫn là rất cần thiết, vì dưới sự chỉ đạo và hành lang pháp lý mà ngân hàng Nhà Nước tạo ra cho AMC, AMC có thể trở thành một đơn vị “môi giới nợ xấu”. Nếu không có một áp lực nhất định, sẽ rất khó để các ngân hàng chấp nhận minh bạnh hóa, đem nợ xấu (vốn được xem là những “góc tối” trong báo cáo tài chính) ra “sàn giao dịch” để tìm người mua thích hợp. AMC hoàn toàn có thể giúp tạo ra một sân chơi bình đằng, minh bạch và lành mạnh để bên mua và bán gặp nhau. Như vậy AMC sẽ không cần một nguồn vốn khổng lồ, “phí giao dịch” sẽ là giá trị gia tăng chính tạo ra bởi AMC đồng thời có thể trang trải cho chi phí hoạt động của đơn vị này. Nếu thực hiện được việc này, AMC sẽ trở thành lều thuốc trị “căn bệnh nợ xấu” từ gốc, thúc đẩy sự lành mạnh hóa và minh bạch hóa hệ thống ngân hàng.

Đỗ Chí Hiếu

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Vietinbank dành 20.000 tỷ cho vay lãi suất thấp nhất còn 8,95%/năm (24/08/2012)

>   Kinh doanh kiểu bầu Kiên: Đánh bạc không mất vốn! (24/08/2012)

>   NHNN chấp thuận ông Đỗ Minh Toàn làm Tổng Giám đốc ACB (23/08/2012)

>   Ông Lý Xuân Hải từ nhiệm Tổng giám đốc ACB (23/08/2012)

>   Quyết định 1623 về tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của NHNN (23/08/2012)

>   Thông tư 24: TCTD không được huy động và cho vay vàng (23/08/2012)

>   Trước hiệu ứng thông tin, huy động vốn ngân hàng… tăng (23/08/2012)

>   Lượng vốn Ngân hàng Nhà nước bơm trên OMO đã giảm mạnh (23/08/2012)

>   BIDV: 10.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn với lãi suất sàn 9%/năm (23/08/2012)

>   Phỏng vấn Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam về điều hành chính sách tiền tệ của NHNN (23/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật